Các bài viết liên quan
- NỘI SOI BƠM RỬA BÀNG QUANG LẤY MÁU CỤC
- KỸ THUẬT TẠO ĐƯỜNG HẦM TRÊN CẦU NỐI (AVF) ĐỂ SỬ DỤNG KIM ĐẦU TÙ TRONG LỌC MÁU (Kỹ thuật Button hole)
- PHỐI HỢP THẬN NHÂN TẠO (HD) VÀ HẤ P PHỤ MÁU (HP) BẰNG QUẢ HẤP PHỤ MÁU HA 130
- ĐẶT CATHETER MỘT NÒNG HOẶC HAI NÒNG TĨNH MẠCH ĐÙI ĐỂ LỌC MÁU
- RÚT SONDE MODELAGE QUA ĐƯỜNG NỘI SOI BÀNG QUANG CÓ GÂY MÊ
- RÚT SONDE JJ QUA ĐƯỜNG NỘI SOI BÀNG QUANG CÓ GÂY MÊ
- NỘI SOI BÀNG QUANG CÓ GÂY MÊ
- NỘI SOI BÀNG QUANG GẮP DỊ VẬT BÀNG QUANG CÓ GÂY MÊ
- NỘI SOI BÀNG QUANG VÀ BƠM HÓA CHẤT CÓ GÂY MÊ
- NỘI SOI ĐẶT CATHETER BÀNG QUANG - NIỆU QUẢN ĐỂ CHỤP UPR CÓ GÂY MÊ
CHỌC HÚT DỊCH NANG THẬN CÓ TIÊM CỒN TUYỆT ĐỐI DƯỚI HƯỚNG DẪN CỦA SIÊU ÂM
Quyết định số: 3592/QĐ-BYT
Ngày ban hành: 11/09/2014 12:00
Đại cương
Nang thận là hiện tượng một phần cấu trúc thận thay đổi, tạo nên một khoang chứa dịch bên trong, có vỏ bao bọc bên ngoài. Nang thận có thể ở vị trí nhu mô thận, đài bể thận. Nếu các nang thận to ra sẽ có nguy cơ gây chèn ép các phần khác của thận, lâu dần sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến chức năng thận như vỡ nang, nhiễm trùng, ung thư hóa…
Chọc hút dịch nang thận có tiêm cồn tuyệt đối dưới hướng dẫn của siêu âm là một thủ thuật cần được tiến hành để làm giảm áp lực trong nang thận, hút dịch nang thận và làm xơ hóa vách nang thận nhằm giải quyết triệt để, tránh được nguy cơ tái phát nhanh của nang thận.
Chỉ định điều trị
- Kích thước nang thận ≥ 6 cm hoặc có triệu chứng đau nhiều
- Nang thận không thông với đài bể thận
Chống chỉ định
- Người bệnh có rối loạn đông máu
- Nang thận thông với đài bể thận
- Nang thận nằm ở những vị trí nguy hiểm khi tiến hành thủ thuật
Chuẩn bị
1. Người thực hiện
- Bác sỹ: 02 người
- Điều dưỡng hoặc kỹ thuật viên: 01 người
2. Phương tiện
- Dung dịch Betadine sát trùng 10%: 1lọ
- Thuốc gây tê lidocaine 2%: 4 ống (10mg/ml)
- Nước muối sinh lý 0,9%: 500ml
- Cồn tuyệt đối: 20ml
- Kim tiêm, bơm tiêm 5ml: 1 chiếc
- Bơm tiêm 20ml: 2 chiếc
- Bông băng, gạc vô trùng: 4 gói
- Găng tay vô trùng: 3 đôi
- Kim chọc dịch não tủy cỡ 18G: 1chiếc (hoặc kim luồn dài 10 cm).
- Máy siêu âm với đầu dò Convex 3,5-5 MHz đã được sát khuẩn.
- Săng vô khuẩn không có lỗ: 4 chiếc.
