Tra cứu  ›  QTKT khám-chữa bệnh  ›  ĐẶT BỘ PHẬN GIẢ CHỮA BÍ ĐÁI DO PHÌ ĐẠI TUYẾN TIỀN LIỆT

ĐẶT BỘ PHẬN GIẢ CHỮA BÍ ĐÁI DO PHÌ ĐẠI TUYẾN TIỀN LIỆT

Quyết định số: 11/QĐ-BYT

Ngày ban hành: 04/01/2022 12:00

Đại cương

– U tuyến tiền liệt bao gồm u tuyến tiền liệt lành tính (hay còn gọi là phì đại lành tính tuyến tiền liệt) và u tuyến tiền liệt ác tính (ung thư tuyến tiền liệt). Nội dung bài này nói về Quy trình Đặt bộ phận giả chữa bí đái do phì đại tuyến tiền liệt, cụ thể là đặt dụng cụ kéo giãn qua tuyến tiền liệt (implantable transprostatic tissue retractor system).
– Đây là phương pháp đặt dụng cụ (UroLift) vào niệu đạo tuyến tiền liệt để nong mở rộng niệu đạo, tạo điều kiện để nước tiểu từ bàng quang đi ra ngoài dễ hơn. 
– Phương pháp này đặc biệt hữu ích ở những người có tuổi cao, già yếu, chống chỉ định hoặc không đủ sức khỏe để can thiệp phẫu thuật.

Chỉ định điều trị

Chỉ định để điều trị các triệu chứng do bít tắc dòng chảy thứ phát vì phì đại lành tính tuyến tiền liệt ở nam giới từ 50 tuổi trở lên thỏa mãn các tiêu chuẩn:
– Thể tích tuyến tiền liệt 20-70 ml (trên siêu âm)
– IPSS > 12
– Qmax < 15 ml/s
– PVR < 350 ml

Chống chỉ định

– Thùy giữa gây bít tắc
– Nhiễm khuẩn tiết niệu cấp tính
– PSA > 10 ng/ml (trừ khi sinh thiết âm tính)
– Viêm tuyến tiền liệt trong vòng 1 năm qua
– Tiền sử phẫu thuật tuyến tiền liệt
– Tiền sử phẫu thuật hoặc chiếu tia vùng tiểu khung

Chuẩn bị

1. Người thực hiện:
– Phẫu thuật viên chuyên khoa Tiết niệu – Nam học, bác sỹ ngoại chung được đào tạo
– Số lượng PTV phụ mổ: 1 PTV chính + 1 BS phụ mổ
2. Người bệnh:
– Người bệnh và gia đình được giải thích rõ trước khi tiến về tình trạng bệnh và tình trạng chung, về cách thức tiến hành, về những tai biến, biến chứng có thể gặp do bệnh, do phẫu thuật, do gây mê, tê, giảm đau, do cơ địa người bệnh.
– Nâng cao thể trạng, cân bằng những rối loạn do hậu quả của bệnh hoặc do cơ địa, bệnh mãn tính, tuổi.
– Điều trị ổn định các bệnh nội khoa như cao huyết áp, đái đường,… trước khi can thiệp phẫu thuật (trừ trường hợp mổ cấp cứu). Truyền máu nếu người bệnh có thiếu máu nhiều.
– Nhịn ăn, thụt tháo, vệ sinh vùng phẫu thuật và toàn thân.
– Có thể dùng kháng sinh dự phòng trước mổ hoặc không 
3. Phương tiện:
– Phương tiện để sát khuẩn bộ phận sinh dục và vùng phụ cận.
– Bộ nong niệu đạo các cỡ
– Bộ dụng cụ nội soi qua đường niệu đạo: camera, ống soi, nguồn sáng,…
– Dụng cụ đặt vào tuyến tiền liệt.
4. Dự kiến thời gian phẫu thuật: khoảng 1 giờ

Các bước tiến hành

1. Tư thế:
– Người bệnh nằm tư thế sản khoa.
– Phẫu thuật viên chính đứng phía dưới người bệnh, giữa hai chân người bệnh. Bác sĩ phụ mổ đứng bên trái người bệnh (cùng với phụ dụng cụ) hoặc đứng bên cạnh, phía sau PTV chính.
– Camera đặt bên phải gần đầu người bệnh hoặc phía trên đầu người bệnh.
2. Vô cảm: Gây tê tủy sống/ gây mê nội khí quản.
3. Kỹ thuật:
– Bước 1: Nong niệu đạo các cỡ từ nhỏ đến to, sao cho phù hợp với kích thước máy nội soi (thường nong tới số 24 Fr - 27 Fr).
– Bước 2: Đặt máy nội soi vào niệu đạo, đi lên soi kiểm tra niệu đạo, cổ bàng quang; vào bàng quang, tiến hành soi kiểm tra bàng quang, vị trí các lỗ niệu quản. Xác định lại kích thước tuyến tiền liệt.
– Bước 3: Xác định vị trí đặt dụng cụ và đặt dụng cụ: Tiến hành rút máy từ từ, đi từ bàng quang qua cổ bàng quang, ra tới cách cổ bàng quang khoảng 1,5 cm, xoay máy sang bên phải (thường ở vị trí 10 giờ), đẩy đầu máy áp vào tuyến tiền liệt rồi ấn, đưa dụng cụ xuyên qua tuyến tiền liệt ra ngoài vỏ tuyến (ví trí 1). Làm tương tự với bên trái (thường ở vị trí 2 giờ). 
– Bước 4: Đặt các vị trí tiếp theo: Nếu niệu đạo tuyến tiền liệt dài thì có thể tiếp tục đặt thêm dụng cụ phía ngoài. Vị trí đặt tiếp theo thường ở ngay phía trước ụ núi (vị trí 2). Các vị trí đặt tiếp sau nữa sẽ ở giữa vị trí 1 và vị trí 2. Tổng số các vị trí đặt dao động từ 2 đến 10, tùy thuộc vào kích thước và đặc điểm tuyến tiền liệt.
– Bước 5: Rút máy và kiểm tra sự lưu thông của nước tiểu

Tai biến và xử trí

1. Theo dõi: 
– Các dấu hiệu sinh tồn sau mổ (mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở,…).
– Theo dõi tình trạng tiểu tiện của người bệnh, tính chất, màu sắc nước tiểu.
2. Các biến chứng sau mổ có thể xảy ra (các tai biến, biến chứng có thể xảy ra và nguyên tắc xử lý):
– Đái máu: Cho thuốc cầm máu và theo dõi. Thường là chảy máu nhẹ. Nếu chảy máu nhiều không cầm thì phải tiến hành phẫu thuật.
– Đau vùng tiểu khung và đái khó, rối loạn tiểu tiện: Theo dõi và điều trị nội khoa
– Nhiễm khuẩn đường tiết niệu: Điều trị kháng sinh, chống viêm, …
– Các tổn thương nặng như: Hình thành đường rò trực tràng – niệu đạo, thủng trực tràng hoặc đường tiêu hóa, tổn thương niệu quản hoặc lỗ niệu quản, tổn thương vùng trigone,… có thể gặp nhưng hiếm. Nếu xảy ra thì cần phẫu thuật.