Tra cứu  ›  QTKT khám-chữa bệnh  ›  QUY TRÌNH KỸ THUẬT LỌC MÁU HẤP PHỤ BILIRUBIN TRONG ĐIỀU TRỊ SUY GAN CẤP

QUY TRÌNH KỸ THUẬT LỌC MÁU HẤP PHỤ BILIRUBIN TRONG ĐIỀU TRỊ SUY GAN CẤP

Quyết định số: 1904/QĐ-BYT

Ngày ban hành: 30/05/2014 12:00

Đại cương

Kỹ thuật lọc máu với quả lọc hấp phụ Bilirubin là kỹ thuật cho máu đi qua dù 2 quả lọc (quả thứ nhất có tác dụng tách huyết tương ra khỏi máu, sau đó huyết tương đi qua quả lọc thứ 2 có tác dụng hấp phụ Bilirubin) sau đó huyết tương được quay trở về tĩnh mạch cùng với các thành phần hữu hình của máu như hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu, phương pháp này được ứng dụng trong điều trị hội chứng suy gan cấp phòng ngừa hội chứng bệnh não do gan, kết hợp tìm và điều trị nguyên nhân chờ cho gan hồi phục. 

Phương pháp này có ưu điểm là không dùng huyết tương tươi đông lạnh hay các chất thay thế khác nên rất an toàn, tuy giá thành cao hơn phương pháp khác. 

Chỉ định điều trị

- Suy gan cấp có bilirubin máu > 250 mmol/l

- Bệnh não do gan giai đoạn I - II

Chống chỉ định

Không có chống chỉ định tuyệt đối, tuy nhiên cần thận trọng chỉ định trong các trường hợp sau:

-Không nâng được huyết áp tâm thu ≥ 90 mmHg bằng các biện pháp truyền dịch và thuốc vận mạch.

-Rối loạn đông máu nặng, giảm tiểu cầu < 50G/l

-Bệnh não do gan giai đoạn III-IV, hoặc suy gan mãn tính giai đoạn cuối

Chuẩn bị

1. Người thực hiện

-Một bác sỹ được đào tạo về kỹ thuật lọc máu liên tục, và lọc máu hấp phụ và kỹ thuật đặt cathter 2 nòng theo phương pháp Seldinger. 

-Hai điều dưỡng đã được đào tạo về kỹ thuật lọc máu liên tục, trong đó một người phụ đặt catheter tĩnh mạch chuẩn bị đường vào mạch máu, điều dưỡng còn lại chuẩn bị máy lọc máu. 

2. Người bệnh

2.1. Vật tư tiêu hao

Bộ quả lọc (2 quả) dây dẫn, 

Túi đựng dịch thải

Kaliclorua (ống 0,5g/5 ml)

Heparin 25 000 UI (5 ml)

Natri cloride 0,9% 1000 ml, natribicarbonate 0,14%

Găng vô trùng, găng khám

Kim lấy thuốc, dây truyền

Bơm tiêm các loại 1 ml, 5 ml, 10 ml, 20 ml, 50 ml

Băng dính bản rộng, iodine 10%

Mũ phẫu thuật, khẩu trang phẫu thuật

2.2. Dụng cụ cấp cứu

- Bộ đặt nội khí quản

- Hộp cấp cứu sốc phản vệ

2.3. Các chi phí khấu hao khác

Máy lọc máu hấp phụ có chức năng lọc kép, bộ làm ấm, băng chun cố định, cầm máu, panh có mấu, không mấu, kéo thẳng nhọn, hộp bông cồn, khay quả đậu inox nhỡ, ống cắm panh inox, săng lỗ vô trùng, áo mổ, dung dịch rửa tay, xà phòng rửa tay, Cồn trắng 90o. 

Lắp hệ thống giây, quả vào máy lọc máu, mồi dịch và tét máy (xem thêm quy trình lắp giây quả, mồi dịch và tét máy lọc. 

Người bệnh:

- Giải thích cho Người bệnh và người nhà Người bệnh. 

- Người bệnh nằm đầu cao 30o nếu không có chống chỉ định

- Đặt catheter 02 nòng tĩnh mạch bẹn hoặc catheter tĩnh mạch cảnh trong (xem quy trình đặt catheter tĩnh mạch trung tâm)

- Đảm bảo hô hấp và huyết động trước lọc máu

4. Hồ sơ bệnh án

Giải thích về kỹ thuật cho Người bệnh, gia đình Người bệnh và kí cam kết đồng ý kỹ thuật. 

