Tra cứu  ›  QTKT khám-chữa bệnh  ›  QUY TRÌNH KỸ THUẬT ĐIỀU TRỊ GIẢM KALI MÁU

QUY TRÌNH KỸ THUẬT ĐIỀU TRỊ GIẢM KALI MÁU

Quyết định số: 1904/QĐ-BYT

Ngày ban hành: 30/05/2014 12:00

Đại cương

-Kali trong cơ thể có 98% nằm trong nội bào, là ion chính của nội bào. Nồng độ bình thường trong huyết thanh từ 3,5 - 5, 0 mmol/l

-Chẩn đoán giảm nồng độ kali máu khi kali máu < 3,5 mmol/l, còn gọi là hạ kali máu, giảm kali máu hay kali máu giảm. 

-Hạ kali máu nặng: Kali máu < 2,5 mmol/l, hoặc có biểu hiện liệt cơ, rối loạn nhịp tim có sóng U, sóng T dẹt, ST chênh xuống, QT kéo dài, nặng nhanh thất, rung thất, xoắn đỉnh có thể gây tử vong nếu không được xử trí ngay. 

-1g KCl = 13,5 mmol kali

-Các nguyên nhân hạ kali:

+ Mất kali qua đường tiêu hóa: nôn, ỉa lỏng, hút dịch vị.. 

+ Mât kali qua thận: suy thận cấp giai đoạn hồi phục, tăng aldosteron thứ phát, dùng lợi tiểu, corticoid…. 

+ Kali chạy vào trong tế bào do thuốc: điều trị bằng insulin, truyền glucose, bicarbonat…

+ Thiếu kali đưa vào cơ thể: nuôi dưỡng người bệnh bằng glucose ưu trương

Chỉ định điều trị

a. Kali máu dưới 3,5 mmol/l

Chống chỉ định

-Không có chống chỉ định tuyệt đối. 

-Thận trọng khi bù kali cho người bệnh suy thận (vô niệu hoặc thiểu niệu). 

Chuẩn bị

1. Người thực hiện

-Bác sĩ theo dõi ra y lệnh, xử trí đặc biệt người bệnh có liệt cơ, biến đổi trên điện tim. 

-Một điều dưỡng thực hiện y lệnh pha, tiêm truyền, làm điện tim, lắp monitor theo dõi. 

2. Phương tiện

-Gói dụng cụ tiêu hao: 01

-Gói dụng cụ rửa tay, sát khuẩn: 01

-Bộ dụng cụ bảo hộ cá nhân: 01

-Bộ dụng cụ tiêm truyền vô khuẩn: 01

-Bộ dụng cụ, thuốc cấp cứu khi làm thủ thuật

-Dụng cụ, máy theo dõi. 

-Máy xét nghiệm có khí máu nhanh có điện giải.

-Dịch truyền: natriclorua 0,9%, glucose 5%

-Thuốc: kaliclorua ống 0,5g - 1g; gói 2g

-Máy truyền dịch, bơm tiêm điện

3. Người bệnh

-Giải thích cho người bệnh hợp tác nếu người bệnh tỉnh. 

-Giải thích cho người nhà người bệnh

4. Hồ sơ bệnh án: Ghi rõ chẩn đoán, chỉ định, bàn giao giữa các tua trực. 

Các bước tiến hành

-Tiến hành cài đặt monitor theo dõi điện tim liên tục. 

-Đặt đường truyền ngoại vi chắc chắn, hoặc đặt catherter tĩnh mạch trung tâm. 

-Khi truyền tĩnh mạch ngoại biên nồng độ pha kali tối đa 60 mmol/1 lít dịch truyền, tốc độ tối đa 10 mmol/giờ. Người bệnh nặng cần đặt Catherter tĩnh mạch trung tâm. 

-Shock điện nếu có nhanh thất, rung thất. 

1. Kali máu từ 2,5 - 3,5 mmol/l và không có triệu chứng (hệ cơ, tim mạch)

-Truyền tĩnh mạch kaliclorua 5 - 10 mmol/giờ. 

-Hoặc bằng đường uống: kali clorua 3 - 6 g/24 giờ, chia từ 2-4 lần sau ăn. 

2. Kali máu dưới 2,5 mmol/l:

-Kali máu < 2,5 mmol/l có biểu hiện liệt cơ hoặc triệu chứng nặng trên điện tim: Bù bằng đường truyền tĩnh mạch trung tâm Kaliclorua 20 - 30 mmol/giờ. Không bù quá 40 mmol/giờ. 

-Kali máu < 2,5 mmol/l không biểu hiện liệt cơ hoặc triệu chứng nặng trên điện tim: Truyền tĩnh mạch kali 10 mmol/giờ. 

Tai biến và xử trí

-Tăng kali máu do bù quá nhanh, biểu hiện sớm trên điện tim bằng sóng T nhọn, cân đối: Tạm ngừng truyền kali, xét nghiệm kali máu cấp (truyền lại kali nếu có chỉ định với tốc độ chậm hơn). 

-Nếu kali máu tăng quá 5,5 mmol/l:

+ Canxiclorua 1 g tiêm tĩnh mạch chậm…

+ Theo dõi và điều trị theo phác đồ tăng kali

-Viêm mô tế bào do chệch đường truyền

+ Ngừng bù kali

+ Đắp gạc tẩm cồn 70 độ lên vùng mô viêm đỏ

Tài liệu tham khảo

1. Vũ Văn Đính (2001). “Rối loạn thăng bằng nước và điện giải trong cơ thể”. Hồi sức cấp cứu tập II, NXB Y học. Tr. 5-31. 

2. Nguyễn Đạt Anh, Đặng Quốc Tuấn (2012). “Các bất thường điện giải”. Hồi sức cấp cứu tiếp cận theo các phác đồNXB khoa học kỹ thuật. Tr. 269-290. 

3. Đặng Quốc Tuấn (2012). “Rối loạn Kali máu”. Bệnh học Nội khoa tập II, NXB Y học. Tr. 568-576. 

4. Bệnh viện Bạch Mai (2011) - “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh học nội khoa” NXB y học, Trang 148 - 149. 

5. David B Mount (2013) “Manifestations and treatment of hypokalemia” uptodate.com

6. David B. Mount (2012). “Fluid and Electrolyte Disturbances”, Harrisons principles of internal medicine, 18th edition, vol 1, Mc Graw Hill. pp.341 - 355

7. Paradakis, McPhee, Rabow (2013). “Disorders of potassium concentration”, Current Medical Diagnosis & Treatment, fifty-second edition, Mc Graw Hill. pp.877 - 879