Tra cứu  ›  QTKT khám-chữa bệnh  ›  QUY TRÌNH KỸ THUẬT ĐIỀU TRỊ CO GIẬT TRONG NGỘ ĐỘC

QUY TRÌNH KỸ THUẬT ĐIỀU TRỊ CO GIẬT TRONG NGỘ ĐỘC

Quyết định số: 1904/QĐ-BYT

Ngày ban hành: 30/05/2014 12:00

Đại cương

Co giật trong ngộ độc thường là co giật toàn thân, các cơn co giật xảy ra ngày càng dày với cường độ ngày càng mạnh, dẫn tới trạng thái động kinh hay còn gọi là co giật liên tục, sẽ dẫn tới tử vong nhanh chóng nếu không được điều trị kịp thời. Vì vậy co giật là trạng thái cấp cứu và người bệnh phải được cắt cơn giật ngay để tránh tử vong. 

Phải loại trừ các nguyên nhân đe dọa tính mạng cần phải được chẩn đoán và xử trí ngay như nhiễm trùng thần kinh trung ương, hạ đường máu, hạ natri máu, hạ canxi máu…

Chỉ định điều trị

Các người bệnh co giật do ngộ độc các chất gây co giật, hoặc phù não, hoặc sốt cao ở trẻ em. 

Chống chỉ định

Không có chống chỉ định tuyệt đối

Chuẩn bị

1. Người thực hiện quy trình

+ 1 Bác sỹ: đánh giá người bệnh, ra chỉ định và đặt mục tiêu theo dõi và cùng theo dõi trong quá trình xử trí

+ 1 Điều dưỡng thực hiện thuốc, theo dõi người bệnh. 

2. Phương tiện

+ Diazepam chế phẩm tiêm, midazolam

+ Phenobarbital (Luminal ống tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp)

+ Các thuốc gây mê toàn thân: Thiopental, Propofol

+ Thuốc giãn cơ họ cura

+ Pyridô xyn (vitamin B6) cho người bệnh co giật do ngộ độc thuốc INH

+ Antipois hoặc Than hoạt + Sorbitol

+ Glucose hoặc các thuốc giải độc đặc hiệu khác tùy theo nguyên nhân gây nên co giật

+ Máy truyền dịch, bơm tiêm điện

+ Bóng Ambu, mask, ô xy, nội khí quản, máy thở. 

+ Dịch truyền: glucose 5%, glucose 10% hoặc glucose 20%, natriclorua 0,9%

+ Bộ dụng cụ tiêm truyền vô khuẩn

2. Người bệnh

+ Người bệnh thường rối loạn ý thức ở các mức độ, giải thích tình trạng bệnh cho gia đình. 

3. Hồ sơ bệnh án

+ Ghi chép nhận xét tình trạng người bệnh vào bệnh án, chỉ định và phương pháp xử trí co giật liên tục. 

+ Khai thác và ghi chép đầy đủ vào hồ sơ bệnh án tiền sử bệnh, các bệnh lý kèm theo. 

Các bước tiến hành

1. Khi người bệnh đang có co giật

Người lớn:

- Seduxen 1 ống 10 mg tiêm TM chậm (không dưới 1 phút) nhắc lại mỗi 5 - 10 phút cho đến khi cắt cơn giật thì chuyển liều duy trì

- Nếu không có seduxen có thể thay bằng midazolam 1 ống 5 mg tiêm TM chậm (không dưới 1 phút) nhắc lại cho đến khi cắt cơn giật thì chuyển liều duy trì

Hoặc

- Phenobarbital (Luminal ống tiêm tĩnh mạch 200 mg): tiêm TM chậm, nhắc lại cho đến khi cắt cơn giật thì chuyển liều duy trì

Hoặc

- Thiopental lọ 1g pha với nước cất thành 10 ml, lấy vào bơm tiêm 2 ml (200 mg), tiêm TM chậm liều ước tính 4 mg/kg, nhắc lại cho đến khi cắt cơn giật thì chuyển liều duy trì;

Trẻ em:

- Seduxen ống 10 mg tiêm TM chậm 1/3 ống, nếu chưa hết co giật thì tiêm tiếp 1/3ống, nhắc lại cho đến khi ngừng co giật thì chuyển sang duy trì. 