Các bước tiến hành

1. Kiểm tra hồ sơ: kiểm tra lại chỉ định, chống chỉ định và giấy cam kết đồng ý tham gia kỹ thuật. 

2. Kiểm tra lại Người bệnh: các chức năng sống xem có thể tiến hành thủ thuật được không. 

3. Thực hiện kỹ thuật

3.1. Kết nối và vận hành các bơm

Kết nối hệ thống tuần hoàn của máy lọc máu hấp phụ với tĩnh mạch của người bệnh thông qua catheter 2 nòng đã được chuẩn bị trước. 

- Vận hành các bơm:

+ Bơm máu: trường hợp huyết động ổn định bắt đầu tốc độ 100 ml/h tăng dần mỗi 5 phút 20 ml đến khi đạt tốc độ đích, trường hợp huyết động không ổn định bắt ở tốc độ 60 ml/phút, tăng dần mỗ 5 phút 20 ml đến khi đạt tốc độ đích (chú ý nếu huyết áp tụt sau mỗi lần tăng phải chờ cho huyết áp ổn định mới tăng tiếp)

+ Bơm tách huyết tương chỉ bắt đầu vận hành khi bơm máu đã đạt đích và huyết áp Người bệnh ổn định

+ Các thông số đích cần cài đặt: tốc độ máu 100 - 150 ml/phút, tốc độ tác huyết tương và hấp phụ huyết tương không quá 40% tốc độ bơm máu. 

- Sử dụng chống đông trong suốt quá trình lọc máu liên tục (xem thêm quy trình dùng chống đông trong lọc máu liên tục)

- Thời gian lọc máu lọc máu 1 quả lọc: từ 18 - 22 giờ

- Tiêu chuẩn ngưng lọc máu: tùy theo từng chỉ định lọc máu trong bệnh cảnh cụ thể (xem thêm quy trình lọc máu cho từng bệnh cảnh cụ thể).

3.2. Kết thúc lọc máu

- Ngừng chống đông (nếu có) 30 phút trước khi kết thúc

- Ngừng các bơm tách huyết tương

- Giảm dần tốc độ máu về 100 ml/giờ

- Dồn máu trả lại cơ thể bằng cách kết nối đường hút dịch vào máy với dịch natriclorua 0,9%.

Tai biến và xử trí

-Chảy máu: có thể do rối loạn đông máu trong bệnh cảnh nhiễm khuẩn hoặc do quá liều thuốc chống đông hoặc phối hợp, xử trí truyền thêm các chế phẩm máu nếu có chỉ định, nếu do quá liều chống đông phải điều chỉnh lại liều chống và dùng protamin sulfate nếu cần. 

-Tắc quả lọc: thường do sử dụng chống đông chưa phù hợp cần điều chỉnh liều thuốc chống đông và thay quả lọc nếu có chỉ định. 

-Rối loạn điện giải: tuân thủ đúng quy trình theo dõi xét nghiệm định kỳ để phát hiện các rối loạn về điện giải để điều chỉnh kịp thời. 

-Tan máu: do cô đặc máu, tốc độ dòng máu quá cao hoặc do nguyên nhân dị ứng màng lọc, cần điều chỉnh tốc độ dòng máu hoặc thay loại màng lọc khác nếu do dị ứng màng lọc. 

-Hạ thân nhiệt: do dịch thay thế có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ của máu và máu ra khỏi cơ thể bị mất nhiệt. Khắc phục bằng làm ấm dịch thay thế và máu trước khi máu trở về cơ thể. 

-Các biến chứng khác nhiễm khuẩn: nhiễm khuẩn tại vị trí đặt catheter, tại các đầu kết nối với các thiết bị đặt trong mạch máu… Khắc phục bằng cách tuân thủ các nguyên tắc vô khuẩn khi làm thủ thuật và theo dõi sát các dấu hiệu nhiễm khuẩn, tháo bỏ ngay các dụng cụ đặt trong mạch máu và cấy tìm vi khuẩn khi có biểu hiện nhiễm khuẩn. 

-Các biến chứng khác như: vỡ màng lọc, tắc màng lọc, khắc phục bằng cách thay quả quả lọc. 

Tài liệu tham khảo

1. Koichiro Kudo, Nguyen Gia Binh and et al (2012), Clinical preparedness for severe pneumonia with highly pathogenic avian influenza A(H5N1): Experiences with cases in Vietnam, Respiratory Investigation (2012), http://dx.doi.org/10.1016/j. resinv.2012.08.005

2. B. Braun Inc, Continuous Renal Replacement Therapy (CRRT), document for training. 

3. Thomas AG, Continuous Renal Replacement Therapies: Overview, uptodate version portable 17.3

4. Sakamoto. Y, Mashiko. K amd et al, Effectiveness of continuous venovenous hemodiafiltration using a polymethylmethacrylate membrane hemofilter in septic shock patient