Tra cứu  ›  QTKT khám-chữa bệnh  ›  QUY TRÌNH KỸ THUẬT ĐO ÁP LỰC BUỒNG TIM, ÁP LỰC ĐỘNG MẠCH PHỔI BẰNG CATHETER SWAN-GANZ

QUY TRÌNH KỸ THUẬT ĐO ÁP LỰC BUỒNG TIM, ÁP LỰC ĐỘNG MẠCH PHỔI BẰNG CATHETER SWAN-GANZ

Quyết định số: 1904/QĐ-BYT

Ngày ban hành: 30/05/2014 12:00

Đại cương

Catheter động mạch phổi cung cấp các thông số:

- Đo trực tiếp các thông số áp lực: tĩnh mạch trung tâm, trong tim phải, động mạch phổi, động mạch phổi bít. 

- Kỹ thuật hòa loãng nhiệt được sử dụng để tính CO, các thông số huyết động khác: sức cản mạch phổi và mạch hệ thống, máu tĩnh mạch trộn để xác định khả năng ôxy hóa máu của phổi. 

- Ngoài ra, khi hút được các mẫu máu trong đầu catheter có thể chẩn đoán được ung thư hạch và tắc mạch mỡ. 

Chỉ định điều trị

1. Chẩn đoán

- Chẩn đoán phân biệt các nguyên nhân của sốc:

+ Sốc tim. 

+ Sốc giảm thể tích. 

+ Sốc do rối loạn phân bố. 

+ Sốc do tắc nghẽn (PE lớn)

- Chẩn đoán phân biệt nguyên nhân phù phổi:

+ Do tim mạch

+ Không do tim mạch. 

- Đánh giá tình trạng tăng áp lực mạch phổi. 

- Chẩn đoán ép tim cấp. 

- Chẩn đoán tình trạng Shunt phải trái

- Chẩn đoán di căn của khối u lympho hoặc tắc mạch mỡ. 

2. Điều trị

- Kiểm soát Người bệnh trước phẫu thuật có tình trạng tim mạch không ổn định. 

- Kiểm soát các biến chứng ở Người bệnh nhồi máu cơ tim. 

- Kiểm soát Người bệnh trước phẫu thuật tim. 

- Kiểm soát Người bệnh tiền sản giật nặng. 

- Hướng dẫn trên lâm sàng sử dụng các thuốc: vận mạch, trợ tim, giãn mạch (đặc biệt đối với Người bệnh tăng áp lực mạch phổi)

- Hướng dẫn trên lâm sàng việc điều trị: kiểm soát dịch, chảy máu tiêu hóa, chấn thương có chảy máu ngoài, Bỏng, Suy thận, nhiễm trùng, Suy tim và xơ gan mất bù. 

- Kiểm soát việc thở máy (điều chỉnh mức PEEP tốt nhất để có được ôxy đảm bảo)

Chống chỉ định

Trong các trường hợp chống chỉ định đặt catheter động mạch phổi

Chuẩn bị

1. Người thực hiện

02 bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu đã được đào tạo về Kỹ thuật đặt catheter Swan-Ganz.

01 điều dưỡng Phương tiện, dụng cụ và Người bệnh. 

2. Phương tiện, dụng cụ

2.1. Vật tư tiêu hao

- Cồn betadin sát khuẩn 10% 1 lọ

- Bông sát khuẩn

- Giấy ghi chép số liệu

2.2. Dụng cụ cấp cứu

- Bộ mở màng phổi và máy hút áp lực âm liên tục

2.3. Các chi phí khác

- Máy theo dõi áp lực (Nihon Kohden, …): theo dõi liên tục điện tim, SPO2, các thông số áp lực. 

- Hệ thống buồng áp lực kín: chuyển tín hiệu áp lực thành tín hiệu hiển thị trên màn hình theo dõi. 

3. Người bệnh

- Giải thích cho Người bệnh hoặc gia đình người bệnh. 

- Cân nhắc sử dụng thuốc an thần hoặc giảm đau. 

- Kết nối các thiết bị theo dõi: điện tim, SPO2, huyết áp động mạch, cổng theo dõi áp lực qua catheter động mạch phổi. 

