Tra cứu  ›  QTKT khám-chữa bệnh  ›  QUY TRÌNH KỸ THUẬT SỬ DỤNG THAN HOẠT ĐA LIỀU TRONG CẤP CỨU NGỘ ĐỘC QUA ĐƯỜNG TIÊU HÓA

QUY TRÌNH KỸ THUẬT SỬ DỤNG THAN HOẠT ĐA LIỀU TRONG CẤP CỨU NGỘ ĐỘC QUA ĐƯỜNG TIÊU HÓA

Quyết định số: 1904/QĐ-BYT

Ngày ban hành: 30/05/2014 12:00

Đại cương

- Than hoạt tính, là loại bột nhỏ có màu đen, không mùi, không độc có tác dụng hấp phụ hiệu quả với nhiều chất khác nhau được gọi là than hoạt tính. 

- Than hoạt không hấp phụ được những chất có kích thước quá nhỏ, có độ ion hóa cao như là các loại acid, kiềm, điện giải (ví dụ kali) và kém hấp phụ các muối dễ phân ly như arsenic, bromide, cyanide, fluoride, iron, lithium, acid boric, sulfat sắt, ethnol và methanol. 

Chỉ định điều trị

- 1) Ngăn cản hấp thu các chất độc với lượng lớn trong lòng ruột, có giảm nhu động ruột; 2) Ngăn cản tái hấp thu các độc chất có chu trình gan - ruột; 3) Tăng đào thải chất đó ra khỏi máu qua màng niêm mạc ruột 

- Các trường hợp đã được chứng minh hiệu quả bằng các thử nghiệm lâm sàng: carbamazepine, dapsone, phenobarbital (gardenal), quinin, theophyline, ngộ độc nấm độc có độc tố là amatô xyn (amanitin)

- Các trường hợp có khuyến cáo sử dụng trên lý thuyết: phenytoin, salicylate, meprobamate, phenylbutazone, digô xyn, digitô xyn và sotalol, phosphor hữu cơ, carbamat, paraquate, ...

Chống chỉ định

Người bệnh được chẩn đoán hoặc nghi ngờ tắc ruột hoặc bán tắc ruột

Chuẩn bị

1. Người thực hiện

- Bác sỹ: quyết định và ra y lệnh thực hiện cũng như phương thức tiến hành

- Điều dưỡng: thực hiện theo y lệnh của bác sỹ

2. Phương tiện

- Than hoạt bột gói hàm lượng 20g, hoặc Antipois BMai (thành phần 25 g than hoạt và 48g sorbitol)

- Sorbitol gói hàm lượng 5g

- Thuốc an thần: Diazepam 10 mg (ống tiêm) dùng cho người bệnh kích thích vật vã nhiều, ngộ độc chất gây co giật

- Bộ dụng cụ bảo hộ cá nhân

- Gói dụng cụ rửa tay, sát khuẩn

3. Người bệnh

- Nếu người bệnh tỉnh: Giải thích để người bệnh hợp tác. 

- Nếu người bệnh rối loạn ý thức (kích thích, hôn mê): đặt nội khí quản, cho thuốc chống co giật trước khi tiến hành thủ thuật đề phòng sặc phổi than hoạt. 

4. Hồ sơ bệnh án:

- Ghi chỉ định: sử dụng than hoạt đa liều, tình trạng người bệnh trước và sau khi làm thủ thuật, cách thức tiến hành thủ thuật, theo dõi trong và sau thủ thuật về tai biến và biến chứng. 

Các bước tiến hành

1. Tính liều than hoạt và quãng liều

- Người lớn: liều 2g/kg cân nặng, 20g than hoạt mỗi 2 giờ, đối với ngộ độc nấm độc có amatô xyn có thể cho tới 3 ngày để cắt chu trình gan-ruột. 

- Trẻ em: Liều đầu tiên 1g/kg cân nặng, trung bình 10g than hoạt, dùng càng sớm càng tốt sau ngộ độc, (50% liều của người lớn). 

- Với than hoạt bột, luôn cho cùng sorbitol liều gấp đôi liều than hoạt

- Lựa chọn quãng liều 2 hay 4 giờ tùy thuộc vào lượng độc chất trong lòng ruột và khả năng dung nạp than hoạt của người bệnh. Nếu NGƯỜI BỆNH uống thuốc trừ sâu phospho hữu cơ liều lớn thì nên cho quãng liều là 2 giờ trong 6 liều đầu. Nếu có giảm nhu động ruột thi nên lưu ống thông dạ dày và hút sạch dạ dày (cả than hoạt của liều trước đọng lại) trước khi cho liều than hoạt sau. Các trường hợp khác nên cho quãng liều 4-6 giờ. 

