Tra cứu  ›  QTKT khám-chữa bệnh  ›  QUY TRÌNH KỸ THUẬT HÚT ĐỜM CHO NGƯỜI BỆNH CÓ ĐẶT ỐNG NỘI KHÍ QUẢN VÀ MỞ KHÍ QUẢN BẰNG ỐNG HÚT ĐỜM KÍN

QUY TRÌNH KỸ THUẬT HÚT ĐỜM CHO NGƯỜI BỆNH CÓ ĐẶT ỐNG NỘI KHÍ QUẢN VÀ MỞ KHÍ QUẢN BẰNG ỐNG HÚT ĐỜM KÍN

Quyết định số: 1904/QĐ-BYT

Ngày ban hành: 30/05/2014 12:00

Đại cương

- Hút đờm kín là một kỹ thuật đưa ống sông kín qua ống NKQ, MKQ hút sạch đờm trong ống NKQ, MKQ và trong khí quản của Người bệnh. Đây là một kỹ thuật rất cơ bản trong hồi sức cấp cứu nhằm khai thông và kiểm soát đường thở Người bệnh đã đặt ống NKQ, MKQ

- Mục đích:

+ Làm sạch dịch tiết để khai thông đường thở. Duy trì sự thông thoáng đường hô hấp. 

+ Lấy dịch tiết phục vụ cho các mục đích chẩn đoán. 

+ Phòng nhiễm khuẩn cho Người bệnh. 

+ Phòng lây nhiễm một số bệnh đường hô hấp cho Người thực hiện cho người tiếp xúc, cho các Người bệnh xung quanh. 

-Luôn đảm bảo ôxy cho NGƯỜI BỆNH

-Phòng xẹp phổi do ứ đọng. 

-Làm giảm sự mất áp lực đường thở. 

Chỉ định điều trị

Nên dùng ống hút đờm kín cho tất cả các Người bệnh có đặt ống nội khí quản, mở khí quản thở máy, đặc biệt dùng ống hút kín cho các nhóm Người bệnh sau:

- NGƯỜI BỆNH bị mắc các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp như SARS, cúm A H1N1, H5N1…

- NGƯỜI BỆNH thở máy có áp lực PEEP cao > 10cm H2O như ARDS, viêm phổi vi rút

- Người bệnh giảm bạch cầu. 

Chống chỉ định

-Không nên dùng ống hút kín đối với các trường hợp Người bệnh thở ôxy hoặc tự thở qua ống nội khí quản, mở khí quản

-NGƯỜI BỆNH không bị mắc các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp mà đờm đặc khó hút. 

Chuẩn bị

1. Người thực hiện: 2 điều dưỡng được đào tạo chuyên khoa hồi sức cấp cứu

2. Dụng cụ

2.1. Vật tư tiêu hao

-Dây hút silicon

-Ống hút đờm kín kích cỡ phù hợp:

-Găng vô khuẩn: 01 đôi

-Gạc vô khuẩn: 01 gói

-Bơm tiêm 10 ml: 02 cái

-Kim tiêm nhựa: 01 cái

-Găng sạch: 01 đôi

-Xô đựng dung dịch khử khuẩn

-Natrichlorua 0,9% (200 ml) hoặc NaHCO3 1, 4% hoặc thuốc theo chỉ định. 

-Mũ: 02 cái

-Khẩu trang: 02 cái

-Dung dịch sát khuẩn tay nhanh

-Xà phòng diệt khuẩn

-Dung dịch khử khuẩn sơ bộ

-Máy hút áp lực âm có thể điều chỉnh mức áp lực:

+ Người lớn: 80 đến 120 mmHg

+ Trẻ lớn: 60 đến 80 mmhg

+ Trẻ sơ sinh: 40 đến 60 mmhg

- Máy theo dõi (khấu hao 5 năm)

- Cáp điện tim

- Cáp đo SpO2

- Cáp đo huyết áp liên tục

- Bao đo huyết áp

- Ống nghe

2.2. Dụng cụ cấp cứu

- Bóng Ambu, mặt nạ bóp bóng. 

- Bộ dụng cụ đặt nội khí quản cấp cứu

3. Người bệnh

- Thông báo giải thích động viên, vỗ rung cho Người bệnh (nếu cần). 

- Đặt Người bệnh tư thế thích hợp. 

4. Hồ sơ bệnh án: Phiếu chăm sóc. 

Các bước tiến hành

1. Điều dưỡng đội mũ rửa tay đeo khẩu trang. 

