Tra cứu  ›  QTKT khám-chữa bệnh  ›  QUY TRÌNH KỸ THUẬT CHĂM SÓC MẮT Ở NGƯỜI BỆNH HÔN MÊ (Một lần)

QUY TRÌNH KỸ THUẬT CHĂM SÓC MẮT Ở NGƯỜI BỆNH HÔN MÊ (Một lần)

Quyết định số: 1904/QĐ-BYT

Ngày ban hành: 30/05/2014 12:00

Đại cương

- Chăm sóc mắt giúp mắt phục hồi hạn chế tổn thương như phù nề kết mạc, loét giác mạc, dẫn tới thủng giác mạc hay mù. 

- Công tác chăm sóc mắt không thể thiếu đối với Người bệnh hôn mê, liệt (mắt không tự chớp hoặc nhắm được kín)

Chỉ định điều trị

- Đối với tất cả các Người bệnh bị hôn mê, liệt

- Người bệnh thở máy

Chống chỉ định

Không có

Chuẩn bị

1. Người thực hiện: 02 Điều dưỡng

2. Phương tiện

STT           Dụng cụ                                                                  Đơn vị              Số lượng

1                Dụng cụ tiêu hao                                                    gói                  01

2                Dụng cụ rửa tay, sát khuẩn                                     gói                  01

3                Dụng cụ bảo hộ                                                     bộ                   01

4                Dụng cụ thủ thuật                                                   bộ                   01

5                Dụng cụ chăm sóc, thay băng vô khuẩn                   bộ                   01

6                Thuốc nhỏ mắt theo chỉ định                                   lọ                    01

7                Natriclorua 0,9%                                                     ml                    200

8                Tấm ni lông                                                             cái                   01

9                Túi đựng đồ bẩn                                                     cái                   01

3 Người bệnh

- Giải thích cho Người bệnh biết hoặc gia đình Người bệnh về việc chăm sóc mắt sắp được tiến hành để họ cùng hợp tác. 

- Giải thích việc phải tra thuốc mắt nhiều lần/ngày theo giờ và theo từng loại thuốc. 

4. Phiếu theo dõi Người bệnh

Các bước tiến hành

3.1 Điều dưỡng 1

- Kiểm tra hồ sơ bệnh án, xem chỉ định và các thuốc được dùng

- Kiểm tra đối chiếu với người bệnh (tên, tuổi, số giường)

- Đặt tư thế người bệnh thích hợp:

+ Nằm ngửa đầu cao 30 - 45 độ (đối với Người bệnh bình thường)

+ Nằm ngửa đầu bằng (đối với Người bệnh tụt huyết áp)

3.2. Điều dưỡng 2

- Thực hiện kỹ thuật: (thời gian khoảng từ 15-30 phút)

+ Rửa tay đội mũ đeo khẩu trang

+ Lau rửa mắt: dùng gạc củ ấu thấm ẩm (vắt kiệt) nước muối sinh lý lau dọc hai bờ mi, từ góc ngoài vào góc trong cho tới khi sạch. Sau đó lau dọc vùng da quanh mi mắt, tiếp theo dùng bông khô làm tương tự. 

+ Đồng thời đánh giá mức độ tổn thương, hay tiến triển của mắt:

+ Xem có phù nề

+ Viêm kết mạc

+ Có loét không…

- Nhỏ thuốc vào góc trong của mắt, sao cho thuốc dàn đều khắp mắt (tránh để chạm đầu ống thuốc vào mắt)

- Trong trường hợp phải tra nhiều loại thuốc: mỗi loại cần cách nhau 5 - 10 phút (thuốc dạng nước tra trước, tiếp theo là dạng dầu, ví dụ: dầu vitamin A, hay dạng mỡ).

- Băng mắt: đặt miếng gạc bông vô khuẩn lên mắt và băng bằng 1 dải băng dính (băng chéo). 

- Nếu mắt sạch không viêm, không nhiễm khuẩn, không phải nhỏ thuốc theo giờ thì có thể dùng băng dính kéo mí mắt xuống để khép kín mắt mà không cần băng gạc. 

- Thuốc tra mắt: lập bảng tra mắt theo giờ. 

- Rửa tay thu dọn dụng cụ, ghi phiếu theo dõi diều dưỡng

- Hướng dẫn: (điều dưỡng 1)

+ Giữ vệ sinh giường nằm, chăn gối đệm và khu vực quanh giường nằm Người bệnh để tránh yếu tố nặng thêm. 

+ Không tự ý tháo băng khi không được phép

+ Rửa tay bằng xà phòng trước khi tra thuốc nhỏ mắt cho Người bệnh

+ Dinh dưỡng đầy đủ cho Người bệnh

Tai biến và xử trí

Nhiễm khuẩn mắt: cần báo ngay cho bác sĩ điều trị hoặc bác sĩ chuyên khoa mắt (để có hướng điều trị kịp thời)

Tổn thương giác mạc. 

Viêm giác mạc do chăm sóc không đảm bảo vô khuẩn. 

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Đạt Anh (2009), “Chăm sóc Người bệnh hôn mê”, Điều dưỡng hồi sức cấp cứu, Nhà xuất bản giáo dục, trang 96- 103. 

2. Lê Ngọc Trọng (2004), “Cấp cứu và điều trị bỏng do acid”, Hướng dẫn quy trình chăm sóc người bệnh tập II, Bộ Y tế, Nhà xuất bản y học, trang 106 - 107.