Tra cứu  ›  QTKT khám-chữa bệnh  ›  QUY TRÌNH KỸ THUẬT TƯ VẤN CHO NGƯỜI BỆNH NGỘ ĐỘC

QUY TRÌNH KỸ THUẬT TƯ VẤN CHO NGƯỜI BỆNH NGỘ ĐỘC

Quyết định số: 1904/QĐ-BYT

Ngày ban hành: 30/05/2014 12:00

Đại cương

- Tư vấn là phần rất quan trọng trong khi chẩn đoán và điều trị người bệnh nói chung và đặc biệt là trong ngộ độc. Người thực hiện tốt nhất của người bệnh chính là bản thân họ. Nhiệm vụ của người bác sĩ là giải thích để người bệnh hiểu điều đó và phối hợp trong điều trị bệnh. 

- Đối với người bệnh ngộ độc, tùy theo nguyên nhân ngộ độc để có cách tư vấn hợp lý. Người bệnh tự tử thường có vấn đề về tâm thần, cần khai thác và hội chẩn thêm chuyên khoa Tâm thần. 

Chỉ định điều trị

- Người bệnh ngộ độc (tỉnh táo, nói chuyện tiếp xúc được)

- Một số thành viên trong gia đình người bệnh

Chống chỉ định

Không có chống chỉ định

Chuẩn bị

1. Người thực hiện

1 Bác sĩ, 1 điều dưỡng: quần áo blu, đội mũ, đeo biển tên, đeo khẩu trang (trong một số trường hợp người bệnh có nguy cơ bệnh lây nhiễm). 

2. Phương tiện

- Giường bệnh, cáng nếu người bệnh đang nằm viện. 

- Phòng Tư vấn riêng (nếu người bệnh tới khám tư vấn): không gian yên tĩnh, có điều hòa nhiệt độ hoặc mát mẻ về mùa Hè, ấm về mùa Đông. 

- Bàn ghế cho bác sĩ, ghế cho người bệnh và người nhà người bệnh, có một số tờ rơi, poster, có thể có băng đĩa hình, đầu quay video về phòng tránh ngộ độc chung và một số ngộ độc thông thường, một số thông tin về bảo vệ sức khỏe, theo dõi sức khỏe định kỳ. 

- Khẩu trang phẫu thuật: 2 cái

- Mũ phẫu thuật: 2 cái

- Găng tay: 2 đôi

- Cồn rửa tay

- Chi phí khác: tiêu hao điện, nước, xử trí rác thải, vệ sinh buồng bệnh - môi trường, chăn ga, khấu hao điều hòa - nhà cửa

3. Người bệnh

Người bệnh đã tỉnh táo, tiếp xúc tốt nằm trên giường bệnh hoặc ngồi ghế để nghe và nói chuyện cùng người thực hiện. 

4. Hồ sơ bệnh án: ghi rõ chẩn đoán, nguyên nhân ngộ độc và đánh giá tổn thương

Các bước tiến hành

Đề nghị người bệnh hoặc người nhà nêu vấn đề cần hỏi. Bác sĩ trả lời, giải thích các câu hỏi của người bệnh. Mở rộng các vấn đề liên quan tới câu hỏi của người bệnh để hướng dẫn phòng tránh và điều trị hợp lý. 

Cuối buổi tư vấn cần có câu tóm tắt, kết luận về vấn đề tư vấn. 

Tùy theo nguyên nhân ngộ độc để có các tư vấn hợp lý, ví dụ:

- Nguyên nhân ngộ độc do ăn uống nhầm phải chất độc (thường gặp ở trẻ em, người già bị lẫn lộn, người bệnh tâm thần, say rượu): cần giải thích cho bệnh nhân và người nhà:

+ Không để các hóa chất trong gia đình (chất tẩy rửa, vệ sinh, khử mùi, xăng dầu…), các hóa chất bảo vệ thực vật (hóa chất trừ sâu, trừ cỏ, hóa chất kích thích tăng trưởng…) vào các chai lọ đựng đồ ăn, uống (chai đựng nước ngọt, nước lọc). 

