Tra cứu  ›  QTKT khám-chữa bệnh  ›  QUY TRÌNH KỸ THUẬT CÂN NGƯỜI BỆNH NẶNG TẠI GIƯỜNG

QUY TRÌNH KỸ THUẬT CÂN NGƯỜI BỆNH NẶNG TẠI GIƯỜNG

Quyết định số: 1904/QĐ-BYT

Ngày ban hành: 30/05/2014 12:00

Đại cương

Cân người bệnh là công việc cần thiết. Đặc biệt đối với người bệnh tình trạng nặng hay đối với người bệnh nằm điều trị tại các khoa Hồi sức cấp cứu. 

Cân người bệnh định kỳ giúp cho bác sỹ điều chỉnh liều lượng thuốc điều trị chính xác cho từng bệnh. 

Cân người bệnh hàng ngày phát hiện mức độ thừa cân, giữ nước đối với các trương hợp: người bệnh suy thận, suy tim, có phù. Hay các người bệnh lọc máu liên tục, chạy thận nhân tạo ngắt quãng. 

Chỉ định điều trị

Tất cả các người bệnh không thể cân nặng ở tư thế đứng, như: hôn mê, người bệnh thở máy, bị liệt 1/2 người hoặc liệt tủy, người bệnh có chấn thương tủy cổ… 

Chống chỉ định

- Không có chống chỉ định. 

- Không cân ngay khi người bệnh vừa nhập viện trong tình trạng sốc, suy hô hấp, loạn nhịp tim, co giật mà chưa kiểm soát được. 

- Tình trạng chấn thương cột sống, xương gẫy chưa cố định

- Nếu người bệnh cần đặt ở tư thế fowler (đang phù phổi cấp nặng)

Chuẩn bị

1. Người thực hiện: 02 điều dưỡng được đào tạo chuyên khoa hồi sức cấp cứu. 

2. Phương tiện, dụng cụ: Kiểm tra cân hoạt động tốt. (Cân SCALETRONIX)

-Cáng cân

-Cân SCALETRONIX

-Găng sạch

-Dung dịch khử khuẩn bề mặt

-Khăn lau cân

-Mũ: 02 cái

-Khẩu trang: 02 cái

-Dung dịch sát khuẩn tay nhanh

-Xà phòng diệt khuẩn

-Dung dịch khử khuẩn sơ bộ

3. Người bệnh: đặt người bệnh tư thế nằm ngửa thẳng, đầu thấp. 

4. Hồ sơ bệnh án, phiếu chăm sóc.

Các bước tiến hành

-Đưa cân đến giường người bệnh. 

-Test cân chỉnh lại cân trước khi cân. 

-Trải cáng cân lên giường người bệnh. 

-Đặt người bệnh lên cáng cân. 

-Đặt các móc cân và tiến hành cân cho người bệnh. 

-Cân xong đặt người bệnh tư thế phù hợp. 

-Vệ sinh cáng cân bằng dung dịch khử khuẩn, lau khô cáng cân. 

-Ghi vào hồ sơ bệnh án hoặc bảng theo dõi: cân nặng và ngày, giờ cân. 

Tai biến và xử trí

- Tụt ống nội khí quản, tụt ống nối của máy thở gây suy hô hấp. 

- Tụt đường truyền tĩnh mạch đặc biệt NGƯỜI BỆNH đang truyền các thuốc vận mạch

- Chấn thương cột sống, xương gẫy nặng hơn nếu chưa được cố định

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Y tế, Vụ khoa học đào tạo; (2006); Chăm sóc hàng ngày và vệ sinh cho người bệnh; Kỹ thuật điều dưỡng. Nhà xuất bản y học. Trang 139-152. 

2. Joanne Tollefson; (2010); Physical Assessment; Clinical psychomotor skills; 4th Edition; Cengage Learning; pp 17-22. 

3. Ruth F. Craven; Constance J. Hirnle; (2007); Essential Assessment Components, Fifth Edition; Lippincott Williams & Wilkins; pp 434-513.