Tra cứu  ›  QTKT khám-chữa bệnh  ›  Sinh thiết da bằng kim chuyên dụng (ảnh)

Sinh thiết da bằng kim chuyên dụng (ảnh)

Quyết định số: 654/QĐ-BYT

Ngày ban hành: 24/02/2014 12:00

Đại cương

Tổn thương da là triệu chứng thường gặp trong bệnh lý cơ xương khớp. Tổn thương da có thể xuất hiện đơn độc ở giai đoạn sớm, hoặc phối hợp với các triệu chứng khác ở cơ xương khớp. Tổn thương da có thể gặp trong các bệnh cơ xương khớp như: Bệnh hệ thống (lupus ban đỏ hệ thống, viêm da cơ, bệnh still người lớn, viêm mạch nhỏ, viêm khớp vẩy nến), bệnh lý nhiễm trùng ngoài da, bệnh lý da (ung thư da – thường gặp tại chuyên khoa Da liễu).

Sinh thiết da là phương pháp hữu hiệu để lấy bệnh phẩm làm xét nghiệm giải phẫu bệnh, vi sinh và nhuộm hóa mô miễn dịch nếu cần.

Các phương pháp sinh thiết da gồm: Sinh thiết cạo gọt (Shave biopsy) lấy những tổn thương da trên bề mặt lớp thượng bì và trung bì; sinh thiết dùi lỗ (Punch biopsy) để lấy bệnh phẩm bao gồm toàn bộ cả ba lớp thượng bì, trung bì và hạ bì đến lớp mỡ dưới da; sinh thiết rạch cắt (Incisional biopsy) để lấy tổn thương rộng và sâu tại những vị trí tổn thương da phức tạp.

Sinh thiết dùi lỗ (Punch biopsy): là phương pháp sinh thiết da đơn giản, dễ áp dụng cho các bác sĩ thực hành lâm sàng với dụng cụ sinh thiết chuyên dụng đơn giản có kích thước khác nhau, có thể sinh thiết vị trí tổn thương một cách sắc gọn, ít chảy máu, thời gian tiến hành sinh thiết nhanh.

Vì vậy chúng tôi tiến hành xây dựng quy trình sinh thiết da dùi lỗ (Punch biopsy) với mục tiêu đưa một kỹ thuật mới để góp phần chẩn đoán xác định bệnh cũng như mức độ thương tổn một số bệnh lý cơ xương khớp có tổn thương da.

Chỉ định điều trị

- Tổn thương da trong bệnh lý hệ thống

 

- Bệnh lý da (nghi ngờ ung thư da)

- Tổn thương da nghi do nhiễm trùng (giải phẫu bệnh và nuôi cấy vi sinh)

Chống chỉ định

- Bệnh lý rối loạn đông máu

Chuẩn bị

1. Ngƣời thực hiện (chuyên khoa)

- 01 Bác sỹ: là bác sỹ chuyên khoa cơ xương khớp hoặc chuyên khoa da liễu được đào tạo

- 01 Điều dưỡng

2. Phƣơng tiện

Bộ dụng cụ sinh thiết bao gồm:

- Kim sinh thiết chuyên dụng (Punch biopsy)

- Kìm có mấu

- Kéo nhỏ

- Kim và chỉ khâu kích thước từ: 3.0; 4.0; 5.0

- Gạc thấm N2

- Khăn vô khuẩn có lỗ

- Băng dính

- Xylanh 5ml

- Lidocain 2% (gây tê)

 

 

Hình minh họa: Kim sinh thiết punch biopsy

3. Người bệnh

- Người bệnh cần được giải thích về mục đích, tính an toàn của thủ thuật; ký giấy cam đoan làm thủ thuật

- Được làm các xét nghiệm: Đông máu cơ bản, HIV, HBsAg

4. Hồ sơ bệnh án

- Theo mẫu quy định

Các bước tiến hành

Thực hiện tại phòng thủ thuật vô trùng

1. Kiểm tra phiếu chỉ định và hồ sơ bệnh án

2. Giải thích về thủ thuật và cho người bệnh ký giấy cam đoan làm thủ thuật

3. Xác định và đối chiếu với phiếu chỉ định vị trí da tổn thương cần tiến hành sinh thiết

4. Sát trùng vị trí cần sinh thiết

5. Gây tê tại chỗ xung quanh và dưới da vị trí định sinh thiết

6. Tiến hành sinh thiết da bằng kim chuyên dụng punch biopsy với kỹ thuật như sau (hình minh họa):

 

- Véo da vùng định sinh thiết lên cao bằng hai ngón tay

- Đặt kim sinh thiết vuông góc với mặt da

- Ấn kim sinh thiết từ từ và đủ mạnh để lưỡi dao của kim cắt gọn xuống đến lớp mỡ dưới da.

- Xoay kim theo chiều kim đồng hồ 2 vòng để cắt tổ chức

- Rút kim ra từ từ và hạ kim xuống sát mặt da để cắt rời đoạn da đã sinh thiết

- Nếu đoạn da đã sinh thiết chưa đứt chân, cần lấy kìm có mấu và kéo nhỏ cắt chân đoạn da đã sinh thiết

- Khâu da vị trí đã sinh thiết khi kích thước kim sinh thiết trên 3 mm

- Sát trùng và băng vết thương

7. Xử trí bệnh phẩm

- Bệnh phẩm sẽ được bảo quản trong ống nghiệm chứa phoóc môn nếu dự định làm giải phẫu bệnh

- Bệnh phẩm sẽ được bảo quản trong ống nghiệm vô trùng nếu dự định làm xét nghiệm vi sinh (soi tươi vi khuẩn, nấm; nuôi cấy, PCR)

- Bệnh phẩm được đưa lên phòng xét nghiệm trong vòng 2 giờ

8. Chăm sóc người bệnh

- Băng vị trí sinh thiết

- Dặn người bệnh không cho nước tiếp xúc với vị trí sinh thiết và hạn chế vận động vị trí sinh thiết trong vòng 24 giờ

- Thay băng và rửa vết thương hàng ngày

- Cắt chỉ sau 7 – 10 ngày

Tai biến và xử trí

- Chảy máu sau sinh thiết: rất ít xảy ra vì kích thước sinh thiết nhỏ, khâu da và tổ chức dưới da sẽ cầm được máu

- Nhiễm khuẩn tại chỗ: biểu hiện là sưng nóng đỏ đau tại chỗ, điều trị bằng kháng sinh và thay băng sát khuẩn hàng ngày.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Y tế, Quy trình kỹ thuật bệnh viện

2. Sellheyer K, Bergfeld WF; Differences in biopsy techniques of actinic keratoses by plastic surgeons and dermatologists: a histologically controlled pilot study. Arch Dermatol. 2006 Apr;142(4):455-9.

3. Jones TP, Boiko PE, Piepkorn MW; Skin biopsy indications in primary care practice: a population-based study. J Am Board Fam Pract. 1996 Nov- Dec;9(6):397-404.

4. Fischbach FT, Dunning MB III, eds. (2009). Manual of Laboratory and Diagnostic Tests, 8th ed. Philadelphia: Lippincott Williams and Wilkins.