Tra cứu  ›  QTKT khám-chữa bệnh  ›  PHẪU THUẬT LẤY THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM CỘT SỐNG THẮT LƯNG SỬ DỤNG NẸP CỐ ĐỊNH LIÊN GAI SAU (DIAM, SILICON, COFLEX, GELFIX…)

PHẪU THUẬT LẤY THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM CỘT SỐNG THẮT LƯNG SỬ DỤNG NẸP CỐ ĐỊNH LIÊN GAI SAU (DIAM, SILICON, COFLEX, GELFIX…)

Quyết định số: 11/QĐ-BYT

Ngày ban hành: 04/01/2022 12:00

Đại cương

Phương pháp lấy thoát vị đĩa đệm sử dụng nẹp cố định liên gai sau trong hỗ trợ điều trị các bệnh lý thoái hóa vùng cột sống thắt lưng đã được các nước Châu Âu và Mỹ áp dụng từ những năm 2000 với mục đích duy trì tính toàn vẹn của đơn vị vận động cột sống, giảm áp lực cho hệ thống đĩa đệm và diện khớp, hạn chế các động tác quá cúi hoặc ưỡn của cột sống, làm chậm quá trình thoái hóa và nguy cơ xuất hiện hội chứng liền kề. Qua các nghiên cứu và báo cáo cho thấy bước đầu dụng cụ đã mang lại những giá trị nhất định.

Chỉ định điều trị

  • Thoát vị đĩa đệm: Chủ yếu ở vùng L3L4, đặc biệt L4L5 là nơi dễ mất vững. Dụng cụ được sử dụng nhằm phòng ngừa đau lưng do diện khớp phải chịu tải quá lớn sau khi đĩa đệm vùng đó đã bị cắt.
  • Hẹp ống sống thắt lưng: Dụng cụ tác động đến cấu trúc xương vùng ống sống và cải thiện tình trạng bệnh lý đốt sống (giảm xung huyết tĩnh mạch, làm giãn rộng khe giữa các đốt sống), giảm đau lưng sau mổ do giảm tải được cho diện khớp sau khi kỹ thuật mở cửa sổ xương được thực hiện. Sau đặt dụng cụ, chiều cao gian đĩa và lỗ liên hợp còn được cải thiện, đường ra rễ thần kinh được giải phóng.
  • Hội chứng diện khớp và đĩa đệm đen: Trong trường hợp này, dụng cụ Silicon được đặt vào một hoặc vài tầng nhằm giảm tải cho đĩa đệm và các khớp phía sau do hậu quả của quá trình thoái hóa phải chịu tải quá mức chịu đựng.
  • Sau bắt vít cố định cột sống thắt lưng: Thoái hóa vùng diện khớp phía trên và dưới đoạn cố định do phải chịu tải nhiều hơn. Sau khi cố định, việc ưỡn lưng quá nhiều dẫn đến tâm chịu lực chuyển ra sau làm hẹp ống sống. Do đó dụng cụ được sử dụng hữu hiệu khi phối hợp với vít cố định cột sống nới mà việc giải ép và/hoặc dụng cụ cố định có thể ảnh hưởng đến các diện khớp. Dụng cụ có thể được sử dụng cả ở đoạn trên và dưới đoạn cố định, nhất là loại cố định đa tầng, nhằm làm chậm quá trình thoái hóa diện khớp và đĩa đệm sau cố định.

.

Chống chỉ định

  • Trượt đốt sống mất vững
  • Gãy đốt sống
  • Nhiễm trùng vùng phẫu thuật
  • Khuyết hở eo đốt sống
  • Vẹo cột sống bẩm sinh
  • Khối u vùng cột sống
  • Gãy hoặc di dạng mỏm gai đốt sống vùng đặt dụng cụ
  • Loãng xương nặng
  • Các bệnh lý nội khoa nặng, tiến triển (Lao, suy tim, xơ gan…)

 

Chuẩn bị

1. Người thực hiện:
– 1 phẫu thuật viên chuyên khoa cột sống
– Ít nhất 1 phụ mổ
2. Người bệnh:
– Người bệnh và người nhà được giải thích rõ trước mổ về tình trạng bệnh, tình trạng chung, phương pháp phẫu thuật, các tai biến, biến chứng có thể xảy ra
– Điều trị ổn định các bệnh lý nội khoa như cao huyết áp, đái tháo đường….
– Nhịn ăn, thụt tháo, vệ sinh vùng phẫu thuật
– Kháng sinh dự phòng trước mổ
3. Phương tiện:
– Thuốc mê, thuốc tê tại chỗ
– Bộ đồ tủy
– Dụng cụ cố định liên gai sai
– Carm trong mổ
4. Dự kiến thời gian phẫu thuật: 60 phút

Các bước tiến hành

1. Tư thế: Người bệnh nằm sấp, được độn gối dưới ngực , khung chậu và 2 chân
2. Vô cảm: Mê nội khí quản
3. Kỹ thuật:
– Kiểm tra dưới C-arm vị trí hẹp ống sống
– Gây tê tại chỗ, rạch da đường liên gai sau tương ứng tầng bệnh lý
– Bộc lộ cung sau hai bên, điều tối quan trọng là bảo tồn dây chằng trên gai và liên gai.
– Mở cửa sổ xương một hoặc hai bên làm rộng ống sống và giải ép thần kinh, có thể kèm lấy nhân thoát vị, mở rộng lỗ liên hợp
– Dùng banh banh rộng khoang gian cung sau để mở rộng lỗ liên hợp và nâng chiều cao đĩa đệm 
– Thử cỡ dụng cụ liên gai sau và đặt dụng

– Cầm máu, dẫn lưu, đóng vết mổ theo lớp

Tai biến và xử trí

1. Theo dõi:
– Theo dõi các dấu hiệu sinh tồn (Mạch, HA, nhịp thở..) và tình trạng chảy máu qua dẫn lưu.
– Rút dẫn lưu sau 24-48h
– Tập vận động sớm sau mổ với áo hỗ trợ cột sống thắt lưng (sau mổ 24h) và tập phục hồi chức năng theo hướng dẫn.
– Chụp XQ kiểm tra tình trạng dụng cụ sau mổ 24-48h.
2. Các biến chứng sau mổ có thể xảy ra:
– Chảy máu
– Biến chứng liên quan kích cỡ dụng cụ: cỡ quá nhỏ không đủ để giải ép, cỡ quá to sẽ gây gù tương đối và nguy cơ gãy mỏm gai và cung sau sau.
– Nguy cơ di chuyển của dụng cụ
– Tổn thương rách màng cứng, rễ thần kinh
– Nhiễm trùng sau mổ, viêm đĩa đệm phải lấy bỏ dụng cụ
– Đặt nhầm vị trí