Tra cứu  ›  QTKT khám-chữa bệnh  ›   CẮT BỎ TINH HOÀN

CẮT BỎ TINH HOÀN

Quyết định số: 11/QĐ-BYT

Ngày ban hành: 04/01/2022 12:00

Đại cương

– Tinh hoàn là một tuyến vừa sản xuất tinh trùng, vừa sản xuất nội tiết nam giới. Đây là một bộ phận rất quan trọng của nam giới. Có 2 tinh hoàn nằm 2 bên bìu của nam giới. 
– Phẫu thuật cắt tinh hoàn được chỉ định trong những trường hợp ung thư tinh hoàn, những tổn thương tinh hoàn không thể bảo tồn tinh hoàn như viêm áp xe tinh hoàn, cắt tinh hoàn trong ung thư tuyến tiền liệt,...
– Nội dung bài này viết về phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn đơn thuần, không do ung thư tinh hoàn.

Chỉ định điều trị

– Xoắn tinh hoàn đến muộn không bảo tồn được
– Viêm, áp xe tinh hoàn điều trị nội nhiều đợt không kết quả
– Cắt tinh hoàn 2 bên trong người bệnh bị ung thư tiền liệt tuyến
– Chấn thương vỡ tinh hoàn không còn khả năng bảo tồn

Chống chỉ định

– Chấn thương tinh hoàn trên người bệnh shock đa chấn thương, viêm tinh hoàn người bệnh có tình trạng toàn thân rất kém,… những trường hợp chống chỉ định phẫu thuật
– Chấn thương tinh hoàn, u tinh hoàn khu trú còn khả năng bảo tồn

Chuẩn bị

1. Người thực hiện:
– Phẫu thuật viên chuyên khoa Tiết niệu – Nam học
– 2 PTV phụ mổ
2. Người bệnh:
– Người bệnh và gia đình được giải thích rõ trước mổ về tình trạng bệnh và tình trạng chung, về những khả năng phẫu thuật sẽ thực hiện, về những tai biến, biến chứng, di chứng có thể gặp do bệnh, do phẫu thuật, do gây mê, tê, giảm đau, do cơ địa người bệnh.
– Nâng cao thể trạng, cân bằng những rối loạn do hậu quả của bệnh hoặc do cơ địa, bệnh mãn tính, tuổi.
– Điều trị ổn định các bệnh nội khoa như cao huyết áp, đái đường,… trước khi can thiệp phẫu thuật (trừ trường hợp mổ cấp cứu). Truyền máu nếu người bệnh có thiếu máu nhiều.
– Nhịn ăn, thụt tháo, vệ sinh vùng phẫu thuật và toàn thân.
– Có thể dùng kháng sinh dự phòng trước mổ hoặc không 
3. Phương tiện: Bộ dụng cụ phẫu thuật
4. Dự kiến thời gian phẫu thuật: 90 phút

Các bước tiến hành

1. Tư thế: Tư thế nằm ngửa
2. Vô cảm: Gây mê nội khí quản/Gây tê tủy sống.
3. Kỹ thuật:
– Bước 1: Sát khuẩn
+ Rạch da bìu kích thước 3cm
– Bước 2: Mở màng tinh hoàn, bộc lộ và đánh giá tình trạng tinh hoàn
+ Xem xét, trên nguyên tắc bảo tồn tối đa. Nếu tinh hoàn có chỉ định phẫu thuật cắt bỏ thì tiến hành làm phẫu thuật cắt tinh hoàn.
– Bước 3: Phẫu tích bó mạch thừng tinh lên cao
– Bước 4: Dùng 3 pince cặp cuống thừng tinh
+ Cắt tinh hoàn gửi giải phẫu bệnh
+ Khâu buộc cuống mạch thừng tinh bằng chỉ không tiêu và bằng chỉ tiêu chậm 2/0
– Bước 5: Cố định tinh hoàn bên đối diện với trường hợp xoắn tinh hoàn
– Bước 6: Cầm máu. Đặt dẫn lưu áp lực âm
– Bước 7: Khâu vết mổ 

Tai biến và xử trí

1. Theo dõi: 
– Các dấu hiệu sinh tồn sau mổ (Mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở…).
– Theo dõi vết mổ
– Theo dõi tình trạng bìu
– Tình trạng dẫn lưu
2. Các biến chứng sau mổ có thể xảy ra: 
– Chảy máu: Theo dõi vết mổ, băng ép và dùng thuốc cầm máu nếu cần. Trường hợp chảy nhiều có thể phải mở vết thương kiểm tra, cầm máu.
– Nhiễm trùng vết mổ: Mở vết mổ, cấy dịch mủ, chăm sóc và điều trị theo kháng sinh đồ.
– Ảnh hưởng khả năng sinh sản: Theo dõi siêu âm, đánh giá tình trạng nội tiết tố, tinh dịch đồ.