Các bài viết liên quan
BÓC U TUYẾN TIỀN LIỆT QUA ĐƯỜNG SAU XƯƠNG MU
Quyết định số: 11/QĐ-BYT
Ngày ban hành: 04/01/2022 12:00
Đại cương
– U tuyến tiền liệt bao gồm u tuyến tiền liệt lành tính (hay còn gọi là phì đại lành tính tuyến tiền liệt) và u tuyến tiền liệt ác tính (ung thư tuyến tiền liệt). Nội dung bài này nói về Quy trình bóc tuyến tiền liệt qua đường sau xương mu điều trị bệnh phì đại lành tính tuyến tiền liệt.
– Có nhiều phương pháp mổ phì đại tuyến tiền liệt nhưng chủ yếu là phẫu thuật cắt đốt nội soi thông qua đường niệu đạo hoặc mổ bóc u qua đường bụng, trong đó có “Bóc u tuyến tiền liệt qua đường sau xương mu”. Đây là phương pháp bóc tổ chức nhân tuyến tiền liệt phát triển phì đại qua đường rạch thành trước bao tuyến tiền liệt, hay còn gọi là phương pháp Millin.
Chỉ định điều trị
Chỉ định phẫu thuật cho những tuyến tiền liệt kích thước to (từ 50 gr trở lên) gây:
– Bí đái cấp tính
– Nhiễm khuẩn tiết niệu dai dẳng hoặc tái diễn
– Chảy máu nặng hoặc đái máu tái diễn
– Sỏi bàng quang lớn
– Các triệu chứng đường tiểu dưới nặng do tắc đường ra của bàng quang, không đáp ứng với điều trị nội khoa hoặc điều trị ít sang chấn
– Suy thận do tắc đường ra của bàng quang mạn tính
Chống chỉ định
– Chống chỉ định cho những tuyến tiền liệt nhỏ hoặc trước đó đã được cắt phần lớn tuyến tiền liệt.
– Chống chỉ định cho ung thư tuyến tiền liệt. Nếu nghi ngờ ung thư, cần tiến hành sinh thiết trước khi cân nhắc phẫu thuật.
– Người bệnh có chống chỉ định với phẫu thuật: rối loạn đông máu, thể trạng quá yếu,…
Chuẩn bị
1. Người thực hiện:
– Phẫu thuật viên chuyên khoa Tiết niệu – Nam học, bác sỹ ngoại chung được đào tạo
– Số lượng PTV phụ mổ: 1 PTV chính + 2 BS phụ mổ
2. Người bệnh:
– Người bệnh và gia đình được giải thích rõ trước mổ về tình trạng bệnh và tình trạng chung, về những khả năng phẫu thuật sẽ thực hiện, về những tai biến, biến chứng, di chứng có thể gặp do bệnh, do phẫu thuật, do gây mê, tê, giảm đau, do cơ địa người bệnh.
– Nâng cao thể trạng, cân bằng những rối loạn do hậu quả của bệnh hoặc do cơ địa, bệnh mãn tính, tuổi.
– Điều trị ổn định các bệnh nội khoa như cao huyết áp, đái đường,… trước khi can thiệp phẫu thuật (trừ trường hợp mổ cấp cứu). Truyền máu nếu người bệnh có thiếu máu nhiều.
– Nhịn ăn, thụt tháo, vệ sinh vùng phẫu thuật và toàn thân.
– Có thể dùng kháng sinh dự phòng trước mổ hoặc không
3. Phương tiện:
– Bộ dụng cụ phẫu thuật trung phẫu, lưu ý có kẹp tổ chức tuyến tiền liệt (để kéo lên trong mổ)
– Chỉ tiêu chậm (vicryl,…) số 0 hoặc 1/0, chỉ catgut chromic số 0, chỉ tiêu chậm (vicryl,…) số 2/0, chỉ khâu cân cơ bụng (tiêu chậm hoặc không tiêu) số 0 hoặc 1/0, chỉ khâu da.
4. Dự kiến thời gian phẫu thuật: khoảng 2 giờ
Các bước tiến hành
1. Tư thế:
– Người bệnh nằm ngửa, đầu hơi thấp hơn chân.
– Phẫu thuật viên chính đứng bên trái người bệnh. Hai BS phụ mổ đứng bên phải người bệnh.
2. Vô cảm: Gây tê tủy sống/ gây tê ngoài màng cứng/ gây mê nội khí quản.
3. Kỹ thuật:
– Bước 1: Đặt sonde Foley niệu đạo, bơm bóng. Rạch da đường trắng giữa từ trên xương mu đến rốn, có thể mở rộng lên cạnh bên rốn để lên trên. Một số tác giả có thể đi đường Pfannenstiel (đường ngang trên mu).