2. Mang dụng cụ đến giường Người bệnh. Sắp xếp dụng cụ vị trí thích hợp. 

3. Vỗ rung cho Người bệnh (nếu cần). đặt Người bệnh tư thế thích hợp. 

4. Tăng ôxy cho Người bệnh, Bật máy hút điều chỉnh áp lực phù hợp. Điều dưỡng đi găng tay hút nước muối vào bơm tiêm. 

5. Mở nắp ống hút kín nối với dây hút. 

6. Mở khóa của ống hút đờm kín. 

7. Kỹ thuật hút đờm: Tay không thuận cầm dây hút chỗ điều khiển van hút. 

- Tay thuận cầm ống hút luồn nhẹ nhàng vào nội khí quản hoặc mở khí quản đưa ống đến khi có cảm giác vướng không đưa được nữa hoặc ngập ống hút, phải rút ống ra 1 cm. Và tay sạch bấm van điều khiển máy hút đồng thời tay thuận cầm ống hút nhẹ nhàng vê ống và rút ra từ từ, vừa rút vừa hút hết đờm dãi. Rút ống ra qua chạc ba của ống. Không rút hết ống ra. Giữ ống lâu hơn ở những vị trí nhiều đờm. Không đẩy đi đẩy lại ống hút nhiều lần trong phế quản (chú ý: khi đưa ống hút vào không được bấm van điều khiển máy hút,). 

-Thời gian lưu ống trong phế quản không quá 20 giây tính từ khi đưa ống vào đến khi rút ống ra. 

-Thời gian bấm van điều khiển máy hút không quá 15 giây tính từ khi bấm van điều khiển máy hút đến khi rút ống ra. 

8. Sau khi rút ống ra cho Người bệnh thở máy cho SpO2 về như trước, tiếp tục hút lần tiếp theo, ở tư thế khác nếu Người bệnh hồng, SpO2 ổn định. Lần lượt hút ở 3 tư thế: nằm thẳng, nằm nghiêng sang phải, nằm nghiêng sang trái, - Nếu đờm dính quánh, kết hợp bơm Natriclorua 0,9% hoặc NaHCO3 làm loãng đờm, mỗi lần bơm không quá 3ml. 

- Theo dõi trong khi hút đờm: nhịp tim, SpO2, sắc mặt, huyết áp, ý thức, số lượng, màu sắc và tính chất đờm. 

9. Tiến hành hút sạch đờm dịch trong khí quản và trong ống nội khí quản hoặc mở khí quản

10. Bơm nước tráng ống ống: để đầu ống hút gần chỗ chạc ba đồng thời vừa dùng bơm tiêm bơm nước NaCl 0,9%vừa bấm van hút nước tráng ống. Bơm tráng sạch ống không để dịch đờm bám vào làm tắc ống và dây dẫn. 

11. Khóa van hút lại. tháo sông hút với dây của máy hút. 

12. Thu dọn dụng cụ, tháo găng sát khuẩn tay nhanh bằng cồn. 

13. Tăng ôxy cho Người bệnh khoảng 2 - 3 phút sau khi hút. Sau đó đặt lại ôxy như y lệnh. Tắt máy hút, để Người bệnh về tư thế thoải mái. 

14. Rửa tay, Ghi phiếu theo dõi: tính chất, màu sắc, số lượng đờm dịch. 

Chú ý:

-Tần số hút tùy theo lượng đờm, 1 lần hút không quá 20”, bịt van hút không quá 15”, giữa các lần hút cho Người bệnh thở máy lại 30” - 1 phút, 1 đợt hút ≤ 5 phút

-Thực hiện kỹ thuật phải tuyệt đối vô khuẩn tránh bội nhiễm phổi. 

-Không dùng ống hút đờm kín để hút đờm ở đường hô hấp trên

- Theo dõi sát DHST, nếu mạch chậm <40 l/phút phải ngừng hút tăng thông khí nhân tạo ôxy 100%.

Tai biến và xử trí

1. Thiếu ô xy, giảm ôxy máu

2. Tổn thương niêm mạc khí phế quản. 

3. Loạn nhịp tim, ngừng tim ngừng thở. , 

4. Xẹp phổi.

5. Co thắt thanh quản, 

6. Nhiễm khuẩn

7. Chảy máu khí phế quản

8. Tăng áp lực nội sọ

9. Tăng huyết áp, hạ huyết áp

10. Ảnh hưởng đến áp lực máy thở. 

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Y tế; (1999); Hút dịch khí quản; Hướng dẫn quy trình kỹ thuật bệnh viện tập I. Nhà xuất bản y học. Trang 25-26. 

2. Joanne Tollefson; (2010); Endotracheal tube or tracheostomy suctioning; Clinical psychomotor skills; 4th Edition; Cengage Learning; pp 234-248. 

3. Ruth F. Craven; Constance J. Hirnle; (2007); Ô xygenation: Respiratory function; Fundamentals of Nursing, Fifth Edition; Lippincott Williams & Wilkins; pp 823 - 876.