Tra cứu  ›  QTKT khám-chữa bệnh  ›  QUY TRÌNH KỸ THUẬT ĐO CUNG LƯỢNG TIM PiCCO

QUY TRÌNH KỸ THUẬT ĐO CUNG LƯỢNG TIM PiCCO

Quyết định số: 1904/QĐ-BYT

Ngày ban hành: 30/05/2014 12:00

Đại cương

Thăm dò huyết động, đo cung lượng tim là thủ thuật kỹ thuật cao áp dụng trong hồi sức Người bệnh sốc, góp phần chẩn đoán, điều trị và theo dõi tình trạng huyết động. PiCCO là kỹ thuật thăm dò huyết động dựa theo nguyên lý hòa loãng nhiệt xuyên phổi (transpulmonary thermodilution) mới có tính ứng dụng cao, nhanh, ít biến chứng có thể áp dụng tại các khoa Cấp cứu. 

PiCCO sử dụng catheter tĩnh mạch trung tâm có gắn thêm một bộ phận cảm ứng nhiệt. Bộ phân thứ hai là catheter động mạch đùi có thêm bộ phận nhận cảm nhiệt. Nước lạnh bơm vào catheter tĩnh mạch cảnh trong sẽ đi theo tuần hoàn từ tĩnh mạch trung tâm vào nhĩ phải, xuống thất phải. Sau đó nước lạnh sẽ lên phổi qua động mạch phổi vào vòng tiểu tuần hoàn, từ đó nước lạnh sẽ quay trở về nhĩ trái và thất trái, nước lạnh sẽ theo động mạch chủ ngực và xuống ĐMC bụng. 

Tại đây có một đầu cảm ứng nhiệt tại catheter động mạch chủ bụng thu nhận và báo về bộ vi xử trí trên máy PiCCO. Do nhiệt độ máu bao giờ cũng cao hơn nên xảy ra hiện tượng hòa loãng nhiệt cho tới khi nhiệt độ trở về trạng thái cân bằng.

Chỉ định điều trị

Chủ yếu trong điều trị sốc sau khi không đáp ứng với truyền dịch như: Sốc giảm thể tích, sốc tim, sốc nhiễm khuẩn

Chống chỉ định

Rối loạn đông máu nặng

Shunt trong phổi (gây sai số đo)

Loạn nhịp nặng (gây sai số)

Hở các van tim nặng

Chuẩn bị

1. Người thực hiện: bác sỹ, điều dưỡng đã được đào tạo về đặt PiCCO

2. Dụng cụ và kỹ thuật đo

Kỹ thuật PiCCO sử dụng bộ thiết bị gồm có (hình 1, 2)

◦ Một bộ catheter tĩnh mạch trung tâm 3 nòng

◦ Thiết bị nhận cảm nhiệt đầu vào

◦ Một bộ catheter động mạch đùi chuyên dụng của hãng Pulsion có đầu nhận cảm áp lực và nhiệt độ

◦ Bộ vi xử trí đặt tại máy theo dõi (Phillips, Dragger, Pulsion) Hình 1, 2

4. Hồ sơ bệnh án

Giải thích về kỹ thuật cho người bệnh, gia đình Người bệnh và kí cam kết đồng ý kỹ thuật, phiếu ghi chép theo dõi thủ thuật.

Các bước tiến hành

1. Kiểm tra hồ sơ: Kiểm tra lại chỉ định, chống chỉ định và cam kết đồng ý thực hiện thủ thuật. 

2. Kiểm tra lại người bệnh: Kiểm tra lại các chức năng sống của Người bệnh trước khi tiến hành thủ thuật

3. Thực hiện kỹ thuật

Bước 1: Đặc catheter tĩnh mạch trung tâm 3 nòng (tĩnh mạch cảnh trong hay dưới đòn đều được) nối cổng prô xymal trên catheter với bộ phận cảm ứng nhiệt đầu vào. 

Bước 2: Đặt catheter động mạch đùi bằng kỹ thuật Sedinger, nối bộ phận đo áp lực và nhận cảm nhiệt đầu ra với máy PiCCO, đặt Zero mức HA, chú ý chọn dạng sóng ĐMC vì tuy catheter đặt ở động mạch đùi nhưng đầu lại ở vị trí động mạch chủ bụng. 

