Tra cứu  ›  QTKT khám-chữa bệnh  ›  NẮN SAI KHỚP THÁI DƯƠNG HÀM ĐẾN MUỘN CÓ GÂY MÊ

NẮN SAI KHỚP THÁI DƯƠNG HÀM ĐẾN MUỘN CÓ GÂY MÊ

Quyết định số: 3207/QĐ-BYT

Ngày ban hành: 29/08/2013 12:00

Đại cương

Là kỹ thuật điều trị nhằm tái lập lại mối quan bình thường giữa lồi cầu xương hàm dưới với hõm khớp của xương thái dương có gây mê

Chỉ định điều trị

Sai khớp thái dương hàm nắn dưới gây tê không kết quả

Chống chỉ định

Không có

Chuẩn bị

1. Người thực hiện

- Phẫu thuật viên: Bác sỹ răng hàm mặt

- Kíp phẫu thuật.

- Kíp gây mê.

2. Phương tiện

2.1.Phương tiện và dụng cụ: Bàn mổ.

2.2. Thuốc và vật liệu

- Băng chun

- Gạc vô khuẩn

- Thuốc tê….

3. Người bệnh

Người bệnh và/ hoặc người giám hộ được giải thích và đồng ý điều trị

4. Hồ sơ bệnh án

Hồ sơ bệnh án theo quy định.

Các bước tiến hành

1. Kiểm tra hồ sơ bệnh án

2. Kiểm tra người bệnh

Đánh giá tình trạng toàn thân và tại chỗ

3. Các bước kỹ thuật

3.1 Sát khuẩn

3.2 Vô cảm: Gây mê.

3.3. Chuẩn bị người bệnh: Để người bệnh nằm trên bàn mổ.

3.4. Nắn khớp thái dương hàm:

- Nắn cả hai bên một lần:

+ Bác sĩ đặt hai ngón tay cái có quấn gạc lên trên mặt nhai các răng hàm, hàm dưới, các ngón tay còn lại giữ chặt góc hàm và bờ dưới cành ngang.

+ Dùng sức ấn mạnh hai ngón tay cái lên mặt răng hạ lồi cầu xuống thấp, sau đó đẩy hàm ra sau để đưa lồi cầu về đúng vị trí trong hõm khớp thái dương.

- Nắn từng bên một:

+ Dùng cả hai ngón tay cái quấn gạc đặt lên mặt nhai răng hàm một bên. Các ngón tay còn lại giữ chặt bờ dưới cành ngang.

+ Dùng sức ấn mạnh hai ngón tay cái lên mặt răng hạ lồi cầu xuống thấp, sau đó đẩy hàm ra sau để đưa lồi cầu về đúng vị trí.

+ Khi một bên đã vào khớp cần giữ chắc và tiếp tục đẩy cằm sang bên kia và ra sau, lồi cầu sẽ trở về vị trí cũ dễ dàng.

3.4. Cố định hàm dưới:

- Dùng băng chun băng cằm – đỉnh để cố định hàm dưới.

- Cố định trong thời gian 1 tuần.

Tai biến và xử trí

Không có tai biến cả trong và sau điều trị.