Các bài viết liên quan
- QUY TRÌNH VẬN CHUYỂN NGƯỜI BỆNH ĐI LÀM CÁC THỦ THUẬT CAN THIỆP VÀ CHỤP CHIẾU Ở NGƯỜI BỆNH HỒI SỨC
- QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRUYỀN DỊCH BẰNG MÁY TRUYỀN DỊCH
- QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRUYỀN THUỐC BẰNG BƠM TIÊM ĐIỆN
- QUY TRÌNH KỸ THUẬT THAY BĂNG VẾT MỔ Ở NGƯỜI BỆNH HỒI SỨC CẤP CỨU VÀ CHỐNG ĐỘC
- QUY TRÌNH KỸ THUẬT CHĂM SÓC VẾT LOÉT Ở NGƯỜI BỆNH HỒI SỨC CẤP CỨU VÀ CHỐNG ĐỘC
- QUY TRÌNH KỸ THUẬT DỰ PHÒNG LOÉT Ở NGƯỜI BỆNH HỒI SỨC CẤP CỨU VÀ CHỐNG ĐỘC
- QUY TRÌNH KỸ THUẬT THỬ ĐƯỜNG MÁU MAO MẠCH
- QUY TRÌNH KỸ THUẬT GỘI ĐẦU Ở NGƯỜI BỆNH HỒI SỨC CẤP CỨU VÀ CHỐNG ĐỘC
- QUY TRÌNH KỸ THUẬT CHĂM SÓC ỐNG DẪN LƯU Ở NGƯỜI BỆNH HỒI SỨC CẤP CỨU VÀ CHỐNG ĐỘC
- QUY TRÌNH KỸ THUẬT CHĂM SÓC RĂNG MIỆNG ĐẶC BIỆT
QUY TRÌNH KỸ THUẬT THÔNG KHÍ NHÂN TẠO NẰM SẤP TRONG HỘI CHỨNG SUY HÔ HẤP CẤP TIẾN TRIỂN (ARDS)
Quyết định số: 1904/QĐ-BYT
Ngày ban hành: 30/05/2014 12:00
Đại cương
Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (Acute Respiratory Ditress Syndrome - ARDS) là một hội chứng thường gặp trong các khoa hồi sức cấp cứu, diễn biến nặng và tỷ lệ tử vong cao. Thông khí nhân tạo nằm sấp giúp cho sự phân bố thông khí ở phổi đều hơn, tăng khả năng thông khí và tăng tỉ lệ thông khí tưới máu dẫn đến cải thiện ôxy hóa máu.
Chỉ định điều trị
Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển không đáp ứng với thông khí nhân tạo theo ARDS và P/F < 100.
Chống chỉ định
-Người bệnh sốc
-Có rối loạn nhịp tim nặng đe dọa đến tính mạng
-Chảy máu cấp
-Gãy xương chậu, xương sườn
-Chấn thương vùng hàm mặt.
-Tổn thương tủy
-Phụ nữ có thai
-Tăng áp lực nội sọ
-Phẫu thuật ổ bụng
Chuẩn bị
1.Người thực hiện: Bác sỹ và 03 điều dưỡng chuyên khoa Hồi sức cấp cứu hoặc đã được đào tạo về thở máy.
2. Phương tiện
Máy thở có phương thức thở PCV, VCV
Ô xy thở máy
Filter lọc khuẩn ở dây máy thở
Dây truyền huyết thanh
Găng tay vô khuẩn
Găng tay sạch
Gạc tiểu phẫu N2
Khẩu trang phẫu thuật
Mũ phẫu thuật
MDI adapter
Bộ dây máy thở
Khí nén
Bộ làm ẩm nhiệt
Filter lọc bụi cho máy thở
Nước cất máy thở 500 ml (ngày dùng 2 chai)
3. Người bệnh
- Người bệnh đang được thông khí nhân tạo xâm nhập theo ARDS.
- Làm xét nghiệm khí trong máu. Đo huyết áp, lấy mạch, nhịp thở, SpO2. Đặt máy theo dõi liên tục.
4. Hồ sơ bệnh án
Ghi chép đầy đủ các thông số cần theo dõi. Kiểm tra lại kết quả các xét nghiệm.
Các bước tiến hành
1. Kiểm tra hồ sơ
2. Kiểm tra người bệnh
3. Thực hiện kỹ thuật
3.1. Tiến hành kỹ thuật
- Tăng FiO2 100%, và ghi lại các thông số máy thở, M, HA, SPO2 hiện tại của Người bệnh
- 02 điều dưỡng đứng 2 bên giường chịu trách nhiệm lật Người bệnh nằm sấp. Một điều dưỡng khác đứng đầu giường để đảm bảo đường truyền tĩnh mạch trung tâm và ống nội khí quản không bị tuột.