Sau khi kết nối máy sẽ hiện lên dạng sóng động mạch, và nhiệt độ máu 

Cài đặt các thông số huyết động trên máy:

Vào mục Admit/Discharge nhập tên người bệnh, chiều cao, cân nặng, chọn chế độ Adult. Sau đó sang bên trái màn hình có các ô thông số. Đặt thông số theo ba nhóm sau:

· Đánh giá tiền gánh: GEDVI, SVV, EVLWI

· Cung lượng tim: CI, CO

· Cung lượng tim liên tục: CCI, CCO

· Sức cản mạch hệ thống: SVRI

Tiến hành đo

Sau khi cài đặt thông số xong vào mục Menu sẽ hiện lên bảng Cardiac output. Nhấn vào mục này sẽ hiện lên bảng đồ thị hòa loãng nhiệt. Trên bảng này sẽ tự báo cho số ml nước lạnh cần bơm (Thông thường người nặng 50 kg khoảng 15 ml)

Chuẩn bị 15 ml nước lạnh (nên để dưới 8 độ C) cho vào syring 20 ml nối với cổng prô xymal có bộ phận cảm ứng nhiệt đầu vào trên catheter tĩnh mạch trung tâm. 

Nhấn nút Start trên thanh công cụ ở trên màn hình. Trên màn hình sẽ hiện lên dòng chữ Baseline unstable, do not inject. Chờ khi ổn định màn hình hiện lên dòng chữ baseline stable, inject now. Bơm ngay 15 ml nước lạnh trong vòng dưới 10 giây (càng nhanh càng tốt)

Trên màn hình sẽ hiện lên đường cong hòa loãng nhiệt. Chờ cho đường cong hiện lên hoàn toàn, các thông số huyết động sẽ hiện ra. Nhấn vào nút Start để tiếp tục đo lần 2. Nên đo khoảng 5 lần sau đó chọn trên màn hình các lần đo có thông số giống nhau nhất. 

Chọn xong nhấn nút Save and Calculate CO để lưu. Kết thúc quá trình đo

Tai biến và xử trí

Biến chứng có liên quan tới đặt catheter TMTT và đặt catheter động mạch chủ yếu là biến chứng chảy máu và rối loạn đông máu. Nên rút catheter động mạch đùi và kết thúc PiCCO ngay khi không còn chỉ định. 

Biến chứng nhiễm khuẩn

* Các thông số mà PiCCO đo được như sau:

Thông số

Viết tắt

Tến tiếng việt

 

Cardiac Output

CO

Cung lượng tim
Global End-Diastolic Volume

GEDV

Tổng thể tích cuối tâm trương
Intrathoracic Blood Volume

ITBV

Thể tích máu trong lồng ngực
Extravascular Lung Water

EVLW

Thể tích nước ngoài phổi
Pulmonary Vascular Permeability Index

PVPI

Chỉ số thấm mạch phổi
Cardiac Function Index

CFI

Chỉ số chức năng tim
Global Ejection Fraction

GEF

Tỉ số tống máu toàn bộ

 

Pulse Contour Cardiac Output

PiCCO

Cung lượng tim xung mạch
Arterial Blood Pressure

ABP

Huyết áp động mạch
Heart Rate

HR

Tần số tim
Stroke Volume

SV

Thể tích tống máu
Stroke Volume Variation

SVV

Biến thiên thể tích tống máu
Pulse Pressure Variation

PPV

Biến thiên huyết áp
Systemic Vascular Resistance

SVR

Sức cản mạch hệ thống
Index of Left Ventricular Contractility

ILVC

Chỉ số co bóp thất trái

Tài liệu tham khảo

1. Go¨dje O, Peyerl M, Seebauer T, et al. Reproducibility of double-indicator dilution measurements of intrathoracic blood volume compartments, extravascular lung water, and liver function. Chest 1998; 113: 1070-1077

2. Sakka SG, Reinhart K, Meier-Hellmann A. Comparison of pulmonary artery and arterial thermodilution cardiac output in critically ill patients. Intensive Care Med 1999; 25: 843 - 846

3. Goedje O, Hoeke K, Lichtwarck-Aschoff M, et al. Continuous cardiac output by femoral arterial thermodilution calibrated pulse contour analysis: comparison with pulmonary arterial thermodilution. Crit Care Med 1999; 27: 2407-2412