Các bài viết liên quan
- QUY TRÌNH VẬN CHUYỂN NGƯỜI BỆNH ĐI LÀM CÁC THỦ THUẬT CAN THIỆP VÀ CHỤP CHIẾU Ở NGƯỜI BỆNH HỒI SỨC
- QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRUYỀN DỊCH BẰNG MÁY TRUYỀN DỊCH
- QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRUYỀN THUỐC BẰNG BƠM TIÊM ĐIỆN
- QUY TRÌNH KỸ THUẬT THAY BĂNG VẾT MỔ Ở NGƯỜI BỆNH HỒI SỨC CẤP CỨU VÀ CHỐNG ĐỘC
- QUY TRÌNH KỸ THUẬT CHĂM SÓC VẾT LOÉT Ở NGƯỜI BỆNH HỒI SỨC CẤP CỨU VÀ CHỐNG ĐỘC
- QUY TRÌNH KỸ THUẬT DỰ PHÒNG LOÉT Ở NGƯỜI BỆNH HỒI SỨC CẤP CỨU VÀ CHỐNG ĐỘC
- QUY TRÌNH KỸ THUẬT THỬ ĐƯỜNG MÁU MAO MẠCH
- QUY TRÌNH KỸ THUẬT GỘI ĐẦU Ở NGƯỜI BỆNH HỒI SỨC CẤP CỨU VÀ CHỐNG ĐỘC
- QUY TRÌNH KỸ THUẬT CHĂM SÓC ỐNG DẪN LƯU Ở NGƯỜI BỆNH HỒI SỨC CẤP CỨU VÀ CHỐNG ĐỘC
- QUY TRÌNH KỸ THUẬT CHĂM SÓC RĂNG MIỆNG ĐẶC BIỆT
QUY TRÌNH KỸ THUẬT GIẢI ĐỘC NGỘ ĐỘC RƯỢU METHANOL VÀ ETHYLENE GLYCOL
Quyết định số: 1904/QĐ-BYT
Ngày ban hành: 30/05/2014 12:00
Đại cương
- Methanol và ethylene glycol ether rất độc, đặc biệt gây nhiễm toan chuyển hóa, tụt huyết áp, suy thận, mù, tổn thương thần kinh và dễ tử vong.
- Ngộ độc các chất này cần được chẩn đoán và điều trị giải độc kịp thời, đặc biệt là lọc máu kết hợp với sử dụng ethanol hoặc fomepizole (4-methylpyrazole hay 4-MP).
Chỉ định điều trị
1. Ngộ độc methanol có:
- Nồng độ methanol > 20 mg/dL, hoặc:
- Bệnh sử nghi ngờ ngộ độc methanol (nghiện rượu > 100 ml/ngày, nay say rượu nặng, hôn mê, nhìn mờ, thở nhanh sâu, tụt huyết áp sau uống rượu) và có ít nhất 2 trong các tiêu chuẩn sau: pH < 7,3; HCO3< 20mmHg; khoảng trống ALTT > 10mOsm/kg, khoảng trống anion > 12 mEq/L hoặc:
- Nhiễm toan chuyển hóa không giải thích được nguyên nhân và có khoảng trống ALTT > 10mOsm/kg.
- Bệnh sử có uống methanol (loại rượu uống được xác định có methanol hoặc có người khác cùng vụ ngộ độc được chẩn đoán methanol) và có khoảng trống ALTT > 10 mOsm/kg (hay uống methanol trong vòng 24-48 giờ nếu không có xét nghiệm ALTT máu), khi chưa có kết quả xét nghiệm nồng độ, hoặc:
2. Ngộ độc ethylen glycol: Người bệnh uống ethylene glycol có:
- Nồng độ ethylene glycol > 20 mg/dL, hoặc:
- Khoảng trống ALTT > 10 mOsm/kg, hoặc:
- Có hai trong các tiêu chuẩn sau: pH < 7,3; HCO3< 20mmHg, có tinh thể oxalate trong nước tiểu.
