Tra cứu  ›  QTKT khám-chữa bệnh  ›  QUY TRÌNH VẬN CHUYỂN NGƯỜI BỆNH ĐI LÀM CÁC THỦ THUẬT CAN THIỆP VÀ CHỤP CHIẾU Ở NGƯỜI BỆNH HỒI SỨC

QUY TRÌNH VẬN CHUYỂN NGƯỜI BỆNH ĐI LÀM CÁC THỦ THUẬT CAN THIỆP VÀ CHỤP CHIẾU Ở NGƯỜI BỆNH HỒI SỨC

Quyết định số: 1904/QĐ-BYT

Ngày ban hành: 30/05/2014 12:00

Đại cương

- Để vận chuyển người bệnh từ nơi này sang nơi khác, Người thực hiện y tế cần có một kế hoạch rõ ràng. Cần tính trước trong đầu chiến lược vận chuyển người bệnh, bảo vệ an toàn cho người bệnh. Trong kế hoạch Người thực hiện y tế cần phải biết những hạn chế của mình cũng như những nguồn có thể huy động khác và cách tiếp cận được những nguồn đó. Sử dụng các trang thiết bị sẵn có bất cứ khi nào có thể. 

- Vận chuyển người bệnh nặng luôn có nguy cơ nhất định do vận chuyển cho người bệnh và Người thực hiện vận chuyển. 

-Mục tiêu của vận chuyển cấp cứu:

+ Cố gắng hạn chế các nguy cơ xấu do vận chuyển cho người bệnh

+ Tránh chấn thương, nguy hiểm cho nhân viên

Chỉ định điều trị

-Chuyển đến các khoa thăm dò chức năng, chẩn đoán hình ảnh. 

- Các phòng can thiệp. 

- Phòng mổ

Chống chỉ định

- Bệnh quá nặng (huyết áp không đo được, suy hô hấp nặng). 

- Chưa đảm bảo đủ các phương tiện, trang thiết bị cần thiết đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Chuẩn bị

1. Người thực hiện: 01 bác sĩ đã được đào tạo chuyên khoa hồi sức cấp cứu, 01 điều dưỡng đã được đào tạo chuyên khoa hồi sức cấp cứu

2. Thảo luận trước khi chuyển. 

- Thảo luận giữa các bác sỹ, bác sỹ với điều dưỡng, giữa điều dưỡng với điều dưỡng về tình trạng người bệnh và cần duy trì liên tục sự chăm sóc và điều trị. 

- Xác định nơi nhận đã sẵn sàng đón người bệnh, hoặc đã sẵn sàng làm các xét nghiệm. 

- Thông báo cho bác sỹ chính: người bệnh sẽ chuyển đi, ai sẽ chuyển người bệnh, các nguy cơ có thể khi rời khỏi khoa. 

- Ít nhất phải có 2 Người thực hiện y tế vận chuyển người bệnh. 

-Hồ sơ bệnh án: ghi chỉ định vận chuyển, ghi diễn biến trong quá trình vận chuyển. 

- Thông báo và giải thích cho người bệnh và người nhà biết để chuẩn bị và cùng trợ giúp. 

3. Phương tiện, dụng cụ

3.1 Vật tư tiêu hao

- Máy theo dõi

- Cáp điện tim

- Cáp đo SpO2

- Bóng Ambu (dùng 50 lần)

- Mask ô xy

- Bình ôxy (dùng 1 năm)

- Lưu lượng kế (dùng 3 tháng)

- Ôxy đã được nạp đầu đủ. Nếu vận chuyển bằng máy thở khí vận chuyển phải đảm bảo máy hoạt động tốt. 

- Bông

- Cồn 90 độ

- Xà phòng rửa tay diệt khuẩn

- Mũ: 02 cái.

- Khẩu trang: 02 cái. 

- Thuốc cấp cứu: adrenalin, atropin, lidocain. 

3.2. Dụng cụ cấp cứu

- Bóng Ambu, Mask. 

- Hộp chống sốc theo quy định. 

3. Người bệnh: thông báo giải thích cho người bệnh và gia đình người bệnh biết việc sắp làm. 

4. Hồ sơ bệnh án, phiếu chỉ định.

Các bước tiến hành

1. Đưa người bệnh từ giường lên cáng:

- Đặt xe, cáng đầu cáng sát giường chân giường người bệnh, chốt khóa bánh xe cáng lại. 

- Một người luồn một tay dưới gáy người bệnh, một tay dưới thắt lưng. 

- Người thứ hai, một tay luồn dưới mông, một tay luồn dưới khoeo chân NGƯỜI BỆNH. 

- Theo nhịp hô 1, 2, 3 cùng nâng NGƯỜI BỆNH lên quay 180 độ đặt nhẹ nhàng lên cáng. 

- Đặt người bệnh nằm tư thế thích hợp, che chắn, đắp chăn ga cho người bệnh

2. Đảm bảo đường thở cho người bệnh: cho ệnh nhân thở ôxy hoặc bóp bóng ambu theo nhịp thở của người bệnh hoặc cho người bệnh thở máy theo y lệnh.

3. Lắp máy monitor theo dõi cho người bệnh

4. Đưa người bệnh tới nơi chỉ định. 

Tai biến và xử trí

- Rơi ngã là nguy cơ thường gặp: cần buộc dây cố định chân tay người bệnh hoặc kéo thanh chắn của giường, cáng lên. 

- Di lệch, tuột hệ thống dây truyền và dẫn lưu: cần chú ý khi vận chuyển người bệnh để tránh di lệch, tuột đường truyền, ống dẫn lưu. 

- Người bệnh tụt huyết áp đảm bảo cho người bệnh nằm đầu bằng. 

- Trong quá trình đưa người bệnh đi nếu tình trạng người bệnh xấu đi huyết áp không đo được, ngừng tim phải cấp cứu người bệnh và nhanh chóng đưa ngay người bệnh về khoa hồi sức cấp cứu để đảm bảo cho người bệnh những phương tiện cấp cứu tốt nhất. 

Tài liệu tham khảo

1. A Reference Manual for Nurses and Healthcare Managers in Ethiopia; Addis Ababa, Ethiopia; Dec-2011

2. Hames H, Forbes TL, Harris JR et al. The effect of patient transfer on outcomes after rupture of an abdominal aortic aneurysm. Can J Surg 2007; 50: 43-7. 

3. Paul Fullbrook; Doug Elliott; Leanne Aitken; Wendy Chaboyer; (2007); Essential nursing care of the critically ill patient; Critical Care Nursing; Mosby Elsevier; pp 187-214.