Các bài viết liên quan
- GIÁC HƠI ĐIỀU TRỊ CẢM CÚM
- GIÁC HƠI ĐIỀU TRỊ CÁC CHỨNG ĐAU
- GIÁC HƠI ĐIỀU TRỊ NGOẠI CẢM PHONG NHIỆT
- GIÁC HƠI ĐIỀU TRỊ NGOẠI CẢM PHONG HÀN
- CỨU HỖ TRỢ ĐIỀU TRỊ NGHIỆN MA TÚY THỂ HÀN
- CỨU ĐIỀU TRỊ RỐI LOẠN TIÊU HÓA THỂ HÀN
- CỨU ĐIỀU TRỊ CẢM CÚM THỂ HÀN
- CỨU ĐIỀU TRỊ RỐI LOẠN THẦN KINH THỰC VẬT THỂ HÀN
- CỨU ĐIỀU TRỊ GIẢM KHỨU GIÁC THỂ HÀN
- CỨU ĐIỀU TRỊ ĐAU LƯNG THỂ HÀN
ĐIỆN MÃNG CHÂM ĐIỀU TRỊ ĐAU DÂY THẦN KINH LIÊN SƯỜN
Quyết định số: 792/QĐ-BYT
Ngày ban hành: 12/03/2013 12:00
Đại cương
- Đau dây thần kinh liên sườn là bệnh cảnh xuất hiện khi dây thần kinh liên sườn bị tổn thương (viêm nhiễm, chèn ép) tùy vào vị trí mức độ, số lượng dây thần kinh liên sườn bị tổn thương trên lâm sàng mà bệnh nhân có biểu hiện khác nhau. Bệnh thường đau tại nơi tổn thương khi ấn vào, đau chạy dọc theo đường đi của dây thần kinh, đau tăng khi ho, hít thở sâu, căng dãn lồng ngực. Đau thần kinh liên sườn hay gặp trong bệnh lý cột sống, chấn thương lồng ngực, Zona .
- Theo Y học cổ truyền, bệnh thuộc chứng “ Hiếp thống” do Can khí uất kết, Can hoả quá mạnh hoặc do khí trệ huyết ứ, đàm ẩm. Bệnh nhân thường đau một hoặc hai bên mạng sườn, ngực sườn đầy tức, dễ cáu giận, miệng đắng, mạch huyền, khẩn.
Chỉ định điều trị
Đau thần kinh liên sườn do lạnh, sau chấn thương, Zona .
Chống chỉ định
Đau thần kinh liên sườn triệu chứng trong bệnh cảnh có ép tủy (lao cột sống, u tủy, chấn thương cột sống ...).
Chuẩn bị
1. Người thực hiện: Bác sỹ, Y sỹ được đào tạo về chuyên ngành y học cổ truyền được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.
2. Phương tiện
- Máy điện châm hai tần số bổ, tả
- Kim châm cứu vô khuẩn, loại: 8-10-12cm, dùng riêng cho từng người bệnh.
- Khay men, kẹp có mấu, bông, Cồn70°
3. Người bệnh
- Được tư vấn, giải thích trước khi vào điều trị.
- Được khám và làm hồ sơ bệnh án theo quy định.
- Tư thế người bệnh nằm ngửa, gối cao hoặc ngồi.
Các bước tiến hành
1. Phác đồ huyệt
- Chương môn -Kỳ môn - Thiên trì -Đại bao
- Nội quan - Khúc trạch - Can du - Đởm du
- Ngoại quan - Chi câu - Hành gian -Thái xung
- Túc tam lý -Phong long - Huyết hải - Âm liêm
Tả: - Chương môn xuyên Kỳ môn - Thiên trì xuyên Đại bao
- Nội quan xuyên Khúc trạch - Can du xuyên Đởm du
- Ngoại quan xuyên Chi câu - Hành gian xuyên Thái xung
Bổ: - Túc tam lý xuyên Phong long - Huyết hải xuyên Ảm liêm.
2. Thủ thuật:
- Bước 1: Xác định và sát khuẩn da vùng huyệt
- Bước 2: Châm kim vào huyệt theo các thì sau:
Thì 1: Tay trái dùng ngón tay cái và ngón trỏ ấn, căng da vùng huyệt;
Tay phải châm kim nhanh qua da vùng huyệt.
Thì 2: Đẩy kim từ từ theo huyệt đạo, kích thích kim cho đến khi đạt “Đắc khí” (bệnh nhân có cảm giác căng, tức, nặng vừa phải, không đau ở vùng huyệt vừa châm kim, thầy thuốc cảm giác kim mút chặt tại vị trí huyệt).
- Bước 3. Kích thích huyệt bằng máy điện châm
Nối cặp dây của máy điện châm với kim đã châm vào huyệt theo tần số bổ- tả của máy điện châm:
- Tần số (đặt tần số cố định): Tần số tả từ 5 - 10Hz, Tần số bổ từ 1 - 3Hz.
- Cường độ: nâng dần cường độ từ 0 đến 150 microAmpe (tùy theo mức chịu đựng của người bệnh).
+ Thời gian: 20- 30 phút cho một lần điện mãng châm.
- Bước 4. Rút kim, sát khuẩn da vùng huyệt vừa châm.
3. Liệu trình điều trị
- Điện mãng châm ngày một lần
- Một liệu trình điều trị từ 15 - 30 lần.
Tai biến và xử trí
1. Theo dõi: toàn trạng bệnh nhân, diễn biến đau.
2. Xử trí tai biến
- Vựng châm: Người bệnh hoa mắt chóng mặt, vã mồ hôi, mạch nhanh, sắc mặt nhợt nhạt. Xử trí: tắt máy điện châm, rút kim ngay, lau mồ hôi, ủ ấm, uống nước chè đường nóng, cho người bệnh nằm nghỉ tại chỗ. Day bấm các huyệt: Thái dương, Nội quan. Theo dõi sát mạch, huyết áp.
- Chảy máu khi rút kim: dùng bông khô vô khuẩn ấn tại chỗ, không day.