Chống chỉ định
1. Chống chỉ định: không có
2. Thận trọng, với dùng ethanol:
Người bệnh đang hoặc đã dùng các thuốc kháng sinh nhóm nitroimidazole (như metronidazole, tinidazole) và disulfiram trong vòng vài ngày (nếu dùng ethanol sẽ gây hội chứng disulfiram, xin xem phần sau). Phải chuẩn bị theo dõi sát và xử trí phản ứng này.
Chuẩn bị
1. Người thực hiện
01 bác sỹ, 01 y tá
2. Phương tiện
¡ Thuốc:
- Thuốc giải độc đặc hiệu: dùng một trong các dạng sau:
+ Ethanol tĩnh mạch: nếu có chế phẩm này.
+ Ethanol dạng uống (rượu thực phẩm, thuộc loại sản phẩm đảm bảo an toàn và có ghi rõ độ cồn (%) của các nhà máy rượu có đăng ký chất lượng sản phẩm. Không dùng rượu tự nấu hoặc dân gian nấu)
+ Fomepizole: nếu có
- Thuốc chống nôn: primperan ống 10 mg: 02 ống. Hoặc thuốc khác thay thế.
- Vitamin B1 dạng tiêm, ống 0,1g: 5 ống.
- Thuốc giảm tiết axit dịch vị: omeprazole ống 40 mg, 2 ống. Hoặc thuốc khác thay thế.
- Thuốc bọc niêm mạc dạ dày: gastropulgit, 3 gói. Hoặc thuốc khác thay thế.
- Axit folic dạng tiêm hoặc uống: nếu có
- Dịch truyền các loại: natriclorua 0,9%, glucose 5%, glucose ưu trương, natribicarbonate.
- Furosemide ống 20 mg
- Kaliclorua ống 0,5-1g.
- Thuốc vận mạch, trợ tim: dopamine, dobutamin, noradrenalin, adrenalin.
- Các thuốc khác tùy theo tình trạng người bệnh.
¡ Các dụng cụ, thiết bị, cụ thể khác nhau tùy theo trường hợp:
- Gói dụng cụ tiêu hao
- Gói dụng cụ rửa tay, sát khuẩn
- Bộ dụng cụ bảo hộ cá nhân
- Bộ dụng cụ tiêm truyền vô khuẩn
- Dụng cụ, máy theo dõi
- Máy truyền dịch, bơm tiêm điện.
- Các dụng cụ, thiết bị khác tùy theo tình trạng người bệnh
3. Người bệnh và người nhà: được giải thích trước về kỹ thuật.
4. Hồ sơ bệnh án: bệnh án, bảng theo dõi chăm sóc và thực hiện thuốc của điều dưỡng.
Các bước tiến hành
Dùng một trong hai thuốc, ethanol hoặc fomepizole.
1. Dùng ethanol:
¡ Cách dùng ethanol đường uống:
- Loại ethanol dùng: loại rượu uống (như nêu trên)
- Cách pha: pha thành rượu nồng độ 20% (1 ml chứa 0,16 gram ethanol), loại nồng độ trên 20% cần được pha.
- Liều ban đầu: 800 mg/kg (4 ml/kg), uống (có thể pha thêm đường hoặc nước quả) hoặc nhỏ giọt qua sonde dạ dày.
- Liều duy trì: Người không nghiện rượu: 80 - 150 mg/kg/giờ (0.4 đến 0.7 ml/kg/giờ), ở người nghiện rượu: 150 mg/kg/giờ (0.8 ml/kg/giờ), uống hoặc qua sonde dạ dày.
- Liều dùng duy trì trong và sau khi lọc máu: 250 đến 350 mg/kg/giờ (1.3 đến 1.8 ml/kg/giờ), uống hoặc qua sonde dạ dày.
¡ Cách dùng ethanol dạng tĩnh mạch:
- Đặt catheter tĩnh mạch trung tâm (có quy trình riêng).
