Tra cứu  ›  QTKT khám-chữa bệnh  ›  QUY TRÌNH KỸ THUẬT BƠM RỬA MÀNG PHỔI TẠI CÁC KHOA HỒI SỨC CẤP CỨU

QUY TRÌNH KỸ THUẬT BƠM RỬA MÀNG PHỔI TẠI CÁC KHOA HỒI SỨC CẤP CỨU

Quyết định số: 1904/QĐ-BYT

Ngày ban hành: 30/05/2014 12:00

Đại cương

Rửa màng phổi là thủ thuật đưa vào khoang màng phổi dung dịch NaCl 0,9% vô khuẩn làm sạch khoang màng phổi. 

Thủ thuật bơm rửa màng phổi cho Người bệnh tại khoa hồi sức cấp cứu cần được làm tại giường (Người bệnh thở máy và nặng), với sự trợ giúp của nhiều Người thực hiện

Chỉ định điều trị

- Tràn mủ màng phổi đã chọc hút nhiều lần mà lâm sàng không cải thiện. 

- Tràn dịch màng phổi có nguy cơ dính màng phổi. 

- Để điều trị kháng sinh tại chỗ trong một số trường hợp. 

Chống chỉ định

- Rò phế quản - màng phổi

- Đang cấp cứu về tim mạch: ngừng tuần hoàn, cấp cứu cơn mạch nhanh hoặc mạch chậm. 

- Tràn dịch đã có vách hóa chắc. 

- Áp xe gan vỡ vào màng phổi

Chuẩn bị

1. Người thực hiện

01 bác sĩ đã được đào tạo

02 điều dưỡng đã được đào tạo: 01 người bệnh, 01 Phương tiện, dụng cụ và thuốc làm thủ thuật

2. Phương tiện, dụng cụ

2.1. Vật tư tiêu hao

Vật tư tiêu hao                                                                         Đơn vị

Dẫn lưu màng phổi (dẫn lưu ra) cỡ 28F                                      1 cái

Dẫn lưu màng phổi (dẫn lưu vào)cỡ 12F                                    1 cái

Bộ đặt dẫn lưu màng phổi: dao, kéo, pince, kẹp phẫu tích         1 bộ

Bơm tiêm 50 ml                                                                         2 chiếc

Bơm tiêm 20 ml                                                                         2 chiếc

Dây dẫn dịch vào và ra                                                              2 chiếc

Natriclorua 0,9% 1000 ml                                                           2 chai

Lidocain 2% 10 ml                                                                     2 ống

Povidin 10%                                                                             1 lọ

Thuốc tiền mê: Midazolam và/hoặc fentanyl                                5 ống

Thuốc gây mê: propofol                                                            3 ống

Adrenalin 1mg                                                                           5 ống

Atropin 0, 25mg                                                                        4 ống

2.2. Dụng cụ cấp cứu

- Bộ mở màng phổi dự phòng

- Bộ dụng cụ cấp cứu ngừng tuần hoàn

2.3. Các chi phí khác

- Hệ thống bình hút kín khoang màng phổi

- Máy thở

- Bộ cấp cứu hô hấp: bóng, mặt nạ, đèn đặt nội khí quản và nội khí quản

3. Người bệnh

- Giải thích cho Người bệnh và người nhà Người bệnh. 

- Tư thế Người bệnh

- Nơi thực hiện kỹ thuật

4. Hồ sơ bệnh án

Giải thích về kỹ thuật cho Người bệnh, gia đình Người bệnh và kí cam kết đồng ý kỹ thuật, phiếu ghi chép theo dõi thủ thuật. 

Các bước tiến hành

1. Kiểm tra hồ sơ bệnh án: Kiểm tra lại chỉ định, chống chỉ định và giấy cam kết đồng ý làm thủ thuật. 

2. Kiểm tra người bệnh: Các dấu hiệu sinh tồn như mạch, huyết áp, SPO2 xem có thể tiến hành thủ thuật được không. 

3. Tiến hành kỹ thuật

Bước 1: Đặt dẫn lưu màng phổi (Xem quy trình đặt dẫn lưu màng phổi)

- 01 dẫn lưu cỡ 28F qua khoang liên sườn 4 -5 đường nách sau để dẫn lưu dịch rửa (dẫn lưu ra)

- 01 dẫn lưu cỡ 8 - 12F ở khoang liên sườn 2 để bơm dịch rửa (dẫn lưu vào)

Bước 2: Cài đặt thông số máy thở:

Phương thức: VCV, PEEP 0, FiO2 100%, VT 8 ml/kg cân nặng lí tưởng

Bước 3: Cho an thần và giảm đau

Đảm bảo giảm đau tránh các biến chứng của đau: sốc chấn thương, Người bệnh kích thích không rửa được màng phổi. 

Bước 4: Bơm rửa màng phổi:

- Lắp dây có gắn với chai đựng dung dịch rửa vào dẫn lưu vào (dẫn lưu trên). 

- Đầu tiên dẫn lưu qua đường ra khoảng 200 - 300 ml dịch màng phổi, sau đó khóa đường dẫn lưu này lại. 

- Cho dịch rửa vào khoang màng phổi qua dẫn lưu vào, cho từ từ trong 10 - 15 phút, số lượng mỗi lần khoảng 300 - 500 ml dịch. Đợi cho Người bệnh thở 4 - 8 nhịp rồi mới tháo dịch rửa qua dẫn lưu ra. 

- Rửa cho đến khi nước trong thì thôi. Trung bình rửa màng phổi 2 - 4 lần, tùy thuộc vào tính chất dịch rửa. 

- Đưa dung dịch có pha kháng sinh vào, ngâm trong khoang màng phổi và rút troca. Băng ép hoặc đính một mũi chỉ. 

Tai biến và xử trí

- Sốc do Lidocain: xử trí như sốc phản vệ

- Nếu mạch chậm: tiêm atropin 1/4mg x 2 ống tĩnh mạch. 

- Sốc do đau: ngừng thủ thuật, chống sốc và cho giảm đau. 

Tài liệu tham khảo

1. Vũ Văn Đính và CS (2003), Hồi sức cấp cứu toàn tập, Nhà xuất bản Y học, 8: 202 - 209. 

2. C. William Hanson (2009), Procedures in critical care, McGraw Hill. 

3. Eric F. R, Robert R. S (2008), Emergency medicine procedures, McGraw Hill.