Tra cứu  ›  QTKT khám-chữa bệnh  ›  CẮT ĐOẠN ĐẠI TRÀNG, ĐÓNG ĐẦU DƯỚI, ĐƯA ĐẦU TRÊN RA NGOÀI Ổ BỤNG KIỂU HARTMANN

CẮT ĐOẠN ĐẠI TRÀNG, ĐÓNG ĐẦU DƯỚI, ĐƯA ĐẦU TRÊN RA NGOÀI Ổ BỤNG KIỂU HARTMANN

Quyết định số: 11/QĐ-BYT

Ngày ban hành: 04/01/2022 12:00

Đại cương

Phẫu thuật Hartmann là một phẫu thuật tiến hành cắt bỏ một phần đại tràng sigma và/ hoặc trực tràng. Phẫu thuật này được áp dụng cho người bệnh có vấn đề ung thư đại trực tràng, viêm túi thừa (diverticulitis) đại trực tràng và trường hợp cấp cứu khi có sự tắc, thủng hoặc có nhiều ổ áp xe khu vực đại tràng.

Chỉ định điều trị

- Ung thư đại tràng (thường với những khối u ở đại tràng trái và đại tràng sigma) ở bệnh nhân có kết hợp các bệnh lý nội khoa: tăng huyết áp, tai biến mạch não, đái tháo đường…
- Ung thư đại tràng đã di căn nhiều nơi, nhưng còn khả năng cắt bỏ. Phẫu thuật giúp cải thiện chất lượng cuộc sống: tránh các biến chứng thủng u, vỡ u, tắc ruột, chảy máu và chèn ép vào các tạng lân cận.
- Tắc ruột do những khối u nằm ở phần đại tràng bên trái
- Viêm phúc mạc do u đại tràng vỡ.

Chống chỉ định

- Thể trạng người bệnh quá yếu hoặc người già có các bệnh lý nặng.
- Ung thư đã di căn xa, vào các tạng lân cận, đặc biệt là phúc mạc không có khả năng cắt bỏ.

Chuẩn bị

1. Người thực hiện
- Phẫu thuật viên chuyên khoa ngoại tiêu hóa
- Số lượng phẫu thuật viên + phụ mổ: 4
2. Người bệnh
- Người bệnh và gia đình được giải thích rõ trước mổ về tình trạng bệnh và tình trạng chung, về những khả năng phẫu thuật sẽ thực hiện, về những tai biến, biến chứng, di chứng có thể gặp do bệnh, do phẫu thuật, do gây mê, tê, giảm đau, do cơ địa của người bệnh.
- Nâng cao thể trạng, cân bằng những rối loạn do hậu quả của bệnh hoặc do cơ địa, bệnh mãn tính, tuổi.
- Điều trị ổn định các bệnh nội khoa như cao huyết áp, đái đường…trước khi can thiệp phẫu thuật. Truyền máu nếu có thiếu máu nhiều.
- Nhịn ăn, thụt tháo, vệ sinh vùng phẫu thuật và toàn thân.
- Có thể dùng kháng sinh dự phòng trước mổ.
3. Phương tiện
- Bộ dụng cụ chuyên khoa tiêu hóa (đại phẫu)
- Dao điện, dao siêu âm, dao hàn mạch
4. Dự kiến thời gian phẫu thuật: 120 – 240 phút