- Dùng ethanol 5 - 10%, truyền tĩnh mạch qua catheter tĩnh mạch trung tâm, khởi đầu 0,8g/kg cân nặng (8 ml/kg dung dịch ethanol 10%) truyền trong 20-60 phút để người bệnh dung nạp được, sau đó truyền với tốc đồ 80-150 mg/kg/giờ (0,9 - 1, 3 ml/kg/cân nặng dung dịch 10%, với người không nghiện rượu, 1,5 ml/kg/giờ với người nghiện rượu).
- Khi lọc máu thẩm tách, cho ethanol vào dịch lọc để đạt nồng độ trong dịch lọc 100 mg/dL hoặc tăng tốc độ truyền tĩnh mạch (2,5 - 3,5 ml/kg/giờ với dung dịch 10%).
¡ Theo dõi:
- Nồng độ ethanol máu (nếu có điều kiện), duy trì 100 - 150 mg/dL.
- Theo dõi tri giác, nôn, uống thuốc, tình trạng hô hấp, mạch, huyết áp, đường máu, điện giải máu.
¡ Ngừng ethanol khi đạt các tiêu chuẩn sau:
- Khoảng trống thẩm thấu máu về bình thường hoặc nồng độ methanol máu < 10 mg/dL.
2. Dùng fomepizole:
¡ Liều dùng (pha truyền tĩnh mạch): Liều ban đầu 15 mg/kg, sau đó 10 mg/kg/lần, 12 giờ/lần, dùng 4 lần. Các liều tiếp theo 15 mg/kg/lần, 12 giờ/lần tới khi xét nghiệm không còn methanol trong máu hoặc nồng độ methanol hoặc ethylene glycol máu dưới 20 mg/dL.
¡ Liều trong khi lọc máu thẩm tách:
-Trong khi đang lọc máu thẩm tách: bắt đầu một liều 15 mg/kg, sau đó 10 mg/kg/lần, 4 giờ/lần, dùng 4 lần, sau đó 15 mg/kg/lần, 4 giờ/lần tới khi nồng độ methanol hoặc ethylene glycol trong máu dưới 20 mg/dL và người bệnh không còn triệu chứng.
- Lúc kết thúc lọc máu thẩm tách: nếu thời gian từ liều fomepizole cuối cùng đến thời điểm kết thúc thận nhân tạo dưới 1 giờ, không cần dùng.
Nếu thời gian này 1-3 giờ, dùng 7,5 mg/kg. Nếu thời gian này trên 3 giờ thì dùng một liều 15 mg/kg.
¡ Cách pha truyền fomepizole: thuốc được bảo quản ở nhiệt độ lạnh, đông cứng ở nhiệt độ dưới 25oC, nên làm ấm thuốc nhẹ (ví giữ trong lòng bàn tay) để thuốc trở thành lỏng, pha mỗi liều thuốc trong 100 ml natri clorua 0,9% hoặc glucose 5% và truyền tĩnh mạch chậm trong 30 phút.
3. Thuốc hỗ trợ:
- Ngộ độc methanol: axit folic, viên 5 mg, 2 viên/ngày (người trên 1 tuổi), hoặc 0,5 mg/kg với trẻ dưới 1 tuổi.
- Ngộ độc ethylene glycol: vitamin B6 100 mg/ngày, tiêm bắp; vitamin B1 100 mg/ngày, tiêm bắp.
- Natribicarbonate: cho khi nhiễm toan chuyển hóa, liều 1 - 2 mEq/kg cho cả trẻ em và người lớn, điều chỉnh để pH bình thường.
- Truyền dịch, lợi tiểu để tăng lượng nước tiểu.
4. Lọc máu: lưu ý trong hoặc sau khi dùng ethanol hoặc fomepizole, kết hợp lọc máu thẩm tách như sau:
¡ Chỉ định với ngộ độc methanol:
- Nồng độ methanol máu >20 mg/dL hoặc khoảng trống ALTT > 10mOsm/kg.
