Các bài viết liên quan
HẠ TINH HOÀN ẨN, TINH HOÀN LẠC CHỖ
Quyết định số: 11/QĐ-BYT
Ngày ban hành: 04/01/2022 12:00
Đại cương
– Trong giai đoạn đầu của thai nhi nam, tinh hoàn nằm trong ổ bụng. Sau đó, tinh hoàn di chuyển dần xuống bìu và nằm ở đó cho đến lúc trẻ được sinh ra. Tinh hoàn lạc chỗ là tinh hoàn không di chuyển xuống vào vị trí đúng của nó trong bao da theo phía sau dương vật (bìu) trước khi bé trai ra đời. Tinh hoàn ẩn/lạc chỗ là khuyết tật về sự phát triển thường gặp nhất ở nam giới. Các thể lâm sàng có thể gặp là tinh hoàn nằm trong ổ bụng, ở lỗ bẹn sâu, ở trong ống bẹn và ngoài lỗ bẹn nông. Tỷ lệ bị tinh hoàn ẩn gặp ở khoảng 3-4% trẻ khi sinh. Tỷ lệ này sẽ cao hơn ở trẻ đẻ thiếu cân, đẻ non, sinh đôi,...
– Phương pháp điều trị được chấp nhận nhiều nhất là phẫu thuật hạ tinh hoàn, đưa tinh hoàn về vị trí bình thường của nó.
Chỉ định điều trị
– Tinh hoàn ẩn/ lạc chỗ đối với trẻ sơ sinh điều trị nội khoa không kết quả.
– Tinh hoàn ẩn/ lạc chỗ ở trẻ em
– Tinh hoàn ẩn/ lạc chỗ đối với nam giới vị thành niên, trưởng thành muốn có con cần phẫu thuật ngay
Chống chỉ định
– Tinh hoàn ẩn/ lạc chỗ bị ung thư hóa
– Tinh hoàn ẩn/ lạc chỗ bị xoắn không có khả năng bảo tồn
– Tinh hoàn ẩn/ lạc chỗ không xác định
– Tinh hoàn ẩn/ lạc chỗ trên người bệnh có các bệnh lý toàn thân có thể bị ảnh hưởng bởi phẫu thuật, người có chống chỉ định phẫu thuật
– Tinh hoàn ẩn/ lạc chỗ trên người bệnh nhiều tuổi, có đủ con
Chuẩn bị
1. Người thực hiện:
– Phẫu thuật viên chuyên khoa Tiết niệu – Nam học
– 2 PTV phụ mổ
2. Người bệnh:
– Người bệnh và gia đình được giải thích rõ trước mổ về tình trạng bệnh và tình trạng chung, về những khả năng phẫu thuật sẽ thực hiện, về những tai biến, biến chứng, di chứng có thể gặp do bệnh, do phẫu thuật, do gây mê, tê, giảm đau, do cơ địa người bệnh.
– Nâng cao thể trạng, cân bằng những rối loạn do hậu quả của bệnh hoặc do cơ địa, bệnh mãn tính, tuổi.
– Điều trị ổn định các bệnh nội khoa như cao huyết áp, đái đường,… trước khi can thiệp phẫu thuật (trừ trường hợp mổ cấp cứu). Truyền máu nếu người bệnh có thiếu máu nhiều.
– Nhịn ăn, thụt tháo, vệ sinh vùng phẫu thuật và toàn thân.
– Có thể dùng kháng sinh dự phòng trước mổ hoặc không
3. Phương tiện: Bộ dụng cụ phẫu thuật
4. Dự kiến thời gian phẫu thuật: 90 phút
Các bước tiến hành
1. Tư thế: Tư thế nằm ngửa
2. Vô cảm: Gây mê nội khí quản/ Gây tê tủy sống.
3. Kỹ thuật:
– Bước 1: Sát khuẩn
+ Rạch da bẹn bên bị ẩn tinh hoàn kích thước 5cm
– Bước 2: Mở ống bẹn
+ Xác định vị trí của tinh hoàn ẩn. Đánh giá kích thước, nhu mô tinh hoàn
– Bước 3: Phẫu tích bó mạch thừng tinh và bó mạch ống dẫn tinh tối đa
– Bước 4: Cố gắng đưa tinh hoàn xuống tối đa có thể được (tới bìu là tốt nhất).
+ Rạch da bìu kích thước 1-2 cm, tạo khoang dưới da cho tinh hoàn, đưa tinh hoàn xuống bìu và cố định tinh hoàn ngoài cơ Dartos bằng chỉ không tiêu 4/0
+ Nếu không xuống bìu được thì cố định tinh hoàn ở xa ổ bụng nhất có thể được.
– Bước 5: Đóng lỗ bẹn sâu bằng chỉ tiêu chậm
+ Phục hồi ống bẹn bằng chỉ tiêu chậm hoặc bằng chỉ không tiêu
– Bước 6: Cầm máu
– Bước 7: Khâu vết mổ
Tai biến và xử trí
1. Theo dõi:
– Các dấu hiệu sinh tồn sau mổ (Mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở…)
– Theo dõi vết mổ
– Theo dõi tĩnh trạng bìu
2. Các biến chứng sau mổ có thể xảy ra:
– Chảy máu: Theo dõi vết mổ, băng ép và dùng thuốc cầm máu nếu cần. Trường hợp chảy máu nhiều có thể mở vết thương kiểm tra.
– Teo tinh hoàn: Theo dõi bằng lâm sàng và siêu âm, đánh giá tình trạng nội tiết tố, tinh dịch đồ.
– Tinh hoàn ung thư hóa: Theo dõi bằng lâm sàng và siêu âm, làm các xét nghiệm marke ung thư, chụp CT, làm bilan đánh giá giai đoạn ung thư, chỉ định cắt tinh hoàn nạo vét hạch.
– Thoát vị bẹn: Theo dõi bằng lâm sàng và siêu âm, chỉ định mổ phục hồi thành bụng.
– Tinh hoàn di chuyển lên trên: Thường do việc cố định không tốt, theo dõi bằng lâm sàng và siêu âm, có thể mổ lại để cố định tinh hoàn.
– Nhiễm trùng vết mổ: Mở vết mổ, cấy dịch mủ, chăm sóc và điều trị theo kháng sinh đồ.