2. Pha thuốc

-Nếu có Antipois. BMai, có thể cho người bệnh uống trực tiếp không phải pha. Thành phần 1 túyp Antipois BMai có 25g than hoạt + 48 g sorbitol + tá dược thành 120 ml

- Không có Antipois. BMai: pha than hoạt và sorbitol

+Một gói than hoạt có 20g cho vào cốc thủy tinh trộn đều với sorbitol liều gấp đôi than hoạt, sau đó cho khoảng 100 ml nước lọc rồi quấy đều cho đến khi tan tạo thành một hỗn dịch đồng nhất ta được hỗn dịch có 20g than hoạt. 

+Tùy theo cân nặng người bệnh và thời điểm cho than hoạt lần đầu hay các lần sau mà dùng liều phù hợp như đã tính. 

3. Cho người bệnh uống:

-Điều dưỡng giải thích trước và giúp cho NGƯỜI BỆNH uống. Uống từ từ trong 10 phút. Nếu người bệnh có rửa dạ dày, sau khi rửa: bơm than hoạt qua bộ rửa dạ dày hoặc xông nuôi dưỡng vào dạ dày bằng bơm cho ăn.

-NGƯỜI BỆNH hôn mê hoặc có rối loạn ý thức, Bác sĩ đặt nội khí quản, bơm bóng chèn, sau đó bơm than hoạt bằng bơm cho ăn qua xông nuôi dưỡng vào dạ dày người bệnh. 

- Trước khi cho uống lần sau hút sạch than hoạt còn trong dạ dày của liều trước. 

Tai biến và xử trí

1. Theo dõi

- Ý thức và toàn trạng của người bệnh: mạch, huyết áp, nhịp thở…

- Theo dõi dấu hiệu sặc than hoạt vào phổi: xảy ra ở người bệnh rối loạn ý thức, co giật không được bảo vệ đường thở trước khi cho than hoạt. Biểu hiện; suy hô hấp đột ngột, ho khạc ra than hoạt màu đen hoặc hút đờm qua ống nội khí quản có than hoạt

- Theo dõi người bệnh đi ngoài than hoạt: số lần và tính chất phân 

- Đánh giá khả năng dung nạp than hoạt của người bệnh: buồn nôn và nôn sau khi uống 1 giờ, bụng chướng, không đi ngoài được. 

- Rối loạn nước và điện giải: có thể xảy ra nếu ỉa chảy nhiều do quá liều sorbitol. 

2. Xử trí tai biến

Nếu người bệnh được đánh giá đầy đủ, kỹ càng trước và tiến hành đúng quy trình kỹ thuật thì hiếm khi xảy ra các biến chứng tr n lâm sàng. Ngược lại có thể xảy ra các biến chứng sau đây:

+ Táo bón do than hoạt: không cho sorbitol hoặc ít hơn so với khuyến cáo. 

Nếu trong vòng 24 giờ sau khi uống than hoạt mà NGƯỜI BỆNH chưa đại tiện ra than hoạt, phải cho thêm liều sorbitol 1g/kg

+ Tắc ruột do than hoạt: có thể xảy ra. Theo dõi và xử trí như một tắc ruột cơ học. 

+Ỉa chảy do sorbitol: giảm liều hoặc dừng sorbitol, chú ý bù điện giải

+Viêm phổi do sặc than hoạt: Xử trí đặt nội khí quản, dùng ống thông hút đờm, hút dịch phế quản, nội soi phế quản để bơm rửa phế quản. Thở máy với PEEP nếu suy hô hấp và tổn thương phổi cấp. 

+ Rối loạn nước và điện giải: Xử trí bù lại nước và điện giải qua đường uống hoặc đường tĩnh mạch theo các phác đồ điều chỉnh nước và điện giải hiện có. 

+ Chú ý: Trường hợp người bệnh co giật hoặc có nguy cơ bi co giật, trước khi rửa dạ dày và bơm than hoạt phải chống co giật bằng diazepam hoặc phenobarbital (tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp), bác sỹ đặt Ống nội khí quản có bơm bóng chèn để đề phòng người bệnh nôn trào ngược dịch dạ dày vào phổi trước khi bơm than hoạt.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Đạt Anh, Đặng Quốc Tuấn (2012). “Tăng thải trừ thuốc”. Hồi sức cấp cứu tiếp cận theo các phác đồ, NXB khoa học kỹ thuật. Tr. 432-434. 

2. Nguyễn Tiến Dũng (2004). “Đánh giá tác dụng của Hỗn dịch than hoạt AntipoisBm trong ngộ độc cấp đường tiêu hóa”, Luận văn ốt nghiệp Thạc sĩ y học trường Đại học Y Hà Nội

3. Henry A, George C (2001). “Evaluation of activated charcoal in the home”, Pediatrics 108 (6), pp. e 100. 

4. Edward P. Krenzelok, J. Allister Vale, and Donald G. Barceloux (2005), “Multiple-Dose Activated Charcoal”, Critical Care Tô xycology, 1st Edition, Elsevier Mosby, pp.61 - 64. 

5. Mary Ann Howland. (1998), “Activated Charcoal”, Tô xycology Emergencies, Sixth Edition, Appleton & Lange, pp.527-534.