+ Có nơi quản lý riêng với các hóa chất, đặc biệt là các hóa chất bảo vệ thực vật cần có thùng hoặc kho đựng riêng, có khóa. Chỉ những người được đào tạo, được hướng dẫn đầy đủ mới được sử dụng các hóa chất đó. 

+ Để xa tầm với của trẻ em tất cả các thuốc, hóa chất, cặp nhiệt độ…

+ Không đánh bả chuột ở những nơi trẻ em hay chơi đùa hoặc dễ nhìn thấy. 

+ Bảo quản và chế biến thực phẩm đúng cách

- Ngộ độc do ăn phải chất độc có sẵn trong thức ăn:

+ Không ăn nấm tự hái ở rừng vì không thể phân biệt được giữa nấm lành và nấm độc. Không ăn hoa quả không rõ loại

+ Thu hái rau quả sau khi phun hóa chất bảo vệ thực vật đủ thời gian an toàn. 

+ Không sử dụng phẩm màu công nghiệp trong chế biến thực phẩm. 

- Ngộ độc do nguyên nhân tự tử: đây là nhóm người bệnh cần được tư vấn kỹ nhất và khó nhất. Tìm hiểu nguyên nhân thực sự làm người bệnh tự tử mới có thể tháo gỡ được: buồn vì bệnh tật, bị bạo hành, cưỡng bức, vì thua cờ bạc, nợ nần, mâu thuẫn trong gia đình hoặc bạn bè, đồng nghiệp, nghiện ngập…

Người người thực hiện cần có sự tôn trọng, thông cảm, chia sẻ với người bệnh. Mục đích cuối cùng là làm người bệnh có thêm nghị lực, giải tỏa được stress và có kế hoạch sống tốt hơn, cởi mở hơn khi về với cuộc sống bình thường. Khám tư vấn thêm chuyên khoa Tâm thần để cùng giúp đỡ cho người bệnh không tự tử lại, phát hiện những rối loạn tâm thần sớm để điều trị cho người bệnh (thường là mắc trầm cảm).

- Ngộ độc vì lạm dụng ma túy, rượu…đây là vấn đề không dễ giải quyết. 

Giải thích và phối hợp cùng gia đình, tư vấn và gợi ý một số địa chỉ các Trung tâm cai nghiện giúp người bệnh và gia đình. 

- Ngộ độc do bị đầu độc: khám và đánh giá các triệu chứng khách quan, xét nghiệm độc chất, tư vấn cho gia đình và người bệnh cùng phối hợp điều trị, thông báo cho cơ quan thực thi Pháp luật. 

- Sau khi tư vấn, cần hỏi lại người bệnh và người nhà người bệnh trước khi kết thúc xem người bệnh đã đồng ý với các câu trả lời chưa, đã hiểu rõ vấn đề chưa, cần thêm thông tin về ngộ độc không. 

- Trong khi tư vấn cần tăng cường giáo dục về phòng tránh ngộ độc. 

Tai biến và xử trí

- Tránh giải thích quá sâu chuyên môn dẫn đến lo lắng (ví dụ ít nguy cơ lại giải thích nhiều về các biến chứng nặng nề, ung thư hóa…)

- Nếu kết thúc tư vấn người bệnh vẫn chưa hết thắc mắc thì cần mời hội chẩn tư vấn tiếp. 

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Thị Dụ và cs (2004), “Định hướng chung chẩn đoán và xử trí ngộ độc cấp”, Tư vấn chẩn đoán và xử trí nhanh ngộ độc cấp tập I, Nhà xuất bản Y học 2004, trang 9 - 24. 

2. Alex T. Proudfoot and J. Ward Donovan (2005), “Diagnosis of Poisonings”, Critical Care Tô xycology: Diagnosis and Management of the Critically Poisoned Patient, Copyright © 2005 Mosby, p 13 - 28. 

3. Edward M. Bottei, Donna L. Seger (2004), “Therapeutic Approach to the Critically Poisoned Patient”, Medical Tô xycology, Copyright © 2004 by Lippincott Williams & Wilkins, p 43 - 52.