- Có thể thay bằng Midazolam ống 5 mg tiêm TM chậm (không dưới 1 phút) nhắc lại cho đến khi cắt cơn giật thì chuyển liều duy trì

Hoặc

- Phenobarbital (Luminal ống tiêm tĩnh mạch 200 mg): Pha thành 10 ml tiêm với tốc độ 1 ml/phút đến khi ngừng co giật thì chuyển liều duy trì

Hoặc

- Thiopental lọ 1g pha với nước cất thành 10 ml, lấy 2 ml (200 mg) pha thành 10 ml tiêm TM chậm 1 ml/phút đến khi ngừng co giật thì chuyển liều duy trì. (đã có trường hợp trẻ 6 tuổi dung hết 5 g trong 6 giờ mới không chế được cơn giật, sau đó chuyển duy trì bằng midazolam và propofol

Chuẩn bị sẵn sàng đối phó với tác dụng gây thở yếu, chậm hoặc ngừng thở, tụt huyết áp do thuốc

2. Khi người bệnh đã ngừng co giật nội khí quản, thở máy người bệnh suy hô hấp hôn mê hoặc định duy trì gây mê chống co giật bằng thuốc tiêm truyền

3. Duy trì thuốc chống co giật tái phát, liều điều chỉnh theo đáp ứng của người bệnh giảm liều dần trước khi ngừng hẳn. 

Người lớn:

-Seduxen: ống 10  mg, ống TB hoặc truyền tĩnh mạch

- Gardenal: viên 0,1: người lớn: 2-4 viên/ngày liều cao nhất đã dùng là 2 viên mỗi 2 giờ (24 viên/24 giờ)

- Thiopental truyền TM điều chỉnh liều theo đáp ứng nhưng không quá 2 mg/kg/giờ. 

Trẻ em:

- Midazolam liều khởi đầu 0,15 mg/kg điều chỉnh theo đáp ứng

- Hoặc propofol 7,5-18 mg/kg/giờ truyền tĩnh mạch điều chỉnh theo đáp ứng

- Hoặc phenobarbital truyền tĩnh mạch 1 - 6 mg/kg/ngày liều điều chỉnh theo đáp ứng

- Hoặc gardenal viên 0,01g: 3 - 10 viên/ngày (điều chỉnh liều theo đáp ứng lâm sàng của NGƯỜI BỆNH, 

4. Dùng thuốc giãn cơ

Thuốc giãn cơ chỉ nên dùng khi đã dùng các thuốc trên liều tối đa mà không khống chế được cơn giật

5. Thuốc giải độc

- Glucose: cần loại trừ khả năng hạ đường huyết trên người bệnh co giật (xét nghiệm nhanh đường máu mao mạch bằng que thử), cho thêm vitamin B1 khi cho glucose. 

- Người bệnh co giật do INH, hydrazin…cần được dùng vitamin B6 tĩnh mạch cùng với benzodiazepin. 

- Các thuốc giải độc khác: tùy theo nguyên nhân gây nên co giật. 

Tai biến và xử trí

- Phát hiện kịp thời các biến chứng có thể xảy ra như:

+ sặc phổi: nội soi rửa PQ, hút đờm rãi, kháng sinh, kháng viêm, thở máy. 

+ hạ đường máu: truyền đường, chế độ ăn + dinh dưỡng đường tĩnh mạch h

+ tăng thân nhiệt: hạ nhiệt bằng các biện pháp cơ học, thuốc hạ nhiệt

+ toan chuyển hóa: tăng bài niệu, lọc máu, tìm và điều trị nguyên nhân

- Điều trị dự phòng suy thận cấp do tiêu cơ vân (luôn đi kèm với co giật)

+ Chẩn đoán: CK> 1000 UI/l, nước tiểu đỏ, urê máu tăng, creatinin máu tăng. 

+ Truyền dịch(cùng với uống) để tổng dịch vào đạt 100 - 120   ml/kg/24 giờ

+ Bài niệu tích cực, đảm bảo nước tiểu > 90-100   ml/kg/24 giờ: cùng với truyền dịch, cho furosemide ống 20 mg nếu đái ít hoặc vô niệu dù không mất nước và đã truyền ≥ 1 lit dịch

+ Lọc máu ngoài thận nếu có chỉ định

Tài liệu tham khảo

1. Richard C. Dart (2004), Initial Management of the Poisoned patient, Medical Tô xycology - Third edition 2004, Lippincott Williams & Wilkins; pp 20 -39

2. Kennon Heard (2000), Seizures, The 5 minute Tô xycology Consult, Lippincott Williams & Wilkins 2000; pp 66 - 67. 

3. Tareg A. Bey, Frank G. Walter (2001), Seizures, Clinical tô xycology, 1st edition, W. B Saunders, pp 155-165. 

4. Jeffrey Brent et al; Critical Care Tô xycology; Elsevier Mosby 2005, pp 225-239.

5. Lewis R. Goldfrank et al; Tô xycologic Emergencies - 8th edition; McGraw-Hill 2006, pp 43 - 51.