Tra cứu  ›  QTKT khám-chữa bệnh  ›  QUY TRÌNH KỸ THUẬT KÍCH THÍCH TIM TẠM THỜI VỚI ĐIỆN CỰC NGOÀI LỒNG NGỰC

QUY TRÌNH KỸ THUẬT KÍCH THÍCH TIM TẠM THỜI VỚI ĐIỆN CỰC NGOÀI LỒNG NGỰC

Quyết định số: 1904/QĐ-BYT

Ngày ban hành: 30/05/2014 12:00

Đại cương

Tạo nhịp nhân tạo là biện pháp dùng tín hiệu điện từ bên ngoài, thông qua một thiết bị điện tử để kích thích cơ tim hoạt động trong trường hợp có rối loạn trong việc tạo xung điện ở tim hoặc rối loạn dẫn truyền dẫn đến nhịp chậm có triệu chứng.

- Máy tạo nhịp nhân tạo là một thiết bị điện giúp cung cấp tín hiệu điện làm cơ tim đập khi quá trình tạo nhịp vốn có của tim, hoặc hệ thống dẫn truyền trong tim hoạt động kém.

- Có 2 kiểu tạo nhịp nhân tạo: tạo nhịp tạm thời và tạo nhịp vĩnh viễn. Tạo nhịp vĩnh viễn được cấy vào trong cơ thể bằng thủ thuật ngoại khoa, sử dụng để điều trị các bệnh lý dẫn truyền lâu dài. Tạo nhịp tạm thời được chỉ định trong những tình huống cấp cứu để điều trị các rối loạn dẫn truyền thoáng qua hoặc dự phòng sớm các rối loạn nhịp. Tạo nhịp tạm thời có thể xâm nhập (đặt qua đường tĩnh mạch), hoặc không xâm nhập (qua thành ngực). Tạo nhịp tạm thời là biện pháp điều trị thường quy, cần phải luôn sẵn sàng như là một phần của cấp cứu ngừng tuần hoàn, cùng với khử rung, chuyển nhịp tim và cũng giúp theo dõi liên tục nhịp tim.

Chỉ định điều trị

(theo các mức độ chỉ định tuyệt đối giảm dần từ I đến II)

1. Mức độ I

- Có triệu chứng lâm sàng về huyết động rõ, bao gồm nhịp quá chậm và không đáp ứng với atropina. Triệu chứng có thể bao gồm huyết áp động mạch tâm thu < 80mmHg, suy giảm ý thức, đau ngực, phù phổi. 

2. Mức độ IIa

- Nhịp chậm với nhịp thoát thất không đáp ứng với điều trị thuốc

- Tạo nhịp cho những Người bệnh ngừng tim với nhịp chậm rõ, hoặc hoạt động điện mất mạch do quá liều thuốc, toan máu, hoặc rối loạn điện giải.

- Tạo nhịp chờ: chuẩn bị tạo nhịp cho Người bệnhnhồi máu cơ tim cấp có liên quan đến rối loạn nhịp tim

+ Rối loạn chức năng nút xoang có triệu chứng

+ Bloc nhĩ thất cấp 2, Mobitz II

+ Bloc nhĩ thất cấp 3b

+ Bloc nhánh P, T, hoặc bloc phân nhánh luân phiên, hoặc bloc 2 nhánh mắc phải mới xuất hiện.

3. Mức độ IIb

- Tạo nhịp vượt tần số với nhịp nhanh trên thất hoặc nhịp nhanh thất, trơ với điều trị thuốc hoặc chuyển nhịp

- Ngừng tim nhịp chậm hoặc vô tâm thu 

Ghi chú: 

a: Bao gồm bloc tim hoàn toàn, bloc cấp II có triệu chứng, hội chứng suy nút xoang có triệu chứng, nhịp chậm do thuốc (amiodaron, digô xyn, chẹn beta, chẹn kênh canxi, procainamid), hỏng máy tạo nhịp vĩnh viễn, nhịp chậm thất, rung nhĩ có triệu chứng với đáp ứng thất chậm, nhịp chậm trơ trong cấp cứu sốc giảm thể tích, rối loạn nhịp chậm với cơ chế thoát thất ác tính.

b: bloc nhĩ thất cấp II hoặc III không có triệu chứng một cách tương đối có thể gặp trong nhồi máu cơ tim thành dưới. Trong trường hợp này, tạo nhịp có thể dựa trên triệu chứng của nhịp chậm ngày càng xấu đi.

Chống chỉ định

- Không nên chỉ định tạo nhịp tim tạm thời cho người bệnh rối loạn nhịp ổn định, không có triệu chứng (ví dụ: bloc nhĩ thất cấp I, bloc nhĩ thất cấp IIMobitz I, hoặc nhịp thoát thất ổn định). Tuy nhiên, cũng có một số ngoại lệ, ví dụ: bloc nhĩ thất cấp II-Mobitz I với QRS giãn rộng, có thể làm chậm dẫn truyền dưới nút nhĩ thất, do đó có thể chuyển thành bloc nhĩ thất hoàn toàn.

- Nhịp chậm thứ phát sau hạ nhiệt độ sâu điển hình không cho phép thực hiện tạo nhịp tạm thời, vì kích thích điện của máy tạo nhịp có thể làm các rối loạn nhịp này trở nên nặng thêm, đe dọa tính mạng.

Chuẩn bị

1. Người thực hiện

- 02 bác sỹ chuyên ngành Hồi sức cấp cứu, có trình độ và đã được đào tạo về kỹ thuật này.