- Bỏ điện cực và dây theo dõi điện tim. Hút đờm, miệng của Người bệnh nếu cần.
- Lật Người bệnh nằm sấp
+ Bước 1: Kéo Người bệnh về 1 bên giường. Cuộn ga trải giường cũ chèn giữa lưng Người bệnh và mặt giường, đồng thời cuộn và trải ga mới lên trên mặt giường.
+ Bước 2: Xoay Người bệnh sang tư thế nằm nghiêng, rút bỏ ga trải giường cũ.
+ Bước 3: Xoay Người bệnh sang tư thế nằm sấp, đồng thời kéo và trải nốt phần ga mới.
+ Bước 4: Kê gối mềm tại các vùng: trán, ngang 2 vai, ngang hông và 2 cẳng chân.
- Lắp lại điện cực theo dõi điện tim ở lưng Người bệnh.
- Đưa FiO2 về giá trị trước thao tác nằm nghiêng.
Thời gian nằm sấp 3 giờ tiếp theo chuyển sang nằm ngửa 3 giờ, sau đó lại chuyển sang nằm sấp….
Khi thay đổi tư thế NGƯỜI BỆNH từ nằm sấp sang nằm ngửa thì làm tương tự.
3.2. Tiêu chuẩn ngừng thông khí nhân tạo nằm sấp
- P/F ≥ 150 với PEEP ≤ 10 cm H2O và FiO2 ≤ 60%.
- Tắc ống nội khí quản
- Ho máu
- Ngừng tim
- Nhịp tim < 30 chu kỳ/phút, kéo dài trên 1 phút
- SpO2 < 85% kéo dài trên 5 phút hoặc PaO2 < 55mmHg (với FiO2 100%).
- HA tâm thu < 60mmHg kéo dài trên 5 phút.
Tai biến và xử trí
- Tuột nội khí quản, tắc ống nội khí quản
+ Nằm ngửa thay ống nội khí quản.
- Tuột ống thông tĩnh mạch trung tâm,
+ Nằm ngửa đặt lại ống thông tĩnh mạch trung tâm.
- Loét do đè ép
+ Chăm sóc hàng ngày vùng tì đè. Kê gối mềm tại các vùng tì đè: trán, ngang 2 vai, ngang hông và 2 cẳng chân.
- Tụt huyết áp:
+ Theo dõi huyết áp.
+ Xử trí khi có tụt huyết áp: truyền dịch, dùng vận mạch nếu cần. Nếu Người bệnh có sốc quay trở lại thông khí nhân tạo nằm ngửa.
- Chấn thương áp lực (tràn khí màng phổi):
+ Biểu hiện: Người bệnh chống máy, áp lực đường thở tăng, SpO2 tụt, tràn khí dưới da, khám phổi có dấu hiệu tràn khí màng phổi
+ Xử trí: thông khí nhân tạo nằm ngửa, đặt dẫn lưu màng phổi cấp cứu, hút dẫn lưu liên tục, giảm Vt, giảm PEEP về 0.
- Tổn thương phổi do thở máy:
+ Dự phòng: đặt Vt thấp (Pplat < 30 cm H2O).
- Nhiễm khuẩn liên quan thở máy: cần tuân thủ triệt để các nguyên tắc vô khuẩn bệnh viện để dự phòng. Điều trị kháng sinh sớm và theo nguyên tắc xuống thang khi xuất hiện nhiễm khuẩn.
- Loét/xuất huyết tiêu hóa do stress: dự phòng bằng thuốc ức chế bơm proton.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Gia Bình (2012), “kỹ thuật thở máy và hồi sức hô hấp nâng cao”, Nhà xuất bản Y học.
2. Bùi Văn Cường (2012), đánh giá hiệu quả ôxy hóa máu của biện pháp huy động phế nang bằng phương pháp CPAP 40 cmH20 trong 40 giây ở Người bệnh suy hô hấp cấp tiến triển, Luận văn thạc sỹ y học chuyên ngành Hồi sức cấp cứu, trường Đại Học Y Hà Nội.
3. Lê Đức Nhân (2012), Nghiên cứu hiệu quả của chiến lược “mở phổi” và chiến lược ARDS Network trong thông khí nhân tạo Người bệnh suy hô hấp cấp tiến triển, Luận án tiến sỹ y học chuyên ngành Hồi sức cấp cứu, Trường Đại học Y Hà Nội.
4. Claude Guerin, Jean Reignier, et al, (2013), “Prone Positioning in severe Acute Respiratory Distress Syndrome”, the New England Journal of Medicine, Vol 368: 2159-2168.
5. Dellinger RP, Levy MM, et al, (2013), “Surviving sepsis campaign: international guidelines for management of severe sepsis and septic shock”, Crit Care Med, Vol 41: 580-637.