Các bước tiến hành

- Bước 1: Mở bụng đường trắng giữa trên và dưới rốn
- Bước 2: Đánh giá tổn thương trong mổ
• Dịch ascite, di căn mạc nối lớn, vòm hoành 2 bên, mạc treo ruột non, Douglas…
• Nhân di căn phúc mạc: vòm hoành, mạc Told, mạc treo ruột, Douglas…
• Gan: khối u gan (số lượng, vị trí, kích thước), túi mật, cuống gan.
• Buồng trứng (bệnh nhân nữ): kích thước, 1 hoặc 2 bên buồng trứng…
• Tổn thương u xâm lấn tại chỗ: tùy thuộc vào vị trí khối u: dạ dày, ruột non, lách, tụy, thận – niệu quản (thường bên trái), bàng quang, tử cung, buồng trứng 2 bên.
• Đánh giá tình trạng hạch mạc treo, hạch dọc động mạch và tĩnh mạch chủ bụng
- Bước 3: Giải phóng đại tràng ngang, đại tràng trái, đại tràng sigma
• Giải phóng mạc Told trái từ hố chậu trái đến góc lách, giải phóng toàn bộ đại tràng trái, 1 phần đại tràng ngang (nếu cần thiết). Phẫu tích đúng lớp tránh tổn thương bó mạch sinh dục và niệu quản trái.
• Giải phóng phần mạc nối lớn dính vào đại tràng trái và 1/3 trái đại tràng ngang (nếu cần thiết).
• Nâng toàn bộ phần đại tràng được di động, đánh dấu đầu trên và dưới phần đại tràng cần cắt bỏ (cố gắng trên và dưới u 10cm). 
- Bước 4: Bộc lộ và thắt bó mạch cấp máu cho đại tràng
• Thắt động mạch đại tràng trái sát nguyên ủy từ động mạch mạc treo tràng dưới với khối u đại tràng góc lách.
• Thắt động mạch mạc treo tràng dưới sát nguyên ủy từ động mạch chủ bụng với khối u đại tràng trái.
• Thắt các nhánh động mạch sigma sát chỗ tách ra từ động mạch mạc treo tràng dưới với khối u đại tràng sigma.
• Thắt tĩnh mạch mạc treo tràng dưới ở vị trí đổ vào tĩnh mạch lách (bờ dưới tụy) trong cắt đoạn đại tràng trái cao và cắt đại tràng trái.
- Bước 5: Cắt đoạn đại tràng, đóng đầu dưới, đưa đầu trên ra ngoài làm hậu môn nhân tạo
• Cắt phần mạc treo đại tràng tương ứng với phần đại tràng cần cắt bỏ đến gốc mạch.
• Cắt đoạn đại tràng tương ứng với phần mạc treo và mạch nuôi tương ứng. Đóng đầu đại tràng dưới u bằng chỉ hoặc bằng máy cắt. 
• Đưa đầu đại tràng phía trên ra hố chậu trái làm hậu môn nhân tạo kiểu tận.
- Bước 6: Lau rửa ổ bụng. Xếp lại ruột. Đặt dẫn lưu ổ bụng ở Douglas.
- Bước 7: Đóng bụng theo các lớp giải phẫu.

Tai biến và xử trí

1.  Các tai biến trong mổ
- Khi mở bụng : Tổn thương ruột non, đại tràng bàng quang. Tiến hành khâu tại chỗ.
- Khi thao tác: Rách ruột, thủng ruột non, đại tràng, bàng quang. Tiến hành khâu tổn thương ngay.
- Tổn thương tạng đặc: lách, tụy, thận. Tùy thuộc vào mức độ tổn thương mà có hướng xử trí thích hợp. Ưu tiên bảo tồn tối đa những tổn thương này, tránh nguy cơ cắt bỏ.
- Tổn thương bó mạch sinh dục: khâu cầm máu. 
- Tổn thương niệu quản: nếu tổn thương đoạn ngắn : khâu nối lại và đặt JJ niệu quản hoặc Modelage. Nếu tổn thương đoạn dài : đóng đầu dưới, đưa đầu trên ra da.
- Khi đóng bụng: chảy máu, tổn thương ruột, mạc nối: cần phát hiện và xử lý tổn thương ngay sau đó.
2.  Theo dõi
- Các dấu hiệu sinh tồn sau mổ: Mạch, huyết áp, nhịp thở, nhiệt độ
- Vết mổ
- Dẫn lưu
- Tình trạng hậu môn nhân tạo (hơi, dịch, hoại tử hậu môn nhân tạo…).
3.  Các biến chứng sau mổ có thể xảy ra
- Chảy máu: thường trong 48 giờ đầu hoặc muộn hơn. Theo dõi sát màu sắc dịch dẫn lưu, số lượng, huyết động (mạch, huyết áp, PVC, da, niêm mạc) của bệnh nhân để có thái độ xử trí: theo dõi hay phải mổ lại kiểm tra và cầm máu.
- Nhiễm trùng vết mổ: đánh giá vết mổ hàng ngày để có thái độ xử trí: cắt chỉ vết mổ, lấy dịch vết mổ cấy vi sinh, thay băng.
- Áp xe tồn dư: theo dõi tình trạng nhiễm trùng trên lâm sàng (hội chứng nhiễm trùng, liệt ruột…) và cận lâm sàng (bạch cầu tăng cao, CRP tăng cao…) để có chỉ định can thiệp kịp thời.