- Đặt sẵn một đường truyền để có thể cấp cứu khi cần trong quá trình đặt catheter động mạch phổi. 

- Chuẩn bị tư thế người bệnh:

+ Nâng giường lên độ cao phù hợp. 

+ “Zeroing” hệ thống theo dõi áp lực

4. Hồ sơ bệnh án

- Giải thích về Kỹ thuật cho Người bệnh và gia đình Người bệnh và kí cam kết đồng ý làm thủ thuật. 

- Phiếu ghi chép thủ thuật. 

Các bước tiến hành

1. Kiểm tra hồ sơ: Kiểm tra lại chỉ định, chống chỉ định và giấy cam kết đồng ý thủ thuật.

2. Kiểm tra lại người bệnh: Các chức năng sống xem có thể tiến hành thủ thuật được không. 

3. Thực hiện Kỹ thuật:

- Cách thức đặt catheter động mạch phổi (Xem quy trình Kỹ thuật đặt catheter động mạch phổi)

- Kiểm tra các đường đo áp lực thông thoáng, nếu nghi tắc nghẽn thì phải giải quyết nguyên nhân tắc nghẽn rồi mới tiến hành đo. 

- Đo các thông số huyết động qua catheter Swan-Ganz: Sử dụng máy Hewlett Packard.

+ Đo CVP: nối phần đầu gần với bộ phận đo áp lực. 

+ Đo áp lực động mạch phổi: nối đầu xa với bộ phận đo áp lực. 

+ Sau khi đo áp lực động mạch phổi: bơm bóng dưới 15 giây để đo áp lực mao mạch phổi bít. 

Tai biến và xử trí

Trong quá trình đo có thể gặp một số biến chứng:

- Tràn máu màng phổi

- Tắc động mạch phổi do bơm bóng bít quá lâu

- Vỡ bóng chèn trong quá trình đo. 

Tùy theo các tình huống mà tiến hành xử trí phù hợp

Tài liệu tham khảo

1. Vũ Văn Đính và CS (2003), “ốc nhiễm khuẩn”, Hồi sức cấp cứu toàn tập, Nhà xuất bản Y học, 8: 202 - 209. 

2. Bùi Thị Hương Giang, Nguyễn Đăng Tuân, Bùi Văn Tám, Đặng Quốc Tuấn (2009), “Đánh giá sự thay đổi các thông số huyết động ở Người bệnh sốc nhiễm khuẩn thời điểm nhập viện bằng ống thông Swan-Ganz”, Tạp chí Y học Việt Nam, Tập 359 Số 2: 4 -8.

3. C. William Hanson (2009), Procedures in critical care, McGraw Hill. 

4. Eric F. R, Robert R. S (2008), Emergency medicine procedures, McGraw Hill. 

5. Gloria Oblouk Darovic et al(2004). Hemodynamic monitoring, the second edition. 

6. Gordon R. Bernard et al (2000), “Pulmonary artery catheterization and clinical outcomes”, Jama, 283: 2569-73. 

7. Harvey S, Harrison DA, Singer M, Ashcroft J, Jones CM, Elbourne D, et al (2005), “Assessment of the clinical effectiveness of pulmonary artery catheters in management of patients in intensive care (PAC-Man): a randomised controlled trial”, TheLancet, 366(9484): 472-7. 

8. Leatherman JW, Marini JJ (1998), “Pulmonary artery catheterization: interpretation of pressure recordings. In: Tobin MJ, ed. Principles and practice of intensive care monitoring”, New York: McGraw-Hill, 1998: 821 - 837. 

9. Paul L. M (2007). The ICU book, the third edition. 

10. Pinsky M. R (2003), “Hemodynamic monitoring in the intensive care unit”, Clin Chest Med, 24: 549-560. 

11. Wheeler AP, Bernard GR, Thompson BT, Schoenfeld D, Wiedemann HP, deBoisblanc B, et al (2006), “Pulmonary-artery versus central venous catheter to guide treatment of acute lung injury”, N Engl J Med, 354(21): 2213-24.