Tra cứu  ›  QTKT khám-chữa bệnh  ›  SIÊU ÂM CAN THIỆP - CHỌC HÚT TẾ BÀO KHỐI U GAN, TỤY, KHỐI U Ổ BỤNG BẰNG KIM NHỎ

SIÊU ÂM CAN THIỆP - CHỌC HÚT TẾ BÀO KHỐI U GAN, TỤY, KHỐI U Ổ BỤNG BẰNG KIM NHỎ

Quyết định số: 3805/QĐ-BYT

Ngày ban hành: 25/09/2014 12:00

Đại cương

Là quy trình dùng kim có kích thước 21G hoặc nhỏ hơn để chọc vào tổn thương là các khối u tụy, gan, ổ bụng dưới hướng dẫn của siêu âm, mục đích là lấy tế bào từ những tổn thương này phết lên lam kính, nhuộm và đọc tế bào.

Chỉ định điều trị

U gan, tụy, lách, thận, hạch và các khối u khác trong ổ bụng

Chống chỉ định

- Rối loạn đông máu: Prothrombine < 50%

- Tiểu cầu < 50 G/l

- Dị ứng với thuốc gây tê: Xylocain

- Đường vào không an toàn trên siêu âm

- Người bệnh không đồng ý can thiệp.

Chuẩn bị

1. Người thực hiện

- 02 bác sỹ: 01 làm siêu âm, 01 chọc hút.

- 01 hoặc 02điều dưỡng hoặc kỹ thuật viên.

2. Phương tiện

- Máy siêu âm: 01 chiếc

- Cáng nằm: 01 chiếc

- Kim chọc hút loại nhỏ 21G hoặc 23G: 01 cái

- Bơm tiêm 5ml: 1 cái, bơm tiêm 10 ml: 01 cái

- Xylocain 2% 2ml: 01 ống

- Bông cồn: Vừa đủ

- Gạc vô trùng miếng nhỏ:10 cái

- Xăng có lỗ: 01 cái

- Lam kính: 4 - 6 cái

- Cồn tuyệt đối: 10 ml

- Cồn sát trùng 700: 01 lọ to dùng sát trùng tay.

- Băng dính y tế: 01 cuộn

- Găng tay vô trùng 3 đôi

3. Người bệnh

- Cần được giải thích rõ mục đích của thủ thuật, các tai biến có thể xẩy ra. Phải ký vào giấy cam đoan làm thủ thuật.

- Có người nhà đi cùng.

4. Hồ sơ bệnh án

Có hồ sơ bệnh án đầy đủ, kèm theo phim chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ nếu có.

Các bước tiến hành

1. Kiểm tra hồ sơ

- Kiểm tra phiếu chỉ định, phiếu cam đoan của người bệnh, phiếu làm tế bào học

- Kiểm tra các xét nghiệm: Công thức máu, đông máu cơ bản, xét nghiệm HIV.

- Kiểm tra xem người bệnh có dị ứng thuốc gì không

- Các thăm dò cận lâm sàng: Kết quả siêu âm, CT scanner, MRI.

2. Kiểm tra người bệnh

Kiểm tra mạch, huyết áp, nhịp thở

3. Thực hiện kỹ thuật

- Người bệnh được nằm trên cáng theo qui trính siêu âm bụng.

- Bác sỹ làm siêu âm kiểm tra vị trí khối u và xác định đường vào, cùng bác sỹ chọc hút xác định hướng đi của kim.

- Điều dưỡng hoặc kỹ thuật viên sát trùng nơi định chọc.

- Bác sỹ chọc hút đi găng vô trùng, trải xăng có lỗ.

- Gây tê nơi chọc.

- Dùng kim chọc qua da và vào thẳng vị trí khối u để hút tế bào, khi đầu kim vào tới nơi cần lấy tế bào: hút syringe chân không rồi đầy vào, rút ra 3-5 lần để cho tế bào bị hút vào trong lòng kim.

- Dặn người bệnh nhịn thở và rút nhanh kim ra khỏi cơ thể.

- Băng dính gạc chỗ chọc, rồi chuyển người bệnh về phòng theo dõi.

- Bơm tế bào hút được lên lam kính, phết thành 4 đến 6 lam kính, để khô và cố định bằng cồn tuyệt đối.

- Gửi lam kính đã cố định đến trung tâm giải phẫu bệnh để đọc tế bào.

Tai biến và xử trí

Nhìn chung đây là thủ thuật khá an toàn cho người bệnh, tuy nhiên cũng lưu ý một số tai biến có thể xẩy ra như sau:

- Chảy máu: theo dõi sát, nếu chảy ít không cần can thiêp mà người bệnh cần nằm theo dõi thêm, chảy nhiều nên can thiệp ngoại khoa, truyền máu

- Thủng tạng rỗng: phẫu thuật

- Đau chỗ chọc: có thể uống thuốc giảm đau như: Efferalgan…

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Y tế, Quy trình kỹ thuật bệnh viện.

2. Phillip M Hokgkin, A.R. Bodenham, Scott T. Reeves: “Practical Ultrasound in Anesthesia for critical care and pain management”, Informa Healthcare, New York London, 2008.

3. Daniel A. Lichtenstein: “General Ultround in the Critically Ill”, Springer - Verlag France, 2002.

4. http://www.webmd.com/hepatitis/percutaneous-liver-biopsy?page=2

5. http://www.uptodate.com/contents/percutaneous-fine-needle-aspiration-and- laparoscopic-liver-biopsy