Tra cứu  ›  QTKT khám-chữa bệnh  ›  PHỤC HỒI THÂN RĂNG SỮA BẰNG CHỤP THÉP

PHỤC HỒI THÂN RĂNG SỮA BẰNG CHỤP THÉP

Quyết định số: 3207/QĐ-BYT

Ngày ban hành: 29/08/2013 12:00

Đại cương

Là kỹ thuật phục hồi thân răng hàm sữa bị tổn thương mất nhiều mô cứng, đảm bảo chức năng ăn nhai và giữ khoảng cho tới thời kỳ thay răng.

Chỉ định điều trị

- Tổn thương mất nhiều mô cứng thân răng.

- Răng có nguy cơ vỡ thân răng sau điều trị nội nha.

- Răng có nguy cơ bong khối phục hồi sau điều trị hàn phục hồi thân răng.

Chống chỉ định

Răng có chỉ định nhổ.

Chuẩn bị

1. Người thực hiện

- Bác sĩ Răng hàm mặt

- Trợ thủ

2. Phương tiện và dụng cụ

2.1. Phương tiện và dụng cụ

- Ghế máy nha khoa.

- Tay khoan và mũi khoan các loại.

- Bộ khay khám gồm: gương, gắp, thám trâm.

- Bộ dụng cụ gắn chụp.

- Chụp thép làm sẵn.

- Bông, gạc vô khuẩn….

2.2. Thuốc và vật liệu:

- Vật liệu gắn chụp.

- Thuốc tê….

3. Người bệnh

Người bệnh và/ hoặc người giám hộ Người bệnh được giải thích và đồng ý điều trị.

4. Hồ sơ bệnh án

Hồ sơ bệnh án theo quy định.

Các bước tiến hành

1. Kiểm tra hồ sơ bệnh án

2. Kiểm tra người bệnh

Đánh giá tình trạng toàn thân, tại chỗ và răng điều trị.

3. Thực hiện kỹ thuật

3.1. Kiểm tra khớp cắn.

3.2. Sửa soạn thân răng gắn chụp.

- Mài sửa soạn mặt nhai theo hình thể giải phẫu.

- Mài sửa soạn các mặt bên.

3.3. Chọn và thử chụp: có 2 cách

- Thử trực tiếp trên răng.

- Thử trên mẫu hàm thạch cao của người bệnh.

- Sửa chụp: Dùng kìm thích hợp uốn bờ và thành chụp cho phù hợp với thân răng đã sửa soạn.

- Làm nhẵn và đánh bóng.

3.4. Gắn chụp:

- Sát khuẩn bề mặt thân răng.

- Sát khuẩn chụp.

- Làm khô bề mặt thân răng và chụp.

- Gắn chụp vào thân răng đã sửa soạn bằng vật liệu gắn chụp.

3.5. Kiểm tra và điều chỉnh khớp cắn.

Tai biến và xử trí

1. Trong điều trị

Sang thương lợi: Điều trị sang thương.

2. Sau điều trị

Viêm lợi: Điều trị viêm lợi và hướng dẫn vệ sinh răng miệng.