– Bước 2: Tách cơ thẳng sang phía bên, bộc lộ vùng trước bàng quang, vén phúc mạc lên trên. Có thể dùng banh tự động để mở rộng vùng phẫu thuật. Bộc lộ vùng trước tuyến tiền liệt (sau xương mu).
– Bước 3: Sờ ống sonde Foley, xác định cổ bàng quang và thành trước tuyến tiền liệt. Khâu sâu vào thành trước bao tuyến tiền liệt ngay dưới cổ bàng quang bằng chỉ tiêu, nhiều mũi để thành 2 hàng ngang bên dưới cổ bàng quang (thường mỗi hàng 3-4 mũi).
– Bước 4: Rạch giữa 2 đường khâu ngang vừa tạo. Rạch hết chiều dày vỏ tuyến, bộc lộ tổ chức tuyến phì đại. Dùng kéo Metzenbaum hoặc ngón tay trỏ phẫu tích, bóc tách bình diện giữa tuyến với cổ bàng quang và vỏ tuyến. Sau đó, bóc tách đỉnh tuyến khỏi niệu đạo và lấy u ra khỏi ổ.
– Bước 5: Sau khi lấy u ra khỏi ổ, kiểm tra lại ổ tuyến để chắc chắn rằng không còn khối u tuyến nào nữa.
– Bước 6: Cắt mở rộng thành sau cổ bàng quang. Kiểm tra tính toàn vẹn của 2 lỗ niệu quản rồi khâu lại chỗ cắt cổ bàng quang.
– Bước 7: Có thể có chảy máu, nhưng thường ở vị trí 5 giờ và 7 giờ - nơi động mạch tuyến tiền liệt đi vào. Khâu cầm máu 2 vị trí này (ngay cả khi không có chảy máu nhiều).
– Bước 8: Đặt sonde niệu đạo 3 chạc số 22Fr, 30ml. Trong một số trường hợp có thể tiến hành khâu vòng ổ tuyến tiền liệt trên sonde niệu đạo 3 chạc.
– Bước 9: Khâu đóng chỗ mở bao tuyến tiền liệt. Đặt dẫn lưu khoang Retzius, cố định dẫn lưu. Khâu đóng thành bụng.
Tai biến và xử trí
1. Theo dõi:
– Các dấu hiệu sinh tồn sau mổ (mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở,…).
– Theo dõi các dẫn lưu: dẫn lưu bàng quang, dẫn lưu khoang Retzius, lượng dịch, tính chất, màu sắc dịch,…Dẫn lưu Retzius có thể rút sau 1-2 ngày. Dẫn lưu bàng quang thường rút sau khi rút sonde niệu đạo xong, người bệnh đái được tốt (thường sau mổ 10 ngày)
– Theo dõi sonde niệu đạo: Người bệnh sẽ được rửa liên tục bàng quang hàng ngày, cần theo dõi lưu thông dịch, tính chất, màu sắc dịch. Sonde niệu đạo thường được rút sau 7-10 ngày.
2. Các biến chứng sau mổ có thể xảy ra (các tai biến, biến chứng có thể xảy ra và nguyên tắc xử lý):
– Chảy máu: Sonde niệu đạo/ sonde dẫn lưu bàng quang chảy máu đỏ liên tục, không nhạt dần, tiến hành cho thuốc cầm máu, bơm rửa máu cục (nếu có máu cục), chỉnh lại sonde. Nếu không cầm máu thì cần tiến hành mổ lại.
– Tuột các ống dẫn lưu: Các ống dẫn lưu nếu bị tuột, cần xem xét đặt lại. Đặc biệt lưu ý ống sonde niệu đạo.
– Nhiễm trùng vết mổ: cần dùng kháng sinh tích cực, chăm sóc tốt vết mổ.
– Rò bàng quang: do cố định dẫn lưu, khâu bàng quang không tốt. Cần chăm sóc lỗ rò, khi ổn định, người bệnh tự đái tốt có thể tự liền hoặc có thể cần khâu lại.
– Đái rỉ, đái không tự chủ do làm tổn thương cơ thắt. Tiến hành tập luyện, điều trị nội khoa sau mổ. Nếu thất bại, có thể tiến hành phẫu thuật chống rối loạn tiểu tiện.
– Rối loạn cương dương: Điều trị nội khoa. Nếu thất bại có thể điều trị phẫu thuật.