Tra cứu  ›  QTKT khám-chữa bệnh  ›  QUY TRÌNH PHẪU THUẬT KHÂU VẾT THƯƠNG NHU MÔ PHỔI

QUY TRÌNH PHẪU THUẬT KHÂU VẾT THƯƠNG NHU MÔ PHỔI

Quyết định số: 11/QĐ-BYT

Ngày ban hành: 04/01/2022 12:00

Đại cương

Vết thương nhu mô phổi: là tổn thương của nhu mô phổi, đa số là hậu quả của một vết thương ngực hở (VTNH), ít gặp hơn trong chấn thương ngực kín (CTNK).

Chỉ định điều trị

  • Chỉ định mở ngực khâu vết thương nhu mô nằm trong chỉ định chung của các chỉ định mở ngực cấp cứu, các chỉ định gồm:
  • VTNH có kèm theo hoặc nghi ngờ vết thương tim
  • Tràn máu màng phổi nhiều: Dẫn lưu màng phổi ra ngay sau chấn thương, vết thương > 1000ml/ 6h đầu, hoặc theo dõi dẫn lưu ra máu nóng, đông > 200ml/h trong 3 giờ liên tiếp hoặc 300ml/h trong 2h liên tiếp.
  • Tràn khí màng phổi nhiều: dẫn lưu ra nhiều khí liên tục và toàn trạng không cải thiện sau dẫn lưu. Thường do hậu quả của VT tổn thương nhánh phế quản lớn hoặc tổn thương rộng ở nhu mô.
  • VT ngực bụng.

Chống chỉ định

  • VTNH đơn thuần, điều trị đáp ứng tốt với DLMP tối thiều
  • VTNH đến muộn có máu cục màng phổi hoặc ổ cặn màng phổi

Chuẩn bị

  1. Người thực hiện
  • Bác sĩ chuyên khoa tim mạch lồng ngực, 02 bác sĩ trợ giúp phẫu thuật
  • Bác sĩ gây mê có chuyên môn về tim mạch lồng ngực
  • Dụng cụ viên
  1. Người bệnh
  • Người nhà và người bệnh được giải thích kỹ về chỉ định mổ, nguy cơ, tai biến cũng như tiên lượng của người bệnh. Chuẩn bị người bệnh trước mổ, hoàn thành giấy tờ pháp lý.
  • Hồ sơ bệnh án: Đầy đủ theo hướng dẫn của bộ y tế, thủ tục pháp lý.
  1. Phương tiện
  • Ống NKQ 2 nòng
  • Dụng cụ chuyên biệt của phẫu thuật lồng ngực, mạch máu
  • Thuốc, dịch truyền, máy nội soi
  1. Dự kiến thời gian phẫu thuật: 1 – 2 giờ

Các bước tiến hành

  • Kiểm tra hồ sơ: đầy đủ theo qui định (hành chính, chuyên môn, pháp lý).
  • Kiểm tra người bệnh: đúng người (tên, tuổi …), đúng bệnh.
  1. Tư thế người bệnh và đường mổ
  • Tùy theo dự kiến tổn thương trước mổ, thường tư thế nghiêng 90º sang bên đối diện tổn thương, cũng có thể nghiêng 45º.
  • Đường vào: tùy theo vị trí vết thương và dự kiến tổn thương, nếu tổn thương nhu mô phổi đơn thuần thường sử dụng đường vào qua KLS 5 đường bên hoặc sau bên. Có thể sử dụng nội soi hỗ trợ trong các trường hợp tổn thương sâu khó quan sát.
  1. Vô cảm
  •  Gây mê, đặt ống NKQ 2 nòng ( Carlen), đặt đường truyền , lắp hệ thống theo dõi điện tim và SPO2, sonde theo dõi nhiệt độ.
  1. Kỹ thuật
  • Xác định, đánh giá thương tổn: thành ngực, nhu mô, khí phế quản, mạch máu lớn, tim và màng tim.
  • Kẹp Carlen thông khí 1 phổi nếu được.
  • Làm sạch, hút máu, khí tạo điều kiện thám sát tổn thương, tìm chỗ rò khí.
  • Chú ý kiểm tra kỹ tránh bỏ sót thương tổn.
  • Đánh giá thương tổn nhu mô để cho thái độ xử trí thích hợp:
  • Vết thương nhu mô nhỏ, không liên quan đến mạch máu và phế quản thùy: khâu vết thương đơn thuần.
  • VT rách lớn nhu mô vào các mạch máu và phế quản lớn của thùy phổi: cân nhắc cắt thùy phổi theo thương tổn.
  • Kỹ thuật khâu:
  • Khâu khi phổi đã xẹp, tránh hiện tượng xé nhu mô do phổi nở.
  • Khâu bằng chỉ tiêu chậm, hoặc khâu tiêu, thường dùng chỉ prolen 5.0
  • Sử dụng đường khâu vắt đi vắt lại đảm bảo kín, chống rò khí và cầm máu tốt.
  • Xử lý các tổn thương phổi hợp.
  • Làm sạch lại phổi bằng nước ấm và betadin. Kiểm tra và cầm máu.
  • Nở phổi kiểm tra rò khí. 
  • Đặt dẫn lưu màng phổi, thường 1 DL dịch, 1 DL khí.

Cầm máu vết mổ, khâu chỉ xiết sườn nếu cần, đóng cân cơ đóng da.

Tai biến và xử trí

  • Theo dõi mạch, huyết áp, SPO2, dẫn lưu màng phổi sát trong 6h đầu.
  • Kháng sinh, dịch truyền, giảm đau tốt, truyền máu nếu cần.
  • Ngồi dậy, vỗ rung, tập thở tích cực ngay từ ngày đầu sau mổ.
  • Theo dõi biến chứng nhiễm trùng, chảy máu, xẹp phổi, phát hiện sớm để có xử trí kịp thời.

Theo dõi dẫn lưu màng phổi và nghe phổi, chụp X quang khi dịch ra ít hơn 100ml/24h, dịch hồng loãng hoặc vàng, đủ tiêu chuẩn thì rút DLMP.