Các bài viết liên quan
- QUY TRÌNH VẬN CHUYỂN NGƯỜI BỆNH ĐI LÀM CÁC THỦ THUẬT CAN THIỆP VÀ CHỤP CHIẾU Ở NGƯỜI BỆNH HỒI SỨC
- QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRUYỀN DỊCH BẰNG MÁY TRUYỀN DỊCH
- QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRUYỀN THUỐC BẰNG BƠM TIÊM ĐIỆN
- QUY TRÌNH KỸ THUẬT THAY BĂNG VẾT MỔ Ở NGƯỜI BỆNH HỒI SỨC CẤP CỨU VÀ CHỐNG ĐỘC
- QUY TRÌNH KỸ THUẬT CHĂM SÓC VẾT LOÉT Ở NGƯỜI BỆNH HỒI SỨC CẤP CỨU VÀ CHỐNG ĐỘC
- QUY TRÌNH KỸ THUẬT DỰ PHÒNG LOÉT Ở NGƯỜI BỆNH HỒI SỨC CẤP CỨU VÀ CHỐNG ĐỘC
- QUY TRÌNH KỸ THUẬT THỬ ĐƯỜNG MÁU MAO MẠCH
- QUY TRÌNH KỸ THUẬT GỘI ĐẦU Ở NGƯỜI BỆNH HỒI SỨC CẤP CỨU VÀ CHỐNG ĐỘC
- QUY TRÌNH KỸ THUẬT CHĂM SÓC ỐNG DẪN LƯU Ở NGƯỜI BỆNH HỒI SỨC CẤP CỨU VÀ CHỐNG ĐỘC
- QUY TRÌNH KỸ THUẬT CHĂM SÓC RĂNG MIỆNG ĐẶC BIỆT
QUY TRÌNH KỸ THUẬT ĐẶT ỐNG THÔNG BLAKEMORE
Quyết định số: 1904/QĐ-BYT
Ngày ban hành: 30/05/2014 12:00
Đại cương
Ống thông Blakemore là ống thông có hai bóng được sử dụng để cầm máu trong điều trị xuất huyết tiêu hóa do vỡ tĩnh mạch thực quản. Bóng tròn (bóng dạ dày) để bịt và ép vào lỗ tâm vị, bóng dài (bóng thực quản) được bơm căng để ép vào các tĩnh mạch giãn.
Chỉ định điều trị
Các trường hợp xuất huyết tiêu hóa nghi do vỡ tĩnh mạch thực quản. Nếu chưa chẩn đoán xác định xuất huyết tiêu hóa do chảy máu dạ dày hay vỡ tĩnh mạch thực quản thì đặt ống thông này có tác dụng theo dõi cả xuất huyết dạ dày và giúp chẩn đoán xác định.
Chuẩn bị
1. Người thực hiện
-Một bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu.
-Một người phụ đưa dụng cụ.
-Khử khuẩn tay, đeo khẩu trang.
2. Phương tiện
-Ống thông Blakemore.
-Dầu paraphin hay mỡ xylocain, bơm phun.
-Bơm tiêm 50 ml, đầu nối.
-Dây nối và đầu nối để dẫn lưu dịch và máu ở dạ dày vào lọ hay túi chất dẻo, dây vải buộc cố định ống thông Blakemore dài 50 - 70cm.
-Đèn soi thanh quản, kẹp Magill, đèn Clar và mỏ vịt mũi.
-Máy hút các loại, ống thông các loại.
-Bơm tiêm 2ml, kim vô khuẩn hai chiếc.
-Atropin 0,25 mg, 4 - 6 ống.
-Gạc vô khuẩn.
-Kiểm tra hai bóng có thủng không bằng cách bơm 50 ml không khí vào mỗi bóng và ngâm vào chậu nước xem bóng có thủng không
-Nếu bóng còn tốt, lấy hết khí ra bằng bơm tiêm, bôi dầu paraphin quanh bóng và đầu ống thông.
