Tra cứu  ›  QTKT khám-chữa bệnh  ›  CẮT BỎ U MẠC NỐI LỚN

CẮT BỎ U MẠC NỐI LỚN

Quyết định số: 11/QĐ-BYT

Ngày ban hành: 04/01/2022 12:00

Đại cương

U mạc nối lớn tiên phát là một bệnh lý hiếm gặp. Về phân loại, u mạc nối lớn được chia làm 2 nhóm: u ác tính mạc nối lớn (là một dạng của ung thư phúc mạc) và các khối u lành tính mạc nối lớn. Ung thư mạc nối lớn là một bệnh lý phức tạp, cần phối hợp nhiều phương pháp điều trị và được mô tả ở các phần khác. Các khối u lành tính mạc nối lớn, về mặt mô bệnh học, có nhiều nguồn gốc khác nhau, trong đó có 2 dạng hay gặp nhất là u tăng sinh cơ trơn lành tính và u máu ngoại vi. Tuy mô bệnh học đa dạng, nhưng nhìn chung có tiên lượng tốt, điều trị chủ yếu là phẫu thuật cắt bỏ. Phần này đề cập đến phương pháp phẫu thuật lấy khối u lành tính mạc nối lớn.

Chỉ định điều trị

- Các khối u tăng sinh lành tính mạc nối lớn: u cơ trơn, u máu, u mỡ, u nang bạch huyết, u tế bào Schwann…

Chống chỉ định

- Ung thư phúc mạc vị trí mạc nối lớn.
- Di căn mạc nối lớn của ung thư các cơ quan khác.

Chuẩn bị

1. Người thực hiện
- Phẫu thuật viên chuyên khoa ngoại Tiêu hóa.
- Số lượng PTV phụ mổ: 2 người.
2. Người bệnh
- Người bệnh và gia đình được giải thích rõ trước mổ về tình trạng bệnh và tình trạng chung, về những khả năng phẫu thuật sẽ thực hiện, về những tai biến, biến chứng, di chứng có thể gặp do bệnh, do phẫu thuật, do gây mê, tê, giảm đau, do cơ địa của người bệnh.
- Nâng cao thể trạng, cân bằng những rối loạn do hậu quả của bệnh hoặc do cơ địa, bệnh mãn tính, tuổi. 
- Điều trị ổn định các bệnh nội khoa như cao huyết áp, đái đường… trước khi can thiệp phẫu thuật (trừ trường hợp mổ cấp cứu). Truyền máu nếu người bệnh có thiếu máu nhiều.
- Nhịn ăn, thụt tháo, vệ sinh vùng phẫu thuật và toàn thân.
- Chuẩn bị kháng sinh dự phòng 
3. Phương tiện
- Van kéo thành bụng 
- Bộ dụng cụ đại phẫu tiêu hoá.
- Chỉ tiêu Vicryl 3/0, 4/0; chỉ không tiêu 3/0, 4/0…  
4. Dự kiến thời gian phẫu thuật: 120 phút.

Các bước tiến hành

1. Tư thế
- Người bệnh nằm ngửa, 2 tay dạng vuông góc với người.
- Phẫu thuật viên đứng bên phải người bệnh, người phụ 1 và 2 đứng bên trái, dụng cụ viên đứng cùng bên phẫu thuật viên.
2. Vô cảm
- Gây mê nội khí quản 
- Đặt đường truyền ngoại vi và trung ương nếu tiên lượng nặng
- Đặt sonde dạ dày, đặt sonde tiểu
3. Kỹ thuật: Mô tả các bước thực hiện kỹ thuật:
- Bước 1: Mở bụng đường trắng giữa trên và dưới rốn, chiều dài đường mở phụ thuộc vào vị trí và kích thước tổn thương.
- Bước 2: Đánh giá toàn bộ ổ bụng: dịch ổ bụng, gan, dạ dày, ruột non, đại tràng. Chú ý đánh giá phúc mạc: phúc mạc vòm hoành, thành bụng, tiểu khung, các mạc treo ruột, mạc nối nhỏ tránh bỏ sót tổn thương.
- Bước 4: Đánh giá tổn thương mạc nối lớn: các đặc điểm đại thể (số lượng, vị trí, kích thước, mật độ), nguồn cấp máu.
- Bước 5: Bóc mạc nối lớn khỏi mạc treo đại tràng ngang nếu cần, tìm và kẹp mạch nuôi, cắt bỏ khối u mạc nối lớn.
- Bước 6: Khâu phục hồi mạc nối lớn, đặt phần còn lại nối lớn về đúng vị trí giải phẫu che phủ ruột.
- Bước 7: Cầm máu kỹ, lau rửa ổ bụng, dẫn lưu nếu cần, đóng bụng 2 lớp.

Tai biến và xử trí

1. Theo dõi: Các dấu hiệu sinh tồn sau mổ (mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở…), các dẫn lưu (số lượng, màu sắc, tính chất dịch dẫn lưu).
2. Các biến chứng sau mổ có thể xảy ra
2.1.Biến chứng ngoại khoa
- Chảy máu: Theo dõi mạch, huyết áp, nhiệt độ, toàn trạng và tình trạng bụng, số lượng và màu sắc dịch dẫn lưu ít nhất 1h/lần trong 24h đầu. Xử trí: truyền máu, hồi sức tích cực, mổ lại cầm máu.
- Nhiễm trùng: chủ yếu nhiễm trùng tại chỗ ở vết mổ, nhiễm trùng trong ổ bụng có thể do ổ dịch tồn dư, quá trình phẫu tích làm tổn thương ống tiêu hóa. Xử trí: kháng sinh, thay băng, thủ thuật chọc hút áp xe hoặc mổ lại nếu có viêm phúc mạc.
2.2.Các biến chứng nội khoa
- Viêm phổi
- Nhiễm trùng huyết
- Nhiễm trùng tiết niệu
- Tắc mạch phổi
- Nhồi máu cơ tim