Tra cứu  ›  QTKT khám-chữa bệnh  ›  PHẪU THUẬT ĐIỀU TRỊ HẸP KHÍT ĐỘNG MẠCH CẢNH DO XƠ VỮA

PHẪU THUẬT ĐIỀU TRỊ HẸP KHÍT ĐỘNG MẠCH CẢNH DO XƠ VỮA

Quyết định số: 11/QĐ-BYT

Ngày ban hành: 04/01/2022 12:00

Đại cương

Hẹp ĐMC là một bệnh lý khá thường gặp có căn nguyên do xơ vữa động mạch, vị trí thường gặp là chỗ chia đôi ĐMC lan lên trên khoảng 3-6cm và thường gặp tại ĐMCT. Tỉ lệ hẹp 50% không triệu chứng khoảng 0,5% ở tuổi 50-59, nhưng tỉ lệ này tăng đến 10% sau 80 tuổi. Hẹp ĐMC gặp khoảng 20-30% ở người bệnh bị bệnh lý viêm tắc động mạch mãn tính. Yếu tố nguy cơ: lớn tuổi, giới nam, tăng huyết áp, thuốc lá, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, bệnh xơ vữa  động mạch vị trí khác (chi dưới, vành…). Hẹp ĐMC dẫn đến hai nguy cơ chính: nguy cơ tại chổ gây nhồi máu não cùng bên với hẹp ĐMC và  nguy cơ tắc động mạch trung tâm võng mạc gây mù. 

Hẹp ĐMC không triệu chứng thường được phát hiện tình cờ qua các phương tiện cận lâm sàng, đặc biệt là siêu âm dopller mạch. Ngược lại, các hẹp ĐMC có  triệu chứng thì TBMMN là triệu chứng phát hiện bệnh: liệt ưu thế tay- mặt, rối loạn cảm giác, ngôn ngữ hoặc mù thoáng qua, một phần hay toàn bộ. Chẩn đoán xác định và lượng giá mức độ hẹp ĐMC dựa vào các phương tiện chẩn đoán hình ảnh với độ nhạy và độ đặc hiệu cao (siêu âm dopller mạch, chụp mạch cảnh, chụp cộng hưởng từ hạt nhân –MRI, CTcsanner đa lát cắt). Mặt khác, một người bệnh hẹp ĐMC cần tầm soát các vị trí động mạch khác, đặc biệt là mạch vành, động mạch chủ bụng và động mạch hai chi dưới.

Điều trị hẹp ĐMC bằng các điều trị dự phòng nội khoa (phối hợp các thuốc chống ngưng tập tiểu cầu như Clopidogrel, Aspirin…)  kết hợp với các can thiệp ngoại khoa. 

Chỉ định điều trị

  • Hẹp ĐMC không triệu chứng: phẫu thuật khi hẹp ≥ 80% ( phương thức ECST) hoặc ≥ 60% (phương thức NASCET). Tỉ lệ biến chứng và tử vong khoảng 2,7% (1-3%) .
  • Hẹp ĐMC triệu chứng: phẫu thuật khi hẹp ĐMC ≥ 70% (NASCET) hay ≥ 90% (ECST). Nếu hẹp ĐMC từ 50-70%, can thiệp ngoại khoa không đem lại lợi ích vượt trội nào so với nội khoa.

Chống chỉ định

Toàn trạng nặng

Chuẩn bị

  1. Người thực hiện
  • Kíp ngoại khoa: 3 người (1 phẫu thuật viên chính, hai phẫu thuật viên trợ giúp)
  • Kíp gây mê: 2 người (1 bác sĩ, 1 điều dưỡng phụ mê)
  • Kíp phục vụ dụng cụ: 2 điều dưỡng (1 phục vụ trực tiếp, 1 bên ngoài)
  • Kíp vận hành máy tim phổi nhân tạo: 2 bác sĩ hoặc kĩ thuật viên.
  1. Người bệnh
  • Giải thích kĩ với gia đình và người bệnh về cuộc phẫu thuật, ký giấy cam đoan phẫu thuật.
  • Chiều hôm trước được tắm rửa 2 lần nước có pha betadine và thay toàn bộ quần áo sạch.
  • Đánh ngực bằng xà phòng betadine trước khi bôi dung dịch sát khuẩn lên vùng phẫu thuật.
  • Hồ sơ bệnh án: Hoàn chỉnh hồ sơ bệnh án theo qui định chung. Đầy đủ thủ tục pháp lý.
  1. Phương tiện
  • Máy thở, monitor (đường áp lực theo dõi huyết áp động mạch, áp lực tĩnh mạch trung ương, điện tim, bão hoà ôxy ...)
  • Bộ đồ phẫu thuật mạch máu
  • Chỉ 5.0, 6.0, chỉ dệt.
  • Miếng vá nhân tạo.
  • Bộ phẫu thuật mạch máu

Dự kiến thời gian phẫu thuật: 120 phút

Các bước tiến hành

  1. Kiểm tra hồ sơ: đầy đủ theo qui định (hành chính, chuyên môn, pháp lý).
  2. Kiểm tra người bệnh: đúng người (tên, tuổi …), đúng bệnh.
    1.  Tư thế: nằm ngửa một gối kê dưới, hai tay xuôi theo mình, quay đầu sang bên đối diện.
  3. Vô cảm
  • Gây mê nội khí quản
  • Một đường truyền tĩnh mạch ngoại vi.
  • Một đường động mạch (thường động mạch quay) để theo dõi áp lực động mạch liên tục trong khi phẫu thuật.
  • Đặt ống thông đái, ống thông dạ dày.
  • Đặt đường theo dõi nhiệt độ hậu môn, thực quản.
  1.  Kỹ thuật
  • Mở bờ trước cơ ức đòn chũm ngang phình cảnh (dưới góc hàm ).
  • Phẫu tích cắt cơ bám da cổ, tách cơ ức- đòn- chũm vào bó mạch cảnh.
  • Phẫu tích tách phình cảnh, đặt lắc động mạch cảnh trong, ngoài, động mạch cảnh chung.
  • Hạ đầu thấp, nâng huyết áp 150/90 mmHg.
  • Heparin 50 UI/ Kg.
  • Clam động mạch cảnh trong, ngoài, động mạch cảnh chung.
  • Cắt rời ĐM cảnh trong sát nguyên ủy. Bóc nội mạch kỹ thuật lột ngược.
  • Bơm rửa dung dịch heparin, lấy hết các mảng xơ vữa.
  • Kiểm tra phía phình cảnh, bóc nội mạc nếu cần.
  • Khâu nối ĐM cảnh trong vào phình cảnh chỉ prolen 6-0 hoặc 7-0.
  • Đuổi khí, thả clam ĐM cảnh ngoài, ĐM cảnh chung cuối cùng là ĐM cảnh trong.
  • Cầm máu, đặt redon.
  • Đóng vết mổ.

Tai biến và xử trí

  1. Theo dõi
  • Ngay sau phẫu thuật: Theo dõi mạch, huyết áp, nhịp thở. Theo dõi dẫn lưu: số lượng dịch qua dẫn lưu, tính chất dịch 1 giờ 1 lần. Nếu có hiện tượng chảy máu (máu đỏ qua dẫn lưu trên 200 ml/1 giờ trong 2-3 giờ đầu) thì cần phải phẫu thuật lại để cầm máu.
  • Phải kiểm trước khi ra viện.
  1. Tai biến và xử lý
  • Chảy máu.
  • Tai biến mạch máu não.
  • Nhiễm trùng.