Tra cứu  ›  QTKT khám-chữa bệnh  ›  PHẪU THUẬT ĐIỀU TRỊ TỔN THƯƠNG GÂN CƠ CHÓP XOAY

PHẪU THUẬT ĐIỀU TRỊ TỔN THƯƠNG GÂN CƠ CHÓP XOAY

Quyết định số: 11/QĐ-BYT

Ngày ban hành: 04/01/2022 12:00

Đại cương

- Chóp xoay khớp vai là phần gân bám vào đầu trên xương cánh tay (gân cơ dưới vai, gân cơ trên gai, gân cơ dưới gai và gân cơ tròn bé). Là tổn thương thường gặp trong chấn thương khớp vai.
- Tổn thương chóp xoay khớp vai nếu không được điều trị kịp thời sẽ làm cho người bệnh đau đớn và dẫn đến mất chức năng, hoặc các biến chứng như cứng khớp, teo cơ, thoái hóa khớp vai,...
- Khi đã có rách gân cơ chóp xoay nếu không phẫu thuật khâu lại sẽ không thể liền được mà tổn thương rách sẽ rộng hơn.

Chỉ định điều trị

Tổn thương rách chóp xoay (chẩn đoán lâm sàng và trên phim cộng hưởng từ hạt nhân) đã điều trị nội khoa và tập phục hồi chức năng.

Chống chỉ định

Người bệnh có bệnh phối hợp không thể tiến hành phẫu thuật, hoặc có không thể gây mê nội khí quản.

Chuẩn bị

1. Người thực hiện: 01 kíp Phẫu thuật viên chuyên khoa chấn thương chỉnh hình (3 Bác sĩ) được đào tạo về phẫu thuật khớp vai.
2. Người bệnh 
- Chuẩn bị tâm lý: người bệnh cần được giải thích trước mổ về quá trình phẫu thuật, hậu phẫu và tập phục hồi chức năng sau mổ, biến chứng có thể xảy ra, ưu nhược điểm….. 
- Chuẩn bị hồ sơ bệnh án đầy đủ thủ tục hành chính và các xét nghiệm cần thiết. 
- Chuẩn bị người bệnh trước mổ: nhịn ăn, vệ sinh vùng mổ, kháng sinh dự phòng.
3. Phương tiện, trang thiết bị
- Bộ dụng cụ mổ chấn thương chỉnh hình chi trên. 
- Thực hiện tại các trung tâm lớn có chuyên khoa chấn thương chỉnh hình.
4. Dự kiến thời gian tiến hành: 120-180 phút

Các bước tiến hành

1. Tư thế:  Người bệnh nửa nằm nửa ngồi được cố định vững trên bàn chỉnh hình. Sát khuẩn rộng vùng phẫu thuật.
2. Vô cảm: Gây mê toàn thân bằng nội khí quản.
3. Kỹ thuật
- Rạch da đường ngoài hoặc trước ngoài khớp vai, hoặc đường ngang mỏm cùng vai 6-10cm.
- Tách cơ Delta theo bó cơ, bộc lộ khoang dưới mỏm cùng vai và mấu động lớn xương cánh tay.
- Làm sạch tổ chức xơ dính, thăm khám xác định vùng rách chóp xoay (cần đánh giá gân cơ trên gai, gân cơ dưới gai, đầu dài gân nhị đầu và phần trên của gân cơ dưới vai). 
- Chuẩn bị vùng khâu (làm sạch, bộc lộ diện xương vùng mấu động lớn xương cánh tay), tạo hình mỏm cùng vai và xủ lý các tổn thương khác nếu cần.
- Khâu vùng chóp xoay rách bằng chỉ neo hoặc chỉ không tiêu theo thương tổn. 
- Bơm rửa làm sạch vết mổ, đặt dẫn lưu nếu cần. 
- Đóng vết mổ. 
- Nẹp cánh cẳng bàn tay ôm vai.

Tai biến và xử trí

1. Theo dõi
- Sau mổ 24h theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp người bệnh. 
- Thay băng và theo dõi tình trạng vết mổ 2 ngày 1 lần. 
- Theo dõi lượng dịch ra dẫn lưu, rút dẫn lưu sau 48h. 
- Sử dụng các thuốc kháng sinh, giảm đau, chống phù nề và dịch truyền sau mổ. 
- Hướng dẫn tập phục hồi chức năng từ ngày thứ 2 sau mổ.  
2. Xử trí tai biến                                               
- Chảy máu: số lượng ít, tiến hành băng ép cầm máu. Nếu không hiệu quả, cần cầm máu dưới da hoặc mổ