- Panh kẹp săng: 4 chiếc
- Bàn thủ thuật: 1 chiếc
- Túi ni lông vô khuẩn bọc đầu dò siêu âm: 1 bộ
3. Người bệnh
- Người bệnh được làm các xét nghiệm về đông máu cơ bản và các xét nghiệm cơ bản khác trước khi chọc hút nang thận.
- Người bệnh được siêu âm thận tiết niệu, chụp UIV hoặc chụp cắt lớp vi tính để loại trừ có thông từ nang thận với bể thận.
- Người bệnh được nghe bác sỹ giải thích kỹ về tác dụng và tai biến của thủ thuật và ký vào giấy cam kết làm thủ thuật chọc hút nang thận.
Các bước tiến hành
1. Kiểm tra hồ sơ: Kiểm tra các xét nghiệm đã được làm
2. Kiểm tra người bệnh: đối chiếu tên, tuổi, chẩn đoán bệnh
3. Thực hiện kỹ thuật
- Người bệnh được thử phản ứng với thuốc gây tê lidocain 2%
- Người bệnh được theo dõi mạch, huyết áp trước khi tiến hành thủ thuật
- Người bệnh được nằm sấp hoặc nghiêng tùy theo vị trí nang thận
- Định vị bằng siêu âm để tìm điểm chọc nang
- Bác sỹ rửa tay, đi găng vô trùng, mặc áo thủ thuật, đội mũ, đeo khẩu trang
- Sát trùng da vùng chọc nang
- Trải săng vô trùng loại có lỗ ở vị trí chọc nang
- Gây tê vùng chọc nang
- Đưa kim chọc dịch não tủy vào nang thận dưới sự hướng dẫn của siêu âm.
- Khi kim đã vào tới nang thì tiến hành hút dịch nang thận cho tới khi trong nang còn khoảng 10ml dịch. Đưa dịch chọc hút nang đi làm các xét nghiệm nếu cần.
- Bơm 10ml đến 15ml cồn tuyệt đối vào vị trí nang thận cũ để gây xơ hóa vách nang (số lượng cồn tuyệt đối bơm vào phụ thuộc vào kích thước nang thận). Chờ 30 phút thì hút cồn tuyệt đối ra (nếu người bệnh bị tăng huyết áp hoặc có chảy máu trong quá trình chọc hút nang thì không bơm cồn tuyệt đối).
- Rút kim chọc nang
- Ấn cầm máu điểm chọc trong vòng 5 phút
- Siêu âm kiểm tra lại
- Sát trùng lại vị trí chọc hút nang
- Băng vùng chọc nang
- Cho người bệnh về giường nằm bất động 24 giờ.
THEO DÕI
Người bệnh cần được theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp, màu sắc nước tiểu, vị trí chọc hút nang thận và toàn trạng trong 24 giờ.
Tai biến và xử trí
- Đau vị trí chọc hút: nếu đau nhiều có thể dùng thuốc giảm đau như paracetamol, nospa uống hoặc tiêm.
- Đái máu vi thể: không cần xử trí
- Đái máu đại thể
+ Đái máu ít: Truyền thêm Natriclorua 9% hoặc Glucose 5%, theo dõi chặt chẽ mạch, huyết áp, toàn trạng.
+ Nếu có đái máu nhiều gây tụt huyết áp cần truyền máu cho người bệnh. Cho thuốc cầm máu tranxeamic acid 250mg x 2-4 ống tiêm tĩnh mạch chậm.
Tài liệu tham khảo
1. Lang EK(1987). Renal cyst puncture studies. Urol Clin North Am. Feb14(1), 91-102.
2. Onder Canguven, Cemal Goktas, Faruk Yencilek (2009). A New Technique for Simple Renal Cyst: Cystoretroperitoneal Shunt. Advances in Urology,1-5.
3. Yi-Hsin Huang (2007). Which Method is Better for Simple Renal Cysts, Percutaneous Aspiration or Laparoscopic.Unroofing? Controversy in Urology. JTUA, 18(4), 203-205.