Tra cứu  ›  QTKT khám-chữa bệnh  ›  THÁO KHỚP CHI THỂ BỎNG KHÔNG CÒN KHẢ NĂNG BẢO TỒN ĐIỀU TRỊ BỎNG SÂU

THÁO KHỚP CHI THỂ BỎNG KHÔNG CÒN KHẢ NĂNG BẢO TỒN ĐIỀU TRỊ BỎNG SÂU

Quyết định số: 635/QĐ-BYT

Ngày ban hành: 28/02/2013 12:00

Đại cương

Bỏng sâu có tổn thương, hoại tử xương, khớp, phần mềm nặng, hoặc hoại tử toàn bộ chi thể mà không có khả năng bảo tồn chi thể ở các vị trí sát dưới các khớp thì có chỉ định tháo khớp vùng lân cận để làm lành vết thương và cứu sống nạn nhân.

Chỉ định điều trị

- Bỏng độ V (phân loại 5 độ) vùng chi thể sát dưới các khớp của chi có tổn thương toàn bộ chi thể, hoại tử gân, xương khớp, mạch máu thần kinh không có khả năng bảo tồn chi (còn da và cơ lành che phủ kín đầu khớp phí trên tổn thương dự kiến tháo khớp).

- Toàn trạng thoát sốc ổn định, cho phép phẫu thuật, các xét nghiệm trong giới hạn sinh lý.

Chống chỉ định

- Bỏng sâu còn khả năng bảo tồn chi (còn hoặc có khả năng khôi phục tuần hoàn; hay còn khắc phục được cấu trúc xương và (hoặc) huy động được phần mềm che phủ)

- Sốc bỏng nặng hoặc toàn trạng không cho phép phẫu thuật.

- Cơ sở điều trị không có đủ trang thiết bị phẫu thuật, hồi sức.

Chuẩn bị

1. Người thực hiện

Phẫu thuật viên chuyên khoa bỏng, có kinh nghiệm điều trị chấn thương, điều dưỡng phòng phẫu thuật.

2. Phương tiện

- Bộ dụng cụ phẫu thuật xương khớp thông thường, dao cắt và đốt điện.

- Bộ kẹp giữ xương, kìm gặm xương, dũa xương...

3. Người bệnh

- Tư vấn, giải thích để người bệnh, gia đình hiểu và cộng tác với chuyên môn.

- Chuẩn bị hồ sơ, bệnh án theo quy định

- Thay băng, vệ sinh vùng phẫu thuật

Các bước tiến hành

1. Chuẩn bị: tương tự cuộc phẫu thuật vô khuẩn thông thường.

2. Vô cảm: gây mê.

3. Kỹ thuật

- Chọn tư thế người bệnh phù hợp với vùng phẫu thuật.

- Sát khuẩn vùng tổn thương và da lành lân cận bằng dung dịch PVP 10% và cồn70o , trải vải vô trùng bộc lộ vùng phẫu thuật.

- Kiểm tra lần cuối đánh giá tổn thương, chỉ định tháo khớp theo vị trí cụ thể. Thiết kế vạt cắt da và cơ theo vị trí dự kiến tháo khớp.

- Ga rô chi thể trên vùng tổn thương dự kiến tháo khớp.

- Cắt da theo vạt đã thiết kế.

- Cắt cơ theo vạt đã thiết kế. Kiểm tra cắt lọc cơ tới cơ sống.

- Tháo khớp: cắt các dây chằng, bao khớp vùng quanh khớp (nếu có gân qua khớp thì kẹp và cắt gân cao, khâu vùi đầu gân, bảo tồn bao khớp lành đủ che đầu xương).

- Nạo sụn đầu khớp trung tâm sau tháo khớp

- Rửa sạch mỏm cụt sau tháo khớp bằng nước muối 0,9%, nước ô xy già 10%, PVP Iodin 10%. Thấm khô.

- Thắt mạch máu, cắt thần kinh ở mỏm cụt: Xác định các bó mạch, kẹp và thắt mạch cao hơn đầu xương 1-2cm, khâu vùi bómạch vào vùng lành. Kẹp và cắt thần kinh bằng dao sắc.

- Khâu bao khớp che phủ đầu xương, khâu định hướng cơ. Mở ga rô cầm máu bổsung bằng đốt điện, khâu cơ.

- Đặtdẫn lưu. Khâu da thưa. Băng kín mỏm cụt.

Tai biến và xử trí

1. Toàn thân

- Theo dõi biến chứng gây mê nếu có: suy hô hấp, tụt huyết áp, nôn…: truyền dịch, nâng huyết áp, thở oxy, để đầu thấp nghiêng 1 bên, lau sạch đờm dãi…

- Đaunhiều sau phẫu thuật: cho thuốc giảm đau sau mổ 1- 2 ngày.

2. Tại chỗ

- Theo dõi tình trạng chảy máu tại vết mổ: garo chờ, tiến hành cầm máu lại, băng ép nhẹ nhàng.

- Theo dõi các dẫn lưu: hút máu tụ, dịch đọng.

- Nhiễm khuẩn tại chỗ: dẫn lưu dịch đọng, cắt bỏ các mối khâu khi cần. Thay băng vô khuẩn, đắp thuốc kháng khuẩn tại chỗ và kháng sinh toàn thân.