Các bài viết liên quan
- PHẪU THUẬT NẠO RÒ HẠCH LAO VÙNG BẸN
- PHẪU THUẬT NẠO RÒ HẠCH LAO VÙNG NÁCH
- PHẪU THUẬT NẠO RÒ HẠCH LAO VÙNG CỔ
- CHỌC HÚT KIM NHỎ CHẨN ĐOÁN TẾ BÀO HẠCH NGOẠI VI
- SINH THIẾT HẠCH CỔ
- PHẪU THUẬT CHỈNH HÌNH CẮT BỎ SẸO XẤU CÁC KHỚP NGOẠI BIÊN
- PHẪU THUẬT CHỈNH HÌNH CẮT BỎ SẸO XẤU DO LAO THÀNH NGỰC
- PHẪU THUẬT CHỈNH HÌNH CẮT BỎ SẸO XẤU DO LAO HẠCH CỔ
- PHẪU THUẬT BÓC TÁCH CẮT BỎ HẠCH LAO TO VÙNG BẸN
- PHẪU THUẬT BÓC TÁCH CẮT BỎ HẠCH LAO TO VÙNG NÁCH
PHẪU THUẬT GIẢI ÉP TỦY TRONG LAO CỘT SỐNG CỔ
Quyết định số: 1918/QĐ-BYT
Ngày ban hành: 04/06/2012 12:00
Đại cương
Đây là kỹ thuật vào cột sống cổ bằng đường mổ phía trước để tìm, nạo vét lấy bỏ tổn thương lao, giải ép tủy sống và rễ thần kinh bị chèn ép.
Phẫu thuật này áp dụng cho các đối tượng người bệnh có một hoặc nhiều các yếu tố sau: thể trạng yếu, người cao tuổi, trẻ nhỏ tuổi, tổn thương lao phối hợp, nhất là lao phổi chưa điều trị ổn định, lao/HIV, phụ nữ mang thai, hoặc qua khám lâm sàng, Xquang (chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ) được đánh giá là không có mất vững cột sống, người bệnh không có điều kiện hoặc từ chối ghép xương, nẹp vít. Phẫu thuật cần phối hợp với điều trị nội khoa bằng thuốc chống lao đầy đủ.
Chỉ định điều trị
- Tổn thương lao cột sống cổ có chèn ép tủy (bởi áp xe, xương chết...) gây liệt hoàn toàn hoặc không hoàn toàn tứ chi.
- Tổn thương lao cột sống cổ không gây liệt nhưng áp xe lạnh lớn gây chèn ép thực quản và đường thở.
Chống chỉ định
Người bệnh có các rối loạn về hô hấp, tim mạch cấp, rối loạn chức năng đông máu, chảy máu, có các bệnh mạn tính kèm theo như suy tim, suy gan, suy thận.
Chuẩn bị
1. Người thực hiện
- Phẫu thuật viên nắm vững kỹ thuật mổ cột sống, xử lý tai biến trong và sau phẫu thuật.
- Gây mê viên: gây mê nội khí quản có kinh nghiệm, tránh di lệch thứ phát cột sống cổ khi đặt ống nội khí quản, theo dõi chặt chẽ, tỉ mỉ người bệnh trong và sau phẫu thuật.
2. Dụng cụ
Bộ dụng cụ phẫu thuật chung.
3. Người bệnh
- Được giải thích kỹ về cuộc phẫu thuật và tình hình bệnh tật, khả năng hồi phục tổn thương.
4. Hồ sơ bệnh án
- Đầy đủ theo qui định, thủ tục hành chính, giấy cam đoan chấp nhận phẫu thuật, thủ thuật và gây mê hồi sức.
-Nhận xét trước mổ về tình trạng người bệnh, mức độ ép tủy.
- Các xét nghiệm về máu, nước tiểu, điện tim, siêu âm trong giới hạn cho phép phẫu thuật.
- Xquang cột sống cổ thẳng, nghiêng thường quy và chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ cột sống cổ.
+ Xquang phổi thường quy.
+ Điều trị thuốc chống lao trước phẫu thuật ít nhất 2 tuần.
Các bước tiến hành
1. Tư thế
Người bệnh nằm ngửa, có một gối chèn dưới hai vai, mặt quay về phía đối diện với bên cổ định phẫu thuật để vùng mổ được bộc lộ rõ nhất (đường bộc lộ động mạch cảnh). Phẫu thuật viên nên chọn phía bên có ổ áp xe cạnh sống rõ (nếu có) để vào cột sống thuận lợi hơn.
