Tra cứu  ›  QTKT khám-chữa bệnh  ›  QUY TRÌNH KỸ THUẬT CẤP CỨU NGỪNG TUẦN HOÀN CHO NGƯỜI BỆNH NGỘ ĐỘC

QUY TRÌNH KỸ THUẬT CẤP CỨU NGỪNG TUẦN HOÀN CHO NGƯỜI BỆNH NGỘ ĐỘC

Quyết định số: 1904/QĐ-BYT

Ngày ban hành: 30/05/2014 12:00

Đại cương

Ngừng tuần hoàn là trạng thái tim ngừng cung cấp máu cho cơ thể, đặc biệt là các cơ quan quan trọng của cơ thể là não, tuần hoàn mạch vành và phổi. Có 3 trạng thái ngừng tuần hoàn cơ bản là: vô tâm thu, rung thất và phân ly điện cơ.

Cấp cứu ngừng tuần hoàn là thiết lập lại tuần hoàn trong cơ thể bằng ép tim ngoài lồng ngực, hỗ trợ hô hấp, dùng máy sốc điện và các biện pháp hồi sức khác. 

Cấp cứu ngừng tuần hoàn ở người bệnh ngộ độc hóa chất trừ sâu loại phospho hữu cơ, carbamat hoặc các chất ức chế cholinestersase có hội chứng muscarin ưu tiên dùng atropin trước khi dùng adrenalin.

Chỉ định điều trị

Ngừng tuần hoàn gây chết lâm sàng. 

Chống chỉ định

Không có

Chuẩn bị

1. Người thực hiện

Bác sỹ, điều dưỡng, Người thực hiện được đào tạo về cấp cứu ngừng tuần hoàn. 

2. Phương tiện

+ Gói dụng cụ tiêu hao

+ Bộ dụng cụ bảo hộ cá nhân

+ Bộ dụng cụ, thuốc cấp cứu khi làm thủ thuật

+ Bộ dụng cụ, máy theo dõi

+ Máy sốc điện: 1 cái (nếu có khả năng)

+ Máy hút đờm: 1 cái. 

+ Dây máy hút: 3 cái. 

+ Bơm tiêm điện: 03 cái. 

+ Máy truyền dịch: 03 cái. 

3. Người bệnh

Nằm ngửa ưỡn cổ trên một mặt phẳng cứng. 

4. Nơi thực hiện

Tại nơi xảy ra tai nạn đến khi tim đập lại và sau đó là tại buồng hồi sức cấp cứu có đầy đủ trang thiết bị. 

Các bước tiến hành

1. Xác định ngừng tuần hoàn

-Mất ý thức. 

-Ngừng thở. 

-Mất mạch bẹn hoặc mạch cảnh. 

2. Khởi động hệ thống cấp cứu ngừng tuần hoàn

-Hô to “Người bệnh ngừng tuần hoàn”. 

-Gọi thêm người hỗ trợ. Chuẩn bị máy sốc điện.

3. Kiểm tra mạch trong vòng 10 giây

-Nếu không có mạch, tiến hành ép tim và hỗ trợ hô hấp. 

4. Khởi đầu với 30 lần ép tim và 2 lần hỗ trợ hô hấp

-Ưu tiên ép tim trước khi hỗ trợ hô hấp (bóp bóng ambu hoặc thổi ngạt). 

-Các bước ép tim:

+ Vị trí: 1/3 dưới xương ức. 

+ Tiến hành: dùng bàn tay trái áp vào 1/3 dưới xương ức, bàn tay kia đặt lên trên và lồng các ngón vào nhau, hai cánh tay duỗi thẳng ép thẳng góc với lồng ngực. (Trẻ em 1-8 tuổi: lấy 1/3 trên lòng bàn tay ép; sơ sinh và 1-12 tháng tuồi: dùng 2 ngón tay cái để ép). 

+ Tần số: ≥ 100 lần/phút (hạn chế gián đoạn ép tim). 

+ Biên độ: ≥ 4-5 cm ở người lớn; ≥ 1/3 đường kính trước sau ở trẻ em (để thành ngực đàn hồi lại vị trí ban đầu sau mỗi lần ép tim). 

+ Khi đã đặt được nội khí quản: ép tim liên tục > 100 lần/phút và bóp bóng 8-10 lần/phút qua nội khí quản. Thay đổi người ép tim mỗi 2 phút nếu có thể để đảm bảo ép tim hiệu quả. 

5. Sử dụng máy sốc điện

- Năng lượng:

+ Sóng 2 pha: 100 - 120J. 

+ Nếu sóng 1 pha: 360J. 

