Tra cứu  ›  QTKT khám-chữa bệnh  ›  QUY TRÌNH KỸ THUẬT SOI PHẾ QUẢN ĐIỀU TRỊ SẶC PHỔI Ở NGƯỜI BỆNH NGỘ ĐỘC CẤP

QUY TRÌNH KỸ THUẬT SOI PHẾ QUẢN ĐIỀU TRỊ SẶC PHỔI Ở NGƯỜI BỆNH NGỘ ĐỘC CẤP

Quyết định số: 1904/QĐ-BYT

Ngày ban hành: 30/05/2014 12:00

Đại cương

Soi phế quản thường là đưa ống soi mềm vào trong lòng phế quản trung tâm, nhằm mục đích chẩn đoán và điều trị những tổn thương trong lòng khí- Phế quản. 

Trong điều trị người bệnh ngộ độc cấp, nhiều trường hợp có biến chứng sặc phổi và soi phế quản trở thành biện pháp điều trị hiệu quả các trường hợp này. Tuy nhiên, thủ thuật này chỉ được thực hiện bởi bác sĩ được huấn luyện về soi phế quản. 

Chỉ định điều trị

- Sặc chất nôn, dịch trào ngược, hít độc chất ở người bệnh ngộ độc cấp: có thể phải soi rửa hàng ngày trong vài ngày

-Xẹp thuỳ phổi kéo dài không cải thiện với lý liệu pháp. 

- Rửa phế quản - phế nang để chẩn đoán (BAL), hoặc để hút đờm đặc quánh

Chống chỉ định

-Suy hô hấp giảm ôxy máu nặng: pO2 dưới 60 mmHg. ôxy máu giảm trung bình khoảng 20% trong soi phế quản mà chưa được can thiệp kiểm soát

-Huyết động không ổn định: huyết áp dưới 90/60 mmHg hoặc đang dùng hai thuốc vận mạch liều cao. 

-Người bệnh hen phế quản chưa được điều trị kiểm soát tốt

Chuẩn bị

1. Người thực hiện

- 1 bác sỹ được huấn luyện về soi phế quản. 

- 1 kỹ thuật viên được đào tạo về phụ soi phế quản. 

- Mặc áo mổ, mũ, khẩu trang phẫu thuật viên, rửa tay đi găng vô khuẩn. 

2. Phương tiện

-Máy nội soi phế quản ống mềm

-Thuốc an thần, gây tê tại chỗ: mydazolam, propofol, lidocain

-Bơm tiêm 20 ml

-Khối đè lưỡi chống cắn

-Khớp nối với đường thở có màng cao su. 

-Bộ dụng cụ lấy bệnh phẩm cấy vi khuẩn

-Máy hút

-Tốt nhất soi phế quản được thực hiện trong phòng nội soi chuyên biệt, phải mặc áo mổ, mũ, khẩu trang. 

-Gói dụng cụ tiêu hao

-Gói dụng cụ rửa tay, sát khuẩn

-Bộ dụng cụ bảo hộ cá nhân

-Bộ dụng cụ, thuốc thủ thuật

-Bộ dụng cụ, máy theo dõi

3. Người bệnh

-Giải thích cho người bệnh và người nhà về tình trạng bệnh, tiên lượng bệnh cũng như chỉ định và cách thức tiến hành soi phế quản. 

-Người bệnh (hoặc người nhà) được giải thích về các nguy cơ có thể xảy ra và kí cam kết tự nguyện

-Xét nghiệm khí máu, X quang phổi, HIV trước khi tiến hành. 

4. Bệnh án

-Bác sỹ ghi rõ lý do và chỉ định soi phế quản vào bệnh án. 

-Lưu cam kết tự nguyện soi phế quản của người bệnh vào bệnh án. 

- Ghi rõ các bước tiến hành, theo dõi, các biến chứng xảy ra và xử trí. 

Các bước tiến hành

1. Kiểm tra hồ sơ và người bệnh

Bác sỹ:

-Kiểm tra đúng người bệnh và chỉ định

-Kiểm tra tình trạng hô hấp của người bệnh, xét nghiệm khí máu động mạch, X quang phổi

Điều dưỡng: kiểm tra đúng người bệnh với chỉ định của bác sỹ. 

2. Thực hiện kỹ thuật:

-Đặt ôxy 100% cho người bệnh

-Đảm bảo an thần đủ bằng mydazolam, propofol, thiopental…

- Lựa chọn thuỳ phổi cần được chú ý bơm rửa dựa trên phim X quang vừa chụp. 

- Đưa ống soi qua nội khí quản hoặc canul MKQ (nếu người bệnh đang có ống) hoặc qua thanh môn nếu người bệnh tự thở (qua đường mũi hoặc qua đường miệng với khối chống cắn) vào thuỳ phổi được lựa chọn. Chú ý gây tê đủ bằng lidocain trong quá trình soi. 

-Lấy bệnh phẩm cấy dịch rửa phế quan phế nang.

-Bơm rửa: 20 - 40 ml NaCl 0,9% vô trùng/lần. 

-Hút sau mỗi lần bơm rửa. 

- Gửi dịch hút đi nuôi cấy. 

Tai biến và xử trí

-Tràn khí màng phổi (áp lực):

Biến chứng nặng có thể gây tử vong, cần theo dõi sát để phát hiện kịp thời. 

Xử trí: dẫn lưu màng phổi

-Giảm ôxy máu: Chú ý đặt ôxy 100% trước khi tiến hành nội soi và theo dõi sát trong và sau khi tiến hành soi phế quản

-Ngừng thở do co thắt thanh quản, co thắt phế quản, chảy máu dữ dội (hiếm). 

-Ngừng tim do nhồi máu cơ tim, dùng quá liều thuốc tiền mê, thuốc gây tê tại chỗ (hiếm)

-Sốt (1, 2-16%): một số nhỏ người bệnh có thể xuất hiện sốt sau soi, thường không cần xử trí đặc hiệu. 

-Một số biến chứng ít gặp khác: viêm phổi, phản xạ cường phế vị, tụt huyết áp loạn nhịp tim, nhiễm khuẩn huyết thoáng qua, các tác dụng phụ của thuốc tê... 

Tài liệu tham khảo

1. Ngô Quý Châu, Chu Thị Hạnh và cs (2012), Nội soi phế quản nội soi lồng ngực, Nxb Y học.

2. Irwin RS, Rippe JM (2003), “Bronchoscopy”, Intensive Care Medicine 5th, Lippincott Willams & Wilkins. 

3. Kreider ME, Lipson DA (2003), “Bronchoscopy for Atelectasis in the ICU”, Chest, 124: 344-350.