-Nếu bóng thủng mà cứ đưa vào thực quản sẽ gây nguy hiểm cho người bệnh vì gây chảy máu nhiều thêm.
3. Người bệnh
a. Người bệnh tỉnh: nằm ngửa hoặc tư thế nửa nằm nửa ngồi (Fowler).
b. Người bệnh mê nằm ngửa, đầu thấp.
cTiêm trước 0,5mg atropin tĩnh mạch.
d. Giải thích cho người bệnh các bước tiến hành và động viên người bệnh hợp tác với người làm thủ thuật.
4. Hồ sơ bệnh án
Giải thích về kỹ thuật cho Người bệnh, gia đình Người bệnh và kí cam kết đồng ý kỹ thuật, phiếu ghi chép theo dõi thủ thuật.
Các bước tiến hành
1. Soi mũi xem lỗ nào thông nhất.
2. Gây tê ống mũi bằng bơm phun xylocain.
3. Bôi dầu paraphin vào hai bóng và đầu ống thông.
4. Đưa ống thống thẳng góc với mặt người bệnh. Khi ống thông đã vào đến họng.
a. Nếu người bệnh tỉnh táo bảo người bệnh nuốt rồi đẩy thêm sau. Nếu không kết quả bảo người bệnh uống từng ngụm nước nhỏ, lợi dụng lúc người bệnh nuốt rồi đẩy ống thông vào. Sau mỗi lần nuốt bảo người bệnh thở sâu và đều, lấy lại bình tĩnh. Nếu sặc hoặc nôn, phải hút ngay dịch ở miệng, họng bằng một ống thông to nối với máy hút.
b. Nếu người bệnh hôn mê: phải đặt ống nội khí quản có bóng chèn trước khi đặt ống thông để tránh sặc vào phổi. Kê gối dưới đầu người bệnh để đầu gập lại rồi đẩy ống thông từ từ. Nếu vướng không vào phải soi bằng đèn soi thanh quản qua mồm rồi dùng kẹp Magill kẹp ống thông đẩy dần dần vào.
5. Đẩy ống thông đến vạch thứ ba (ống thông đã nằm trong dạ dày) kiểm tra thấy có dịch vị chảy ra.
6. Bơm 20 ml khí vào bóng dạ dày (bóng tròn) và từ từ kéo ống thông ra cho đến khi bóng ép sát vào tâm vị, ta có cảm giác vướng không kéo ra được nữa.
7. Ống thông được kéo bằng một hệ thống ròng rọc nối với một lưỡi gà bằng cao su nặng khoảng 100 - 150g.
8. Bơm 60 - 80 ml khí vào bóng thực quản để duy trì áp lực trong bóng khoảng 40 - 50mmHg. Nếu máu tươi vẫn chảy ra có thể bơm đến 100 ml khí, nhưng không được quá thể tích này.
9. Kiểm tra vị trí của ống thông bằng chụp X quang tại giương. Vị trí tốt nhất của ống thông là nằm ngay dưới cơ hoành và ở dưới tim một chút.
Tai biến và xử trí
Chảy máu cam: phải cầm máu tại chỗ khi đặt ống thông.
Nhịp tim chậm hoặc ngừng tim: hồi sức cấp cứu.
Hoại tử thực quản nặng: xem xét can thiệp ngoại khoa.
Suy hô hấp: thông khí nhân tạo.
Trào ngược dịch dạ dày: đặt ống nội khí quản có bóng chèn, hút dịch.
Tài liệu tham khảo
1. Vũ Văn Đính, Đặt ống thông Blakemore, Hồi sức cấp cứu toàn tập, Nhà xuất bản Y học, trang 580 - 583.
2. Chien JY, Yu CJ. Images in clinical medicine. Malposition of a Sengstaken-Blakemore tube. N Engl J Med.2005 Feb 24; 352(8)