Tra cứu  ›  QTKT khám-chữa bệnh  ›  XOA BÓP BẤM HUYỆT ĐIỀU TRỊ NẤC

XOA BÓP BẤM HUYỆT ĐIỀU TRỊ NẤC

Quyết định số: 792/QĐ-BYT

Ngày ban hành: 12/03/2013 12:00

Đại cương

Nấc là hiện tượng cơ hoành bị co thắt đột ngột gây ra. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây nên. Mục đích của xoa bóp bấm huyệt là điều trị triệu chứng nấc. Những trường hợp nấc kéo dài cần tìm nguyên nhân để điều trị.

Theo y học cổ truyền, nấc còn gọi là chứng “ách nghịch”. Nguyên nhân gây bệnh có thể hàn tà phạm vị, do chất độc( thường gặp trong gây mê phẫu thuật), do can khí phạm vị làm vị khí không thông gây nấc.

Chỉ định điều trị

-Các trường hợp nấc cơ năng.

Chống chỉ định

- Người bệnh đang mắc bệnh ưa chảy máu.

- Người bệnh đang mắc bệnh truyền nhiễm cấp tính.

- Người bệnh suy kiệt.

Chuẩn bị

1. Người thực hiện

- Bác sỹ, Y sỹ được đào tạo về chuyên ngành y học cổ truyền được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh..

2. Phương tiện

- Phòng xoa bóp bấm huyệt, giường xoa bóp bấm huyệt

- Gối, ga trải giường

- Bột talc

- Cồn sát trùng

3. Người bệnh

- Được hướng dẫn qui trình, vị trí bấm huyệt và đồng ý bấm huyệt.

- Tư thế nằm ngửa hoặc nằm sấp.

- Được khám và làm hồ sơ bệnh án theo qui định.

Các bước tiến hành

1. Thực hiện kỹ thuật

* Người bệnh nằm ngửa

- Xoa, miết vùng cổ, ngực.

- Xoa vùng bụng theo cùng chiều kim đồng hồ.

- Ấn các huyệt

+ Thiên đột                      +  Khí xá                          + Cự khuyết

* Người bệnh nằm sấp

- Xoa, day vùng lưng.

- Ấn huyệt Cách du

2. Liệu trình điều trị

- Xoa bóp 30 phút/lần/ngày,

- Một liệu trình điều trị từ 10- 15 ngày, tùy theo mức độ và diễn biến của bệnh, có thể tiến hành 2-3 liệu trình liên tục.

Tai biến và xử trí

1. Theo dõi

Toàn trạng, các triệu chứng kèm theo nếu có.

2. Xử trí tai biến

- Choáng

Triệu chứng Người bệnh hoa mắt, chóng mặt, vã mồ hôi, mạch nhanh, sắc mặt nhợt nhạt.

Xử trí dừng xoa bóp bấm huyệt, lau mồ hôi, ủ ấm, uống nước chè đường nóng, nằm nghỉ tại chỗ. Theo dõi mạch, huyết áp.