Tra cứu  ›  QTKT khám-chữa bệnh  ›  ĐIỆN MÃNG CHÂM ĐIỀU TRI RỐI LOAN TIÊU HÓA

ĐIỆN MÃNG CHÂM ĐIỀU TRI RỐI LOAN TIÊU HÓA

Quyết định số: 792/QĐ-BYT

Ngày ban hành: 12/03/2013 12:00

Đại cương

Rối loạn tiêu hóa là một cụm từ dùng để chỉ sự thay đổi hoặc xuất hiện một số triệu chứng ở đường tiêu hóa (từ miệng đến hậu môn) ví dụ như nôn, buồn nôn; đau bụng có khi âm ỉ, có khi từng cơn, có khi đau quặn; đi lỏng, phân lúc nhão, lúc rắn; bí trung tiện, bí đại tiện... Y học cổ truyền xếp vào chứng tiết tả.

Chỉ định điều trị

Chứng rối loạn tiêu hóa không do bệnh lý.

Chống chỉ định

Rối loạn tiêu hóa do các bệnh lý khác.

Chuẩn bị

1. Người thực hiện: Bác sỹ, Y sỹ được đào tạo về chuyên ngành y học cổ truyền được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

2. Phương tiện

- Máy điện châm 2 tàn số: bổ, tả.

- Kim châm đường kính từ 0,2- 0,3 mm, dài 8 - 10cm.

- Khay, panh có mấu, bông, cồn 70°.

- Hộp thuốc chống choáng.

3. Người bệnh

- Được tư vấn, giải thích trước khi vào điều trị.

- Được khám và làm hồ sơ bệnh án theo quy định.

- Tư thế người bệnh nằm ngửa, gối cao hoặc ngồi.

Các bước tiến hành

1. PHÁC ĐỒ ĐIỀU TRỊ

A/ Chứng thực

1. Do hàn thấp gây ra

Triệu chứng: Đau đầu, đau mình, đau bụng, sôi bụng, ỉa chảy, sợ lạnh, sợ gió, tiểu tiện ít. Rêu lưỡi trắng dày, mạch nhu hoãn hoặc phù hoãn.

Pháp điều trị: Ôn trung táo thấp.

Châm tả: Thiên khu, Trung quản xuyên Hạ quản, Hợp cốc, Thượng cự hư xuyên Phong long.

Châm bổ hoặc cứu: Túc tam lý, Quan nguyên xuyên Khí hải, Tam âm giao

2. Do thấp nhiệt

Triệu chứng: đau bụng, nôn mửa, ỉa chảy nhiều lần, phân vàng có hạt, mùi hôi khẳn, có thể có bọt, nóng rát vùng hậu môn, mạch sác.

Pháp điều trị: Thanh nhiệt lợi thấp.

Châm tả: Thiên khu, Trung quản xuyên Hạ quản, Hợp cốc, Nội đinh, Khúc trì xuyên Thủ tam lý

Châm bổ : Túc tam lý, Tam âm giao xuyên Âm lăng tuyền.

3. Do thực tích

Gặp ở trường hợp ăn nhiều thịt mỡ, bơ sữa.

Triệu chứng: Đau bụng nhiều, phân thối khẳn, chướng bụng, ợ hơi. Đại tiện xong bụng đỡ đầy, mạch huyền sác hoặc trầm huyền.

Pháp điều trị: Tiêu thực đạo trệ.

Châm tả: Đại bao xuyên Thiên khu, Trung quản xuyên Hạ quản, Thái bạch.

Châm bổ: Túc tam lý, Tam âm giao xuyên Âm lăng tuyền.

B/ Chứng hư

1. Thể Tỳ Vị hư: hay gặp rối loạn tiêu hóa do kém hấp thu, loạn khuẩn, viêm đại tràng mãn.

Triệu chứng: phân nát, sống phân, người mệt, ăn ít, sắc mặt vàng nhợt, có thể có phù dinh dưỡng, chất lưỡi nhạt, mạch nhu hoãn.

Pháp điều trị: Kiện Tỳ, bổ Vị

Ôn châm hoặc cứu huyệt: Đại hoành xuyên Thiên khu, Tỳ du xuyên Vị du, Túc tam lý.

2. Thể Tỳ Thận dương hư: hay gặp người già ỉa chảy mạn tính, người dương hư

Triệu chứng: Hay đi ỉa sáng sớm (ngũ canh tả), sôi bụng, đầy bụng sống phân, tay chân lạnh, ăn kém, chậm tiêu, mạch trầm tế nhược.

Pháp điều trị: Kiện Tỳ bổ Thận hoặc ôn bổ Tỳ Thận

Ôn châm hoặc cứu huyệt: Quan nguyên xuyên Khí hải, Qui lai xuyên Thiên khu, Túc tam lý,Tỳ du xuyên Thận du, Mệnh môn.

3. Thể Can Tỳ bất hòa: hay gặp ở người ỉa chảy do tinh thần

Triệu chứng: Khi giận dữ, suy nghĩ, bị kích động sẽ ỉa chảy hoặc ỉa chảy nhiều hơn, đầy bụng, đau bụng, sôi bụng, ngực sườn đầy tức, ợ hơi, ăn kém, mạch huyền.

Pháp điều trị: Điều hòa Can Tỳ

Châm tả: Hành gian xuyên Thái xung, Chương môn xuyên Kỳ môn 

Châm bổ: Túc tam lý. Can du xuyên Tỳ du.

2. Thủ thuật :

- Bước 1: Xác định và sát khuẩn da vùng huyệt

- Bước 2: Châm kim vào huyệt theo các thì sau:

Thì 1:    Tay trái dùng ngón tay cái và ngón trỏ ấn, căng da vùng huyệt;

            Tay phải châm kim nhanh qua da vùng huyệt.

Thì 2: Đẩy kim từ từ theo huyệt đạo, kích thích kim cho đến khi đạt “Đắc khí” (bệnh nhân có cảm giác căng, tức, nặng vừa phải, không đau ở vùng huyệt vừa châm kim, thầy thuốc cảm giác kim mút chặt tại vị trí huyệt).

- Bước 3. Kích thích huyệt bằng máy điện châm

Nối cặp dây của máy điện châm với kim đã châm vào huyệt theo tần số bổ- tả của máy điện châm:

- Tần số (đặt tần số cố định): Tần số tả từ 5 - 10Hz, Tần số bổ từ 1 - 3 Hz.

- Cường độ: nâng dần cường độ từ 0 đến 150 microAmpe (tùy theo mức chịu đựng của người bệnh).

+ Thời gian: 20- 30 phút cho một lần điện mãng châm.

- Bước 4. Rút kim, sát khuẩn da vùng huyệt vừa châm.

3. Liệu trình điều trị

- Điện mãng châm ngày một lần

- Một liệu trình điều trị từ 15 - 30 lần.

Tai biến và xử trí

1. Theo dõi

Theo dõi tại chỗ và toàn thân 

2. Xử trí tai biến

- Vựng châm: Người bệnh hoa mắt, chóng mặt, vã mồ hôi, mạch nhanh, sắc mặt nhợt nhạt. Xử trí: rút kim ngay, lau mồ hôi, ủ ấm, uống nước chè đường nóng, nằm nghỉ tại chỗ. Theo dõi mạch, huyết áp.

- Chảy máu khi rút kim: dùng bông vô khuẩn ấn tại chỗ, không day