Tra cứu  ›  QTKT khám-chữa bệnh  ›  QUY TRÌNH KỸ THUẬT ĐẶT CATHETER TĨNH MẠCH ĐÙI ĐỂ LỌC MÁU CẤP CỨU

QUY TRÌNH KỸ THUẬT ĐẶT CATHETER TĨNH MẠCH ĐÙI ĐỂ LỌC MÁU CẤP CỨU

Quyết định số: 1904/QĐ-BYT

Ngày ban hành: 30/05/2014 12:00

Đại cương

Đặt catheter tĩnh mạch đùi để lọc máu cấp cứu là một kỹ thuật y khoa được thực hiện để tạo lập một đường dẫn máu đủ lớn liên kết với hệ thống lọc máu. 

Chỉ định điều trị

Cho các kỹ thuật lọc máu ngoài cơ thể bao gồm: Lọc máu ngắt quãng (Thận nhân tạo), lọc máu liên tục, thay huyết tương, lọc máu hấp phụ... 

Chống chỉ định

1. Tiểu cầu < 50.000/mm3

2. Rối loạn chảy máu quá nặng

3. Nhiễm trùng, chấn thương, bất thường giải phẫu vùng chọc. 

4. Người bệnh không hợp tác. 

Chuẩn bị

1. Người thực hiện

+ 01 bác sỹ chuyên khoa được đào tạo về thủ thuật. 

+ 01 điều dưỡng đã được đào tạo về phụ giúp bác sỹ làm thủ thuật. 

2. Người bệnh

- Người bệnh nếu còn tỉnh hoặc người nhà Người bệnh được giải thích kỹ về lợi ích và nguy cơ của kỹ thuật, ký giấy cam kết làm thủ thuật. 

- Tư thế nằm ngửa, đầu bằng, dạng chân, bàn chân xoay ra ngoài. Bộc lộ vùng bẹn đủ rộng. Nếu giường lõm kê gối dưới mông. 

- Đánh dấu vị trí chọc, điểm chọc là điểm cách đường thẳng song song với động mạch đùi 1 cm và cách nếp lằn bẹn khoảng 2 cm phía trong động mạch đùi. 

3. Phương tiện

+ Gói dụng cụ rửa tay sát khuẩn

+ Bộ dụng cụ bảo hộ cá nhân

+ Bộ dụng cụ đặt catheter vô khuẩn

+ Bộ dụng cụ, thuốc thủ thuật

+ Catheter tĩnh mạch loại chuyên dùng để lọc máu (Gồm có: Bơm tiêm dẫn đường, catheter tĩnh mạch trung tâm, dây dẫn đường, kim nong, dao phẫu thuật). 

4. Nơi làm thủ thuật

Buồng bệnh dành cho lọc máu đã khử khuẩn. 

Các bước tiến hành

Bác sỹ thực hiện, điều dưỡng phối hợp theo các bước sau:

1. Bước kiểm tra

+ Kiểm tra Người bệnh bao gồm chỉ định, chống chỉ định. 

+ Kiểm tra hồ sơ bệnh án, giấy cam kết. 

2. Các bước tiến hành

2.1. Bác sỹ: đội mũ, đeo khẩu trang, rửa tay, mặc áo, đi găng vô khuẩn. 

2.2. Khử khuẩn vùng chọc; trải săng vô khuẩn có lỗ, chỉ để hở vùng chọc. 

2.3. Chuẩn bị catheter tĩnh mạch trung tâm: làm đầy dịch vào catheter, chú ý không để khí lọt vào catheter. 

2.4. Xác định vị trí chọc. Trước đó, có thể dùng máy siêu âm với đầu dò linear để định hướng vị trí chọc (đảm bảo Quy trình vô khuẩn). Gây tê tại chỗ chọc bằng Lidocain. 

2.5. Chọc bơm tiêm dẫn đường vào vị trí đã được định hướng. Nếu không có siêu âm hướng dẫn có thể dùng kim thăm dò. Đảm bảo bơm tiêm dẫn đường vào trong lòng tĩnh mạch (thấy máu màu thẫm, chảy ra từ từ). 

2.6. Luồn dây dẫn đường trong nòng bơm tiêm dẫn đường đã chọc đến vị trí phù hợp, sau đó rút bơm tiêm dẫn đường đồng thời giữ nguyên vị trí dây dẫn đường, dùng dao phẫu thuật trích và nong da và tổ chức dưới da bằng kim nong. 

2.7. Luồn catheter tĩnh mạch trung tâm theo dây dẫn đường đến vị trí phù hợp, rút dây dẫn đường ra ngoài. Kiểm tra sự lưu thông máu của catheter để đảm bảo lưu thông tốt.

2.8. Khâu cố định catheter, sát khuẩn và dán băng dính vào vị trí chọc, chống đông cho catheter bằng cách tiêm vào mỗi nhánh catheter 1, 2 ml heparin. 

2.9. Ghi hồ sơ bệnh án. 

Tai biến và xử trí

- Nhiễm khuẩn nơi chọc và nhiễm khuẩn huyết: rút ống thông, cấy đầu ống, dùng kháng sinh. 

- Tắc ống thông: thông bằng bơm hút máu ra ngoài, không bơm vào để tránh tắc mạch và nguy cơ nhiễm trùng. 

- Tắc mạch do hơi, không khí lọt và ống thông: nằm đầu dốc, nghiêng trái. 

- Máu tụ: băng ép, cầm máu, truyền chế phẩm máu nếu cần. 

- Dò động tĩnh mạch: xử trí ngoại khoa

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Y tế (1999), Hướng dẫn Quy trình kỹ thuật bệnh viện, Tập I, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội. 

2. Phạm Duệ, Đặng Quốc Tuấn (2012), “Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật lọc máu ngoài cơ thể trong điều trị ngộ độc cấp nặng, có biến chứng”, Đề tài cấp Bộ Y tế. 

3. Stephen M. Rupp (2012), “Practice Guideline for Central Venous Access”, Anesthesiology, V116, No.3,539-573.