Tra cứu  ›  QTKT khám-chữa bệnh  ›  ĐIỀU TRỊ SÂU NGÀ RĂNG PHỤC HỒI BẰNG GLASSIONOMER CEMENT (GIC) CÓ SỬ DỤNG LASER

ĐIỀU TRỊ SÂU NGÀ RĂNG PHỤC HỒI BẰNG GLASSIONOMER CEMENT (GIC) CÓ SỬ DỤNG LASER

Quyết định số: 3207/QĐ-BYT

Ngày ban hành: 29/08/2013 12:00

Đại cương

- Là kỹ thuật phục hồi tổn thương mô cứng của răng do sâu bằng Glass Ionomer Cement (GIC).

- GIC là vật liệu có ưu điểm thao tác nhanh, đơn giản và ít gây kích thích tổ chức, CHỈ ĐỊNHrộng rãi với nhiều vị trí và tình trạng lỗ hàn.

- Kỹ thuật sử dụng Laser để sửa soạn xoang hàn là ít gây đau, không gây ồn, nhanh và giảm lo lắng cho người bệnh.

Chỉ định điều trị

- Sâu răng sữa.

- Sâu răng vĩnh viễn.

Chống chỉ định

o Người bệnh dị ứng với GIC.

o Tổn thương sâu ngà mất nhiều mô cứng khó lưu giữ khối phục hồi.

Chuẩn bị

1. Người thực hiện

- Bác sĩ Răng Hàm Mặt

- Trợ thủ.

2. Phương tiện

2.1. Dụng cụ

- Ghế máy nha khoa.

- Tay khoan và mũi khoan các loại.

- Bộ khám: khay, gắp, gương, thám trâm.

- Bộ cách ly cô lập răng.

- Bộ dụng cụ hàn GIC.

- Hệ thống Laser nha khoa.

2.2. Thuốc

- Thuốc sát khuẩn.

- Glass Ionomer Cement (GIC).

3. Người bệnh

- Người bệnh được giải thích và đồng ý điều trị điều trị.

- Được đeo kính bảo vệ mắt trong thời gian sử dụng Laser.

4. Hồ sơ bệnh án

Hồ sơ bệnh án theo quy định.

Các bước tiến hành

1. Kiểm tra hồ sơ bệnh án

2. Kiểm tra người bệnh

Đánh giá tình trạng toàn thân, tại chỗ và răng cần điều trị.

3. Thực hiện kỹ thuật

- Sửa soạn xoang hàn:

+ Dùng đầu Laser mở rộng bờ men để bộc lộ rõ xoang sâu.

+ Dùng đầu Laser để làm sạch mô ngà hoại tử.

+ Làm sạch xoang hàn bằng nước muối sinh lý.

+ Làm khô xoang hàn.

- Hàn phục hồi GIC:

+ Dùng dụng cụ đưa chất hàn GIC vào xoang hàn.

+ Dùng dụng cụ lèn nhẹ GIC kín khít xoang hàn.

- Kiểm tra khớp cắn.

- Hoàn thiện: Dùng bộ hoàn thiện để làm nhẵn và tạo hình phần phục hồi.

Tai biến và xử trí

1. Trong quá trình điều trị

Tổn thương hở tủy: Chụp tủy bằng vật liệu thích hợp.

2. Sau quá trình điều trị

Viêm tủy: điều trị tủy.