Tra cứu  ›  QTKT khám-chữa bệnh  ›  PHẪU THUẬT NẠO VIÊM LAO XƯƠNG CẲNG TAY

PHẪU THUẬT NẠO VIÊM LAO XƯƠNG CẲNG TAY

Quyết định số: 1918/QĐ-BYT

Ngày ban hành: 04/06/2012 12:00

Đại cương

Lao thân xương cẳng tay ít gặp, khi bị tổn thương lao xương cẳng tay, đặc biệt là đầu dưới xương quay, đầu trên xương trụ thường hay có rò mủ, thậm chí lộ thân xương, điều trị vết thương rất lâu liền, để lại sẹo xấu.

Chỉ định điều trị

Tổn thương lao xương cẳng tay có áp xe, xương chết, cần được nạo viêm, dẫn lưu, phối hợp với điều trị nội khoa, sớm loại bỏ ổ tổn thương lao, giải quyết triệu chứng đau cho người bệnh.

Chống chỉ định

Người bệnh có các rối loạn về hô hấp, tim mạch cấp, rối loạn chức năng đông/chảy máu.

Chuẩn bị

1. Người thực hiện

- Phẫu thuật viên nắm vững kỹ thuật mổ xương khớp, chỉnh hình, xử lý tai biến trong và sau phẫu thuật.

- Gây mê viên: gây mê có kinh nghiệm, theo dõi chặt chẽ, tỉ mỉ người bệnh trong và sau phẫu thuật.

2. Dụng cụ

Bộ dụng cụ phẫu thuật chung.

3. Người bệnh

Được giải thích kỹ về cuộc phẫu thuật và tình hình bệnh tật, khả năng hồi phục tổn thương.

4. Hồ sơ bệnh án

- Đầy đủ theo qui định: thủ tục hành chính, cam đoan phẫu thuật, thủ thuật và gây mê hồi sức.

- Ghi nhận xét trước phẫu thuật về tình trạng người bệnh, mức độ tổn thương.

- Các xét nghiệm (về máu, nước tiểu, điện tim, …) trong giới hạn cho phép phẫu thuật.

- Xquang xương cẳng tay thẳng nghiêng thường quy và chụp cắt lớp vi tính xương cẳng tay.

- Xquang phổi thường quy.

- Điều trị bằng thuốc chống lao trước phẫu thuật ít nhất 2 tuần.

Các bước tiến hành

1. Tư thế

Người bệnh nằm ở tư thế thuận lợi bộc lộ được vùng tổn thương một cách rõ ràng nhất.

2. Vô cảm

Gây tê đám rối thần kinh cánh tay.

3. Kỹ thuật

Có nhiều đường mổ để vào hai xương cẳng tay là xương quay và xương trụ:

3.1. Vào xương quay theo đường sau ngoài

Bệnh nhân nằm ngửa, cánh tay giang ngang, kê trên một bàn nhỏ hay cánh tay để dọc thân mình. Sau khi đặt ga - rô thì phủ vải mổ riêng cánh tay. Đường rạch từ mỏm trên lồi cầu xương cánh tay, hơi lượn cong ra trước, kéo dọc xuống theo hướng mỏm châm quay. Sau đó vào sâu giữa các khối cơ duỗi ở ngoài (cơ ngửa dài, cơ duỗi dài cổ tay quay và cơ duỗi ngắn cổ tay) và cơ duỗi chung các ngón ở trong. Tách cân vào sâu từ dưới lên. Phía dưới sẽ thấy rõ bụng cơ của cơ dạng dài ngón cái và cơ duỗi ngắn ngón cái. Đường rạch tách lên trên sẽ thấy một phần cơ duỗi cẳng tay. Sau khi banh kéo rộng các nhóm cơ, ở phía trên trong sẽ thấy cơ ngửa ngắn, bờ dưới cơ này là nhánh sâu của thần kinh quay; bóc tách cơ ngửa dưới màng xương và kéo nó ra ngoài cùng với thần kinh quay. Bộc lộ được phần lớn xương quay, nếu muốn bộc lộ xuống thấp hơn thì kéo cơ dạng dài ngón cái và cơ duỗi ngắn ngón cái lên trên.

3.2. Vào xương trụ theo đường phía sau

Bệnh nhân nằm ngửa, đặt ga rô và phủ vải mổ riêng cánh tay. Để cánh tay trên bàn nhỏ, khuỷu để gấp và cẳng tay sấp. Sờ bờ sau xương trụ ở ngay dưới da, đường rạch dọc phía sau, song song và cách bờ xương trụ 1cm. Rạch da và cân sẽ đến xương trụ, nằm giữa cơ duỗi cổ tay trụ và cơ gấp cổ tay trụ. Ở phía dưới đường rạch chú ý có nhánh sau của thần kinh trụ.

Trên đây mô tả hai đường vào cơ bản để bộc lộ hai xương cẳng tay; khi bộc lộ được rồi thì việc nạo viêm xương làm như thông lệ; thực tế các ổ viêm xương do lao thường kèm theo các ổ áp xe tự bóc tách các phần mềm đến tận dưới da, hoặc rò mủ ra ngoài, phẫu thuật trở nên đơn giản hơn; chỉ cần rạch da trực tiếp vào vùng tổn thương hoặc qua miệng vết rò.

- Lần lượt tách cân cơ, tách tổ chức đường rò và bộc lộ vùng xương cẳng tay bị tổn thương.

- Nạo sạch tổ chức viêm lao bằng thìa nạo.

- Lấy tổ chức tổn thương làm xét nghiệm mô bệnh, nuôi cấy tìm vi khuẩn và làm kháng sinh đồ.

- Rửa sạch bằng nước ôxy già và betadine.

- Cầm máu kỹ vùng mổ.

- Kiểm tra an toàn vùng phẫu thuật.

- Có thể đặt hai ống dẫn lưu vào lòng ổ viêm để dẫn lưu, bơm rửa, hoặc có thể chỉ đặt một bấc gạc tùy tình hình thực tế vùng mổ.

- Tháo ga - rô.

- Đóng vết mổ theo các lớp giải phẫu.

Tai biến và xử trí

1. Theo dõi

Mạch, huyết áp, nhiệt độ, nhịp thở.

2. Xử lý

- Thuốc giảm đau.

- Kháng sinh chống bội nhiễm 3-5 ngày.

- Thường không có diễn biến gì đặc biệt phải xử lý.

- Lưu ý: dùng thuốc chống lao đầy đủ theo phác đồ quy định ngay sau khi phẫu thuật.