Tra cứu  ›  QTKT khám-chữa bệnh  ›  PHẪU THUẬT THAY KHỚP GỐI DO LAO

PHẪU THUẬT THAY KHỚP GỐI DO LAO

Quyết định số: 1918/QĐ-BYT

Ngày ban hành: 04/06/2012 12:00

Đại cương

Việc thay khớp gối do lao, theo nhiều tác giả là một phẫu thuật khó, ít đạt được kết quả mong muốn, sau một liệu trình điều trị nhiều tháng, đặc biệt là ở những bệnh nhân đến muộn, khớp thường biến dạng, phần mềm quanh khớp xơ dính phẫu thuật chỉ có thể thực hiện khi khớp gối còn cử động được và phần mềm quanh khớp được đánh giá là còn khả năng đáp ứng với phẫu thuật. Chỉ định cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Hiện nay rất ít làm phẫu thuật này.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp lao khớp gối mà người bệnh đau rất nhiều, ảnh hưởng nặng nề đến sinh hoạt, sau khi cân nhắc, đánh giá tình trạng tổn thương xương khớp, phần mềm quanh khớp và sau khi đã điều trị lao đầy đủ, có thể tiến hành thay khớp gối cho người bệnh.
 

Chỉ định điều trị

Tổn thương lao khớp gối, đã điều trị ổn định, người bệnh đau nhiều.
 

Chống chỉ định

Người bệnh có các rối loạn về hô hấp, tim mạch cấp, rối loạn chức năng đông/chảy máu; người bệnh có các bệnh mạn tính kèm theo như suy thận, suy gan.
Khớp gối dự định thay bị xơ dính cứng hoặc sẹo nhăn nhúm.

Chuẩn bị

1. Người thực hiện
- Phẫu thuật viên nắm vững kỹ thuật mổ xương khớp, chỉnh hình, xử lý tai biến trong và sau phẫu thuật.
- Gây mê viên: gây mê có kinh nghiệm, theo dõi chặt chẽ, tỉ mỉ người bệnh trong và sau phẫu thuật.
2. Dụng cụ
Bộ dụng cụ phẫu thuật kết hợp xương, khớp gối nhân tạo, xi măng xương
3. Người bệnh
- Được giải thích kỹ về cuộc phẫu thuật và tình hình bệnh tật, khả năng hồi phục tổn thương.
4. Hồ sơ bệnh án
- Đầy đủ theo qui định: thủ tục hành chính, cam đoan chấp nhận phẫu thuật, thủ thuật và gây mê hồi sức.
- Ghi nhận xét trước phẫu thuật về tình trạng người bệnh, mức độ tổn thương, khả năng hồi phục chức năng khớp sau phẫu thuật.
- Các xét nghiệm về máu, nước tiểu, điện tim, siêu âm, trong giới hạn cho phép phẫu thuật.
- Xquang khớp gối thẳng nghiêng thường quy và chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ khớp gối.
- Xquang phổi thường quy.
- Đã điều trị thuốc lao đầy đủ.

Các bước tiến hành

1. Tư thế
Người bệnh nằm ngửa.
2. Vô cảm
- Gây tê tủy sống hoặc gây tê ngoài màng cứng.
- Gây mê nội khí quản kèm giãn cơ khi cần.
3. Kỹ thuật
- Sát trùng rộng rãi vùng phẫu thuật bằng dung dịch betadine.
- Ga - rô hơi với áp lực 400mmHg, đặt ở trên càng cao càng tốt.
- Bọc phủ vải riêng chân mổ.
- Đường rạch: rạch da thẳng, chính giữa trước khớp gối, dài 15-20cm, trên cách bờ trên xương bánh chè 8-10cm, dưới cách chỗ bám gân cơ tứ đầu 2-3cm.
- Vào khớp theo đường rạch phía trong xương bánh chè, cắt một phần cơ rộng trong, lật xương bánh chè ra phía ngoài, giữ nguyên gân cơ tứ đầu.
- Bộc lộ toàn bộ khối lồi cầu và mâm chày.
- Dùng dụng cụ định vị, theo các kích cỡ khác nhau, tiến hành cắt khối lồi cầu, cắt theo các bình diện khác nhau.
- Tương tự, dùng dụng cụ định vị, tiến hành cắt đầu trên xương chày.
- Đặt dụng cụ thử xem đã thích hợp chưa.
- Cố định dụng cụ bằng xi măng xương.
- Có thể cắt bỏ nửa sau có sụn của xương bánh chè, hoặc có thể thay xương bánh chè nếu thấy cần.
- Kiểm tra an toàn vùng phẫu thuật.
- Đặt một dẫn lưu.
- Tháo ga - rô, khâu phục hồi vùng mổ, khâu phục hồi diện cắt cơ rộng trong.
- Để chân mổ cao hơn mức ngực khi nằm khoảng 6 giờ.
- Cho người bệnh tập phục hồi chức năng sớm.

Tai biến và xử trí

1. Theo dõi (lưu ý đặc biệt với người cao tuổi).
- Mạch, huyết áp, nhiệt độ, nhịp thở.
- Tình trạng mạch ống gót.
- Chảy máu vùng mổ.
2. Xử lý
- Nếu có chảy máu: băng ép vùng mổ, để chân cao theo dõi.
- Thuốc giảm đau tích cực.
- Kháng sinh chống bội nhiễm.
- Xoa bóp, vận động thụ động.