-Chỉ định: rung thất, nhịp nhanh thất. 

-Nếu nhịp tim có chỉ định sốc điện:

+ Sốc điện 1 lần. 

+ Tiếp tục ép tim ngoài lồng ngực và hỗ trợ hô hấp trong vòng 2 phút. 

-Nếu không có chỉ định sốc điện:

+ Tiếp tục ép tim ngoài lồng ngực và hỗ trợ hô hấp trong vòng 2 phút. 

+ Đánh giá điện tim liên tục bằng monitoring mỗi 2 phút xem có chỉ định sốc điện tiếp theo hay không. 

6. Một số lưu ý

- Nếu chỉ có 1 Người thực hiện cấp cứu:

+Gọi người đến hỗ trợ. 

+Tiến hành ngay 30 lần ép tim và 2 lần hỗ trợ hô hấp. 

+Đảm bảo lực ép tim có hiệu quả và tránh tối đa ngắt quãng trong cấp cứu. 

- Nếu chỉ có 2 Người thực hiện cấp cứu:

+Người 1: Gọi đội cấp cứu đến hỗ trợ. 

+Người 2: Tiến hành ngay 30 lần ép tim và 2 lần hỗ trợ hô hấp. Thay đổi người ép tim mỗi 2 phút để đảm bảo ép tim có hiệu quả cao. Tránh tối đa ngắt quãng trong cấp cứu. 

- Nếu có 3 Người thực hiện cấp cứu:

+Người 1: Gọi đội cấp cứu đến hỗ trợ. 

+Người 2: Tiến hành ngay 30 lần ép tim và 2 lần hỗ trợ hô hấp. Thay đổi người ép tim mỗi 2 phút để đảm bảo ép tim có hiệu quả cao. 

Tránh tối đa ngắt quãng trong cấp cứu. 

+Người 3: Chuẩn bị máy sốc điện. Dán điện cực và tạm ngừng ép tim trong thời gian rất ngắn phân tích nhịp tim xem có chỉ định sốc điện hay không. 

Tiếp tục cấp cứu cho tới khi người bệnh có dấu hiệu sống hoặc đội cấp cứu đến hỗ trợ.

+Nếu có Người thực hiện hỗ trợ cần đặt đường truyền, chuẩn bị các thuốc cần được sử dụng như adrenalin, amiodarone, lidocain...

* Các thuốc sử dụng

+ Xác định ngừng tuần hoàn do hội chứng muscarin trong ngộ độc cần sử dụng atropin, liều đầu tiêm 2 - 5  mg, sau đó tiêm nhắc lại trong vòng 10 phút tùy đáp ứng. 

+ Adrenalin 1 mg: Tiêm tĩnh mạch mỗi 3 - 5 phút. 

+ Vasopressin: Tiêm 40 UI thay adrenaline liều đầu hoặc liều thứ hai. 

+ Amiodarone: Nếu có rung thất hoặc nhịp nhanh thất tiêm tĩnh mạch liều đầu 300  mg, nhắc lại 150 mg. 

+ Bicarbonate: Truyền tĩnh mạch 50 mmol muối bicarbonat nếu ngừng tuần hoàn có nguyên nhân tăng kali máu hoặc ngộ độc thuốc chống trầm cảm ba vòng, nhắc lại liều tùy thuộc đáp ứng lâm sàng và xét nghiệm khí máu.

Tai biến và xử trí

+ Gãy xương sườn; gẫy sụn sườn do ấn quá mạnh: băng cố định bằng băng dính to bản, thở máy nếu có hô hấp đảo ngược. 

+ Tràn khí màng phổi: hút dẫn lưu khi màng phổi. 

+ Chướng bụng do hơi vào dạ dày: đặt ống thông dạ dày. 

Hình - Giản đồ cấp cứu ngừng tuần hoàn
(Theo Hội Tim mạch Hoa Kỳ - 2010)

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Y tế (1999), Hướng dẫn quy trình kỹ thuật bệnh viện, Tập I, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội. 

2. Rerry P. Nolan, Jasmeet Soar, David A. Zideman, Dominique Biarent, Leo L. Bossaert, Charles Deakin, Rudolph W. Koster, Jonathan Wyllie, Bernd Bottiger et al (2010), “European Resuscitation Council Guidelines for Resuscitation 2010. Section 1. Executive summary”, Resuscitation, 1219-1276

3. Mary Fran Hazinski, Leon Chameides, Robin Hemphill, Ricardo A. Samson, Stephen M. Schexnayder, Elizabeth Sinz et al (2010), Highlights of the 2010 American Heart Association Guidelines for CPR and ECC, American Heart Associtation.