- Toan chuyển hóa rõ (ví dụ pH < 7,3; HCO3 < 20 mEq) bất kể nồng độ methanol là bao nhiêu.
- Người bệnh có rối loạn về nhìn: ví dụ mở mắt, giảm thị lực, ...
- Suy thận không đáp ứng với điều trị thường quy.
- Ngộ độc methanol ở người nghiện rượu bất kể nồng độ methanol máu.
¡ Chỉ định với ngộ độc ethylene glycol:
- Nhiễm toan chuyển hóa pH < 7, 2) không đáp ứng với điều trị.
- Suy thận
- Nồng độ ethylene glycol bằng 20 mg/dL hoặc hơn (trừ khi người bệnh đang dùng fomepizole và không triệu chứng và pH bình thường)
- Các dấu hiệu sinh tồn nặng lên mặc dù đã được cấp cứu hồi sức
- Rối loạn điện giải không đáp ứng với các biện pháp điều trị thường quy
Tai biến và xử trí
1. Các tai biến do dùng ethanol
¡ Nôn:
- Phòng tránh, xử trí: dùng qua đường tiêu hóa chỉ với nồng độ 20%, chống nôn (VD metoclopramide tĩnh mạch), bọc niêm mạc dạ dày (VD gastropulgit), truyền qua sonde dạ dày hoặc uống chậm. Lưu ý nằm đầu và vai cao, áp dụng các biện pháp chống hít phải dịch dạ dày khi người bệnh nôn. Nên dùng ethanol qua đường tĩnh mạch nếu có chế phẩm này.
¡ Hạ đường huyết
- Do dùng ethanol (có cả vai trò của ngộ độc methanol và ethylene glycol), người bệnh ăn kém, không được truyền glucose, trẻ em, người gầy yếu.
- Phòng, xử trí: cho người bệnh ăn đủ, truyền glucose tĩnh mạch liên tục khi dùng ethanol cho người bệnh.
¡ Rối loạn ý thức
- Hưng cảm, kích thích, vật vã.
- Chỉ dùng đủ liều ethanol đạt nồng độ yêu cầu, giải thích động viên người bệnh và gia đình, không để người bệnh ngã, quậy phá ảnh hưởng điều trị.
Không được dùng thuốc an thần cho người bệnh (nếu dùng người bệnh sẽ rối loạn ý thức nặng lên).
¡ Rối loạn nước, điện giải: thường gặp
- Hạ kali máu:
+ Do nôn, do truyền nhiều bicarbonate, lợi tiểu và không bù đủ kali.
+ Xử trí: chống nôn, bù kali theo phác đồ.
- Hạ natri máu:
+ Do nôn, do dùng ethanol (chỉ có nước và ethanol), do truyền dịch thiếu natri.
+ Xử trí, phòng: chống nôn, bù natri theo phác đồ.
2. Các tai biến do dùng fomepizole
- Nói chung các tai biến, biến chứng ít gặp và nhẹ và thoáng qua, bao gồm: đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, thay đổi vị giác, tăng huyết áp, tăng men gan, tăng bạch cầu ưa axit, viêm hạch bạch huyết, sốt.
- Xử trí: điều trị triệu chứng thường quy.
Tài liệu tham khảo
1. POISINDEX® Managements (2012), “Methanol”, MICROMEDEXÒ 2.0 (Healthcare Series), Thomson Reuters, United State.
2. POISINDEX® Managements (2012), “Ethylene glycol”, MICROMEDEXÒ 2.0 (Healthcare Series), Thomson Reuters, United State.
3. POISINDEX® Managements (2012), “Ethanol”, MICROMEDEXÒ 2.0 (Healthcare Series), Thomson Reuters, United State.
4. Wiener S. W. (2006), Chapter 103: Tô xyc Alcohols, Goldfrank’s Tô xycologic Emergencies, 8th Edition, McGraw-Hill, United State.