- 02 điều dưỡng chuyên ngành Hồi sức cấp cứu, đã được đào tạo về kỹ thuật này

2. Phương tiện, dụng cụ

2.1. Vật tư tiêu hao

- Găng sạch (4 đôi)                                            - Khẩu trang phẫu thuật (4 cái)

- Găng vô trùng (2 đôi)                                      - Gạc tiểu phẫu (3 gói)

- Mũ phẫu thuật (4 cái)                                       - Giấy điện tim (1 cuộn)

- Cồn rửa tay nhanh Anios gel (100 ml)               - Xà phòng sát khuẩn (20 ml)

- Máy điện tim tại giường

- Bộ điện cực dán thành ngực (gồm 2 điện cực dùng 1 lần): 1 bộ

- Máy sốc điện và tạo nhịp ngoài lồng ngực

- Máy theo dõi liên tục điện tim, huyết áp, nhịp thở, SpO2

2.2. Dụng cụ cấp cứu

- Chuẩn bị sẵn sàng nhóm Người thực hiện có đủ trình độ tiến hành ép tim ngoài lồng ngực. 

- Bộ dụng cụ đặt ống nội khí quản

- Máy sốc điện ngoài lồng ngực

- Nhóm Người thực hiện đủ trình độ thực hiện thủ thuật đặt máy tạo nhịp tạm thời

- Máy thở và hệ thống chăm sóc hô hấp

- Các phương tiện phục vụ chăm sóc và điều trị Người bệnh nặng (Người bệnh trong tình trạng sốc hoặc cần thông khí nhân tạo…)

3. Người bệnh

3.1. Giải thích cho người bệnh và gia đình: giải thích sự cần thiết, tính hiệu quả và các tác dụng phụ của kỹ thuật tạo nhịp ngoài lồng ngực

3.2. Tư thế người bệnh: không đòi hỏi các tư thế đặc biệt, người bệnh vẫn có thể nằm thẳng hoặc nghiêng trong khi được tạo nhịp tạm thời qua thành ngực

3.3. Nơi thực hiện kỹ thuật: tại giường bệnh khoa Hồi sức 

4. Hồ sơ bệnh án:

- Người bệnh hoặc gia đình ký cam kết đồng ý thực hiện kỹ thuật

- Phiếu ghi chép quá trình tiến hành kỹ thuật và theo dõi

Các bước tiến hành

1. Kiểm tra hồ sơ

- Kiểm tra chỉ định, chống chỉ định và giấy cam kết đồng ý tiến hành kỹ thuật

2. Kiểm tra người bệnh

- Kiểm tra đúng tên, tuổi, số giường, chẩn đoán

- Kiểm tra các chức năng sống xem có thể tiến hành thủ thuật được không

- Đảm bào người bệnh đã được làm đầy đủ xét nghiệm (xét nghiệm cơ bản, khí máu động mạch, điện tim… và các xét nghiệm khác phục vụ chẩn đoán nguyên nhân gây rối loạn nhịp), và được áp dụng các biện pháp điều trị cần thiết. 

- Mắc máy theo dõi liên tục điện tim, huyết áp, nhịp thở, SpO2

3. Thực hiện kỹ thuật

3.1. Bật máy sốc điện sẵn sàng, lắp điện cực theo dõi điện tim trên máy sốc điện

3.2. Làm sạch và lau khô toàn bộ vùng da sẽ dán điện cực (nếu tại chỗ có nhiều lông cũng cần làm sạch để đảm bảo điện cực tiếp xúc hoàn toàn trên bề mặt da)

3.3. Đặt điện cực trên da theo hướng dẫn của nhà sản xuất: trước - Sau hoặc trước - bên (hình 1, hình 2). Thường đặt điện cực theo vị trí trước - bên: điện cực âm được đặt ngay sát bên ngoài mỏm tim, điện cực dương được đặt sát bờ trái xương ức. 

3.4. Hai điện cực phải cách nhau ít nhất 7,5 cm. Không đặt ngược điện cực. 

3.5. Kết nối 2 điện cực tạo nhịp này với máy sốc điện

3.5. Điều chỉnh tần số tim và ngưỡng tạo nhịp tùy theo tình trạng rối loạn nhịp của người bệnh

Tai biến và xử trí

- Cảm giác nóng, bỏng rát hoặc ban đỏ/nốt phỏng tại chỗ đặt điện cực tạo nhịp: giải thích và dặn người bệnh/gia đình để kịp thời phát hiện tình trạng này. 

- Co cơ, có thể gây đau: chú ý đặt cường độ kích thích phù hợp, đảm bảo điện cực tiếp xúc tốt trên da. Tránh đặt điện cực trực tiếp lên tổn thương hoặc xương (xương ức, cột sống, xương bả vai). Nếu cần có thể chỉ định thuốc an thần/giảm đau cho người bệnh. 

Tài liệu tham khảo

1. Brian Olshansky, MD. Temporary cardiac pacing. UpToDate Jul 2012. (www.uptodate. Com/contents/temporary-cardiac- Pacing)

2. Ali A Sovari. Transcutaneous Cardiac Pacing. From Medscape. Com, update Dec 3, 2012. 

3. Philips Healthcare (part of Royal Philips Electronics). Non-invasive Transcutaneous Pacing. Published Apr.2009, Edition 1; 1-10. (www.philips.Com/heartstart)