2. Vô cảm
Gây mê nội khí quản.
3. Kỹ thuật
- Sát trùng rộng rãi vùng mổ bằng dung dịch betadine.
- Đường rạch da: có hai cách:
+ Đường rạch ngang theo nếp lằn cổ, đường này có tính thẩm mỹ, hiện được áp dụng nhiều hơn, sau khi qua da phẫu tích tiếp tục dần dần từ nông đến sâu như trong đường rạch dọc.
+ Đường rạch dọc theo bờ trước cơ ức đòn chũm, tùy vị trí tổn thương ở cao hay thấp hoặc vùng cổ giữa mà có đường rạch da ngắn hoặc dài.
- Rạch da: đi sát bờ trước cơ ức - đòn - chũm, đi qua lớp cân cổ nông, tách và kéo nhẹ cơ ức - đòn - chũm ra phía ngoài.
- Đi qua lớp cân giữa cơ ức và các cơ móng.
- Đi vào khoang giữa bên ngoài là trục mạch máu và bên trong là trục hô hấp - tiêu hóa.
- Kéo nhẹ bó cảnh ra phía ngoài cùng với cơ ức - đòn - chũm.
- Gặp tĩnh mạch giáp trạng giữa, có thể thắt và cắt bỏ tĩnh mạch này.
- Bộc lộ vào mặt trước bên cột sống, chỉ còn một lớp cơ mỏng che phủ (cơ dài cổ), cơ này thường bị đẩy phồng lên khi có ổ áp xe căng.
- Mở rộng bao áp xe bằng dao điện.
- Hút sạch mủ và tổ chức viêm lao.
- Phẫu thuật viên dùng ngón tay thăm dò nhận định tổn thương và các thành phần liên quan, đánh giá mức độ mất vững cột sống nếu có.
- Dùng thìa nạo, nạo sạch ổ tổn thương đốt sống, lấy bỏ các mảnh đĩa đệm, xương chết; thao tác vùng này cần nhẹ nhàng, tinh tế, tránh đụng dập nhiều, tiết kiệm xương; không kỳ vọng lấy hết được mô viêm xung quanh, bỏi ngay sau phẫu thuật cần điều trị bằng thuốc chồng lao tích cực đúng quy định.
- Lấy tổ chức tổn thương làm xét nghiệm mô bệnh, lấy mủ nuôi cấy tìm vi khuẩn và làm kháng sinh đồ.
- Thăm dò mặt trước, mặt bên tủy sống, kiểm tra tình trạng tủy.
- Sau khi lấy hết tổ chức viêm, xương chết, cần lau rửa ổ lao bằng nước ôxy già 10 thể tích nhiều lần, cầm máu kỹ.
- Đặt hai ống dẫn lưu 7-10 ngày để bơm rửa.
- Đóng lại các lớp cân, dưới da, da.
- Bất động 6-8 tuần với bộ nẹp nhựa cố định ngoài cổ (collier).
Tai biến và xử trí
1. Theo dõi
- Mạch, huyết áp, nhiệt độ, nhịp thở.
- Chảy máu vùng mổ.
- Bội nhiễm viêm phổi, đặc biệt lưu ý ở người cao tuổi.
- Viêm đường tiết niệu do đặt ống dẫn lưu nước tiểu.
- Loét vùng cùng cụt do tì đè (do bệnh nhân liệt, nằm lâu).
- Thể trạng suy kiệt do bệnh lý kéo dài.
2. Xử lý
- Tụ máu vết mổ: cắt chỉ vết mổ, lấy máu tụ, cầm máu.
- Giảm đau: Perfangan, Ketogesic, ...
- Kháng sinh phù hợp, hút đờm rãi, có thể phải mở khí quản khi cần để làm thông thoáng đường hô hấp.
- Nếu viêm đường tiết niệu (mủ ở đầu ống dẫn lưu nước tiểu): kháng sinh, bơm rửa bàng quang, thay ống dẫn lưu nước tiểu.
- Tăng cường dinh dưỡng và sức đề kháng.
- Xoa bóp cơ thể ở các điểm tì đè, vận động thụ động tứ chi.
- Lưu ý:
+ Người bệnh sau phẫu thuật cần được bất động tương đối tại giường 6-8 tuần hoặc mang bộ nẹp ngoài cổ bằng nhựa (collier) và cho tập ngồi dậy sớm sau phẫu thuật 2 đến 3 tuần.
+ Dùng thuốc chống lao đầy đủ theo phác đồ quy định ngay sau khi phẫu thuật.