Các bài viết liên quan
- NỘI SOI BƠM RỬA BÀNG QUANG LẤY MÁU CỤC
- KỸ THUẬT TẠO ĐƯỜNG HẦM TRÊN CẦU NỐI (AVF) ĐỂ SỬ DỤNG KIM ĐẦU TÙ TRONG LỌC MÁU (Kỹ thuật Button hole)
- PHỐI HỢP THẬN NHÂN TẠO (HD) VÀ HẤ P PHỤ MÁU (HP) BẰNG QUẢ HẤP PHỤ MÁU HA 130
- ĐẶT CATHETER MỘT NÒNG HOẶC HAI NÒNG TĨNH MẠCH ĐÙI ĐỂ LỌC MÁU
- RÚT SONDE MODELAGE QUA ĐƯỜNG NỘI SOI BÀNG QUANG CÓ GÂY MÊ
- RÚT SONDE JJ QUA ĐƯỜNG NỘI SOI BÀNG QUANG CÓ GÂY MÊ
- NỘI SOI BÀNG QUANG CÓ GÂY MÊ
- NỘI SOI BÀNG QUANG GẮP DỊ VẬT BÀNG QUANG CÓ GÂY MÊ
- NỘI SOI BÀNG QUANG VÀ BƠM HÓA CHẤT CÓ GÂY MÊ
- NỘI SOI ĐẶT CATHETER BÀNG QUANG - NIỆU QUẢN ĐỂ CHỤP UPR CÓ GÂY MÊ
RỬA BÀNG QUANG
Quyết định số: 3592/QĐ-BYT
Ngày ban hành: 11/09/2014 12:00
Đại cương
Rửa bàng quang là kỹ thuật nhằm làm sạch bàng quang bằng cách đưa một lượng dịch vô trùng vào bàng quang và sau đó dẫn lưu ra qua sonde bàng quang.
Chỉ định điều trị
- Viêm mủ bàng quang
- Máu cục trong bàng quang.
- Loại bỏ cục máu đông, những mảnh niêm mạc và tế bào nội mô trong bàng quang sau can thiệp ngoại khoa vùng bàng quang, niệu đạo, tiền liệt tuyến.
Chống chỉ định
Không có chống chỉ định.
Chuẩn bị
1. Người thực hiện: điều dưỡng.
2. Phương tiện:
- Nước muối sinh lý 0,9%: 1000 ml
- Bộ dụng cụ để đặt sonde tiểu.
- Bơm vô trùng 50 ml
- Cọc treo
- Gạc sạch và gạc thấm dung dịch sát khuẩn để sát khuẩn đầu sonde
- Dung dịch sát khuẩn
- Găng vô trùng
- Kẹp Kocher
- Khay quả đậu vô trùng
- Săng vô trùng
- Băng dính
- Dụng cụ để sát khuẩn tay
- Giấy thấm bảo vệ dùng 1 lần
3. Người bệnh
- Giải thích cho người bệnh lí do rửa bàng quang, qui trình rửa diễn ra như thế nào và biến chứng có thể xảy ra.
- Đặt người bệnh nằm ngửa, có giấy thấm phía dưới người bệnh
4. Hồ sơ bệnh án: Ghi hồ sơ
Các bước tiến hành
1. Kiểm tra hồ sơ
2. Kiểm tra người bệnh
3. Thực hiện kỹ thuật:
- Điều dưỡng đeo khẩu trang, đội mũ, rửa sạch tay.
- Mở dụng cụ vô trùng
- Đặt dụng cụ lên khu vực đã được khử trùng trước đó.
- Mở các túi gạc sạch và gạc được thấm dung dịch sát khuẩn
- Chuẩn bị dung dịch trong các cốc vô trùng: nước muối sinh lý hoặc nước muối sinh lý với thuốc được chỉ định
- Đặt săng vô trùng giữa hai chân
- Rửa tay bằng cồn
- Đeo găng vô trùng
- Đặt sonde tiểu nếu người bệnh chưa có sonde bàng quang
- Nếu người bệnh đã có sonde bàng quang: Kẹp sonde phía trên vị trí đầu sonde nối với túi nước tiểu (không kẹp trực tiếp vào sonde mà quấn gạc vào sonde rồi kẹp để tránh làm hỏng sonde)
- Dùng gạc thấm dung dịch sát khuẩn để tháo sonde ra khỏi túi đựng nước tiểu và sát khuẩn đầu sonde.
- Đặt đầu sonde lên khay quả đậu vô trùng, dùng băng dính cố định đầu sonde vào khay quả đậu.
- Che đầu túi đựng nước tiểu bằng 1 miếng gạc sạch thấm dung dịch sát khuẩn
- Cắm xi lanh nước muối vào đầu sonde
- Tháo kẹp ở sonde
- Bơm từ từ 50 ml nước muối sinh lý vào bàng quang rồi hút ra hoặc kết nối đầu sonde với chai nước muối sinh lý 1000 ml (chai này được treo trên cọc truyền). Nòng còn lại của sonde bàng quang được nối với bộ dây truyền huyết thanh thứ 2 rồi thả vào túi đựng nước tiểu. Làm như vậy nhiều lần cho đến khi nước ra trong
- Kẹp sonde lại và rút xi lanh ra
- Nối lại sonde vào túi nước tiểu
- Tháo kẹp sonde, kiểm tra xem có nước tiểu chảy ra không
- Đưa người bệnh trở lại vị trí và tư thế ban đầu
- Ghi vào phiếu theo dõi: màu sắc dịch rửa bàng quang, có cục máu đông không, thể tích dịch rửa.
4. Ghi hồ sơ:
- Ngày giờ rửa bàng quang
- Dung dịch rửa, số lượng dịch
- Tính chất, màu sắc nước chảy ra
- Tình trạng của người bệnh trong và sau khi rửa
- Tên người tiến hành.
THEO DÕI
- Nhiệt độ, mạch, huyết áp người bệnh.
- Nước tiểu chảy ra qua sonde: số lượng, tính chất
Tai biến và xử trí
- Người bệnh đau khi lượng dịch rửa đưa vào quá nhiều
- Tắc sonde
- Nhiễm trùng tiết niệu
XỬ TRÍ TAI BIẾN
- Thay sonde bàng quang khi có tắc sonde.
- Giảm đau nếu cần thiết.
- Kháng sinh.
Tài liệu tham khảo
1. Castledine G (2001). Case 42: bladder washout. Staff nurse who carried out a bladder washout using Diet Coke, Br J Nurs, 10 (3), pp. 144.
2. Hess J, Tschirdewahn S, Szarvas T, et al. (2011). Urothelial carcinoma of the bladder: evaluation by combined endoscopy and urine cytology: is incontrovertible assessment possible?. Urologe A, 50 (6), pp. 702-5.
3. Steve Scholtes B (2002). Management of clot retention following urological surgery, Nursing times, Volume 48.