Tra cứu  ›  QTKT khám-chữa bệnh  ›  QUY TRÌNH KỸ THUẬT XOA BÓP PHÒNG CHỐNG LOÉT (Một ngày)

QUY TRÌNH KỸ THUẬT XOA BÓP PHÒNG CHỐNG LOÉT (Một ngày)

Quyết định số: 1904/QĐ-BYT

Ngày ban hành: 30/05/2014 12:00

Đại cương

+Xoa bóp có hiệu quả rất hữu ích làm giảm đau, giảm phù nề và di động các lớp mô co thắt

+Tăng tuần hoàn dinh dưỡng tại chỗ

+Tăng cường phục hồi các cơ liệt

+Ngăn cản quá trình teo cơ khi thương tổn thần kinh trung ương

+Làm mềm gân cơ dây chằng co rút

Chỉ định điều trị

+Liệt hoàn toàn

+Liệt nửa người

+Liệt chi

+Hạn chế vận động

+Người bệnh nằm lâu

+Người bệnh hôn mê

Chống chỉ định

+Tình trạng nhiễm trùng bởi vì xoa bóp có thể phá vỡ hàng rào ngăn chặn ổ nhiễm trùng không cho lan rộng

+Ung thư vì các mô ung thư hay các di căn có thể lan rộng đi xa do tác dụng cơ học của xoa bóp

+Chống chỉ định một số bệnh ngoài da vì xoa bóp có thể gây nhiễm cho người bệnh hoặc gây tình trạng da bị kích thích hoặc bị tổn thương. Đối với người bệnh suy yếu phải thận trọng không xoa bóp trên các vùng mới mọc da non

+Đối với trường hợp viêm tĩnh mạch huyết khối xoa bóp rất nguy hiểm vì có thể làm vỡ các cục huyết khối di chuyển theo đường tuần hoàn và gây tình trạng nghẽn mạch. 

Chuẩn bị

1. Người bệnh

-Giải thích cho người bệnh (nếu người bệnh tỉnh) mục đích và lợi ích của xoa bóp

-Người bệnh phải được thư giãn thoải mái, áo quần không quá chật đặc biệt là nơi gần điều trị. Chỉ cần để hở vùng điều trị xoa bóp chứ không nên bắt người bệnh phải trần trụi một cách không cần thiết có thể gây nhiễm lạnh và cả sự lúng túng ngượng ngùng cho người bệnh

2. Người thực hiện

-Người điều trị cần phải thư giãn và ở một tư thế thoải mái sao cho các thao tác thực hiện dễ dàng và không phải thay đổi vị trí đứng hoặc phải có những động tác không cần thiết. 

-Đội mũ. đeo khẩu trang

3. Dụng cụ

STT                 Dụng cụ                                                Đơn vị              Số lượng

1                     Găng sạch                                            đôi                  01

2                     Khăn bông to                                        Cái                   01

3                     Khăn trải giường                                   Cái                  01

4                     Gối                                                      Cái                   01

5                     Dầu xoa, Sanyren                                  Ml                    15

6                     Máy hút đờm (nếu cần)                          bộ                   01

7                     Dụng cụ bảo hộ                                    Cái                   01

8                     Gói dụng cụ rửa tay, sát khuẩn              gói                  01

4. Phiếu theo dõi chăm sóc

Các bước tiến hành

Sử dụng dầu thoa thuốc mỡ hoặc bột tan trước khi thực hiện xoa bóp. 

1. Kỹ thuật vuốt về

- Bước 1: xoa ở phần bị liệt, bị yếu cơ và hạn chế vận động trước. 

+ Xoa bóp vuốt về được thực hiện bằng cách vuốt về trên mặt da. Lực vuốt khởi đầu từ xa tiến tới phần gần để tạo thuận lợi cho sự lưu thông máu. 

+ Hai bàn tay có thể rời phần cuối của động tác và trở lại điểm khởi đầu, cử động cần có nhịp điệu, sự tiếp xúc cũng nhu giải tỏa đều được thực hiện một cách dịu dàng và không đột ngột sự vuốt về cố thể thực hiện nông hoặc sâu trong vuốt về sâu hướng của lực rất quan trọng vì mục tiêu chính là tạo thuận cho sự lưu thông tuần hoàn và chuyển di các chất dịch tích động hay phù nề. 

+ Thực hiện kỹ thuật vuốt mỗi 5 - 10 lần một vị trí

-Bước 2: xoa chi trên, chi dưới, toàn thân vùng lành. 

+ Thực hiện kỹ thuật vuốt mỗi 5 - 10 lần một vị trí

2. Kỹ thuật nhào bóp

Kỹ thuật nhào bóp bao gồm xoa ép và trà xát. Có thể xem như một cử động theo đó các mô mềm được nhấc lên giữa các ngón tay và thực hiện một cách luân phiên tạo cử động trong giới hạn của chính cơ đó. Kỹ thuật này không theo một hướng đặc biệt nào do được sử dụng di chuyển các chất dịch trong mô và tạo nên cử động trong cơ nhằm kéo giãn các kết dính. 

- Ưu tiên xoa bóp cho phần bị liệt, bị yếu và hạn chế vận động

- Thực hiện kỹ thuật nhào mỗi vị trí 5 - 10 lần. 

- Kết hợp xoa bóp với lăn trở và vỗ rung cho người bệnh thì khả năng phòng chống loét sẽ tốt hơn. 

- Khi xoa bóp chi thì xoa bóp từ phía đầu chi hướng dần về phía gốc chi. 

Khi vỗ rung phổi thì vỗ từ đáy phổi dần lên trên, từ ngoài vào trong để dồn đờm dãi về phía rốn phổi giúp người bệnh ho khạc và hút đờm dễ dàng hơn

- Người bệnh cần được vệ sinh sạch sẽ, khô thoáng kết hợp với bôi Saryren để làm tăng sức khỏe cho da. 

- Trong khi làm thủ thuật cần nhẹ nhàng nói chuyện và động viên người bệnh, nhằm giúp cho người bệnh có cảm giác thoải mái và yên tâm vào động tác của kỹ thuật viên. 

Chú ý: Sự khéo léo là cần thiết trong kỹ thuật xoa bóp, tránh gây đau và sự sợ hãi cho người bệnh. Một cơ giãn nghỉ có những tính chất vật lý giống như một chất lỏng được bọc trong một lớp màng, do đó áp suất để trên bất cứ phần nào của cơ cũng đều dẫn truyền tỏa ra theo mọi hướng. Như vậy áp xuất cũng được truyền xuống dưới các cơ ở dưới sâu hơn. Ngược lại, cơ căng cơ co thắt sẽ mang tính chất vật lý của một vật cứng và không truyền lực như cơ thư giãn. 

Đánh giá hiệu quả: sau khi hoàn thành xoa bóp, người bệnh sẽ được cải thiện về cơ lực và cảm giác của người bệnh sẽ dễ chịu, thoải mái và hạnh phúc. 

Tai biến và xử trí

- Báo bác sĩ

- Hút đờm, dịch đọng ở miệng

Tài liệu tham khảo

1. Hà Nội (2002). Vật lý trị liệu phục hồi chức năng. Nhà xuất bản y học

2. Đỗ Thị Dung(2007), “Hướng dẫn kỹ thuật xoa bóp phương đông - Phương tây”, Nhà xuất bản y học.