Các bài viết liên quan
- QUY TRÌNH VẬN CHUYỂN NGƯỜI BỆNH ĐI LÀM CÁC THỦ THUẬT CAN THIỆP VÀ CHỤP CHIẾU Ở NGƯỜI BỆNH HỒI SỨC
- QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRUYỀN DỊCH BẰNG MÁY TRUYỀN DỊCH
- QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRUYỀN THUỐC BẰNG BƠM TIÊM ĐIỆN
- QUY TRÌNH KỸ THUẬT THAY BĂNG VẾT MỔ Ở NGƯỜI BỆNH HỒI SỨC CẤP CỨU VÀ CHỐNG ĐỘC
- QUY TRÌNH KỸ THUẬT CHĂM SÓC VẾT LOÉT Ở NGƯỜI BỆNH HỒI SỨC CẤP CỨU VÀ CHỐNG ĐỘC
- QUY TRÌNH KỸ THUẬT DỰ PHÒNG LOÉT Ở NGƯỜI BỆNH HỒI SỨC CẤP CỨU VÀ CHỐNG ĐỘC
- QUY TRÌNH KỸ THUẬT THỬ ĐƯỜNG MÁU MAO MẠCH
- QUY TRÌNH KỸ THUẬT GỘI ĐẦU Ở NGƯỜI BỆNH HỒI SỨC CẤP CỨU VÀ CHỐNG ĐỘC
- QUY TRÌNH KỸ THUẬT CHĂM SÓC ỐNG DẪN LƯU Ở NGƯỜI BỆNH HỒI SỨC CẤP CỨU VÀ CHỐNG ĐỘC
- QUY TRÌNH KỸ THUẬT CHĂM SÓC RĂNG MIỆNG ĐẶC BIỆT
QUY TRÌNH KỸ THUẬT ĐIỀU TRỊ GIẢM NỒNG ĐỘ NATRI MÁU Ở NGƯỜI BỆNH BỊ RẮN CẠP NIA CẮN
Quyết định số: 1904/QĐ-BYT
Ngày ban hành: 30/05/2014 12:00
Đại cương
- Giảm nồng độ natri máu khi Natri máu < 135 mmol/l (còn gọi là hạ natri máu, giảm natri máu, natri máu giảm, natri máu hạ).
- Giảm nồng độ natri máu ở NGƯỜI BỆNH bị rắn cạp nia cắn có tỉ lệ mắc cao (tới 82% NGƯỜI BỆNH bị rắn cạp nia cán có giảm natri máu. Trong nọc rắn một số loại răn hổ (trong đó có rắn cạp nia) ngoài độc tố thần kinh gây liệt cơ, còn có các thành phần Natriuretic peptide gây tăng thải natri qua nước tiểu. Do đó giảm Natri máu ở đây là do mất natri qua đường niệu, nồng độ natri niệu cao tới 500 -900 mmol/l, hiện tượng này kéo dài hàng tuần.
- Natri được bù vào vì thế vẫn tiếp tục bị mất đi qua nước tiểu nên điều trị giảm nồng độ natri máu ở NGƯỜI BỆNH bị rắn cạp nia cắn không giống các người bệnh giảm nồng độ Natri khác.
- Mặt khác, truyền nhiều dịch cho Người bệnh bị rắn cạp nia cắn sẽ dẫn đến đa niệu kéo theo mất natri nhiều hơn và giảm natri máu nặng hơn. Vì vậy trong khi bù natri cho NGƯỜI BỆNH bị rắn cạp nia căn cần hạn chế dịch truyền vào.
Chỉ định điều trị
Natri máu < 135 mmol/l ở người bệnh bị rắn cạp nia cắn
Chống chỉ định
- Không có chống chỉ định tuyệt đối.
- Trong quá trình bù Natri, hạn chế truyền các dung dịch nhược trương, đẳng trương khác.
Chuẩn bị
1. Người thực hiện
- Bác sĩ theo dõi ra y lệnh, xử trí quyết định số lượng Natri bù và tốc độ Natri bù.
- Một điều dưỡng thực hiện y lệnh pha, tiêm truyền, lấy máu nước tiểu làm xét nghiệm.
2. Phương tiện
- Gói dụng cụ tiêu hao: 01
- Gói dụng cụ rửa tay, sát khuẩn: 01
- Bộ dụng cụ bảo hộ cá nhân: 01
- Bộ dụng cụ tiêm truyền vô khuẩn: 01
- Bộ dụng cụ, thuốc cấp cứu khi làm thủ thuật
- Dụng cụ, máy theo dõi.
- Máy truyền dịch, bơm tiêm điện
- Dịch truyền: natriclorua 0,9% để pha với Natriclorua ưu trương.
- Thuốc: Natriclorua 10% - Ống 0,5g, muối ăn dạng gói 10 gam.
3. Người bệnh
- Giải thích cho người bệnh hợp tác.
- Giải thích cho người nhà người bệnh
4. Hồ sơ bệnh án: Ghi rõ chỉ định điều trị hạ natri máu.
Các bước tiến hành
Bác sĩ thực hiện: chẩn đoán, phân loại, chỉ định phương thức và tốc độ bù natri, theo dõi, điều chỉnh kịp thời, ghi hồ sơ bệnh án theo các bước sau.
Bước 1: theo dõi phát hiện kịp thời hạ natri máu ở người bệnh bị rắn cạp nia cắn
- Khám toàn diện người bệnh, theo dõi lượng nước tiểu
- Xét nghiệm Natri máu cho người bệnh bị rắn cạp nia cắn 6 giờ 1 lần;
- Xét nghiệm Natri niệu 24 giờ mỗi ngày lần
Bước 2. Chẩn đoán mức độ hạ Natri máu và quyết định cách thức bù
Nhẹ: Nếu Natri máu ở mức 130 < Natri máu < 135 mmol/l:
Bù Natri qua đường ăn: muối ăn 10 gam pha thành 60 ml chia đều ra 6 bữa ăn mỗi bữa 10 ml bơm cùng thức ăn.
Nặng: Nếu Natri máu ≤ 130 mmol/l:
Dd Natriclorua 2% truyền tĩnh mạch 80 ml/giờ (vẫn tiếp tục bù muối ăn).
Nguy kịch: hạ Natri máu gây suy giảm ý thức, co giật, Natri máu < 125 mmol/l
Truyền dung dịch Natriclorua 2% 500 ml trong 3 giờ, rồi giảm xuống tốc độ 80 ml/giờ. Điều chỉnh tốc độ truyền khi có kết quả xét nghiệm sau 06 giờ.
Bước 3. Theo dõi và điều chỉnh tốc độ truyền Natriclorua 2%
Theo dõi xét nghiệm 6 giờ/lần trong khi đang truyền natri 2% được 6 giờ trở lên
+ Nếu Natri máu > 135 mmol/l, dừng truyền Natriclorua 2%
+ Nếu Natri máu 135 - 130 mmol/l: duy trì tốc độ truyền Natriclorua 2%
+ Nếu Natri máu < 130 mmol/l tăng tốc độ truyền Natriclorua 2% (thêm 20 ml/giờ)
Bước 4. Ra y lệnh ngừng thủ thuật khi:
Nếu Natri máu > 135 mmol/l, dừng truyền Natriclorua 2% quá 24 giờ mà natri máu không giảm, natri niệu trở về bình thường.
Điều dưỡng thực hiện theo y lệnh bác sĩ:
- Tiến hành cài đặt monitor, theo dõi mạch, huyết áp, ý thức
- Đặt đường truyền ngoại vi tốt, hoặc phụ giúp bác sĩ đặt Catheter tĩnh mạch trung tâm.
- Pha dung dịch muối ăn: 10 g muối ăn pha thành 60 ml, chia vào 6 bữa ăn bơm qua sonde dạ dày mỗi bữa 10 ml
- Pha dung dịch Natriclorua ưu trương 2%:
+ Lấy Dd Natriclorua 0,9% 1000 ml, rút bỏ đi 120 ml. Pha thêm 24 ống Natriclorua 10% (5 ml = 0,5 gam), chúng ta được 1000 ml Natriclorua 2% có chứa 338, 6 mmol natri.
+ Hoặc lấy Dd Natriclorua 0,9% 500 ml, rút bỏ đi 60 ml. Tiến hành pha thêm 12 ống Natriclorua 10% (5 ml = 0,5 gam), chúng ta được 500 ml Natriclorua 2% có chứa 169, 3 mmol Natri.
-Nối hệ thống truyền với người bệnh, cài đặt máy truyền dịch truyền theo y lệnh
-Theo dõi nước tiểu, làm xét nghiệm natri máu và natri niệu theo quy trình, trực tiếp báo cáo kết quả với bác sĩ khi có bất thường.
-Ngừng truyền natri clorua 2% theo y lệnh.
Tai biến và xử trí
1. Tai biến không xảy ra nếu làm chặt chẽ theo dõi sát.
- Tăng áp lực thẩm thấu máu do quá liều natri ưu trương.
- Phù não, hôn mê, do bù natri máu quá nhiều hoặc quá nhanh.
- Quá tải dịch.
- Tiêu chảy do bù muối qua đường ăn quá liều.
2. Xử trí:
- Tăng áp lực thẩm thấu, hôn mê phù não: Tạm dừng truyền các đường bù natri, chống phù não, truyền dịch Natriclorua 0,45 %
- Quá tải dịch: Giảm tốc độ dịch truyền, lợi tiểu.
- Tiêu chảy: tạm dừng natri đường tiêu hóa, bù lượng tuần hoàn đã mất.
Tài liệu tham khảo
1. Vũ Văn Đính (2001). “Rối loạn thăng bằng nước và điện giải trong cơ thể”. Hồi sức cấp cứu tập II, NXB Y học. Tr. 5-31.
2. Nguyễn Đạt Anh, Đặng Quốc Tuấn (2012). “Các bất thường điện giải”. Hồi sức cấp cứu tiếp cận theo các phác đồ, NXB khoa học kỹ thuật. Tr. 269-290.
3. Phạm Duệ và cs (2010), “Điều trị hạ Natri máu ở người bệnh bị rắn cạp nia cắn bằng dung dịch Natri clorua 2%”, Tạp chí Y học lâm sàng - Số chuyên đề Hội nghị khoa học Bệnh viện Bạch Mai lần thứ 28, tr. 259-264
4. Bệnh viện Bạch Mai (2011) - “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh học nội khoa” NXB y học, Trang 148 - 149.
5. Lee P, Bento M, Thomas et al (1997), “Cloning of an unusual natriuretic peptide from the South American coral snake Micrurus Corallirus “, Eur J Biochem, (250), pp 144 - 149.
6. David B. Mount (2012). “Fluid and Electrolyte Disturbances”, Harrison’s principles of internal medicine, 18th edition, vol 1, Mc Graw Hill. pp.341 - 355.