Tra cứu  ›  QTKT khám-chữa bệnh  ›  XOA BÓP BẤM HUYỆT ĐIỀU TRỊ CHỨNG TÍC CƠ MẶT

XOA BÓP BẤM HUYỆT ĐIỀU TRỊ CHỨNG TÍC CƠ MẶT

Quyết định số: 792/QĐ-BYT

Ngày ban hành: 12/03/2013 12:00

Đại cương

- Chứng tic là hiện tượng giật vùng thái dương hoặc nửa mặt từng cơn hoặc liên tục thường kèm theo đau hoặc không đau, mỗi cơn từ vài giây đến vài phút ngày vài cơn có thể nhiều cơn. Nguyên nhân là đau dây thần kinh số V (đau dây thần kinh tam thoa). Đông y gọi là “thống phong” do phong tà xâm phạm ba kinh dương hoặc do huyết ứ đè ép kinh dương ở mặt làm khí huyết bế tắc hoặc có thể do can, vị thực nhiệt hay âm hư hoả vượng, hư hoả xông lên đầu mặt. Những cơn giật và xuất hiện đột ngột dữ dội ở vùng da một bên mặt, xuất  hiện tự nhiên hay do đụng chạm vào “điểm bùng nổ”. Trong cơn bệnh nhân có thể có co giật cơ mặt, vã mồ hôi, chảy nước mắt, nước mũi. Phần lớn bệnh nhân trên 50 tuổi. Khám ngoài cơn không thấy có triệu chứng khách quan thần kinh.

Chỉ định điều trị

Cơn giật nửa mặt

Chống chỉ định

Giật nửa mặt kèm theo viêm da hoặc vết thương hở vùng mặt

Chuẩn bị

1. Người thực hiện

- Bác sỹ, Y sỹ được đào tạo về chuyên ngành y học cổ truyền được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh..

2. Phương tiện

- Phòng xoa bóp bấm huyệt, giường xoa bóp bấm huyệt

- Gối, ga trải giường

- Bột talc

- Cồn sát trùng

3. Người bệnh

- Được hướng dẫn qui trình, vị trí bấm huyệt và đồng ý bấm huyệt.

- Tư thế nằm ngửa hoặc ngồi.

- Được khám và làm hồ sơ bệnh án theo qui định.

Các bước tiến hành

1. Tiến hành kỹ thuật

- Xoa, phân, miết, day, nhào, rung vùng đầu mặt cổ.

- Bấm các huyệt sau

+ Bách hội              + Phong trì              + A thị huyệt

+ Hợp cốc               + Thái dương          + Đầu duy

+ Xuất cốc              + Ế phong               + Toán trúc

+ Tình minh            + Địa thương          + Giáp xa

+ Hạ quan               + Quyền liêu

- Day các huyệt sau

+ Thái khê               + Túc tam lý            + Thái xung

+ Tam âm giao

2. Liệu trình điều trị

- Xoa bóp 30 phút/lần/ngày,

- Một liệu trình điều trị từ 10- 15 lần, tùy theo mức độ và diễn biến của bệnh, có thể tiến hành 2-3 liệu trình liên tục.

Tai biến và xử trí

1. Theo dõi

Toàn trạng, các triệu chứng kèm theo nếu có.

2. Xử trí tai biến

- Choáng

Triệu chứng Người bệnh hoa mắt, chóng mặt, vã mồ hôi, mạch nhanh, sắc mặt nhợt nhạt.

Xử trí dừng xoa bóp bấm huyệt, lau mồ hôi, ủ ấm, uống nước chè đường nóng, nằm nghỉ tại chỗ. Theo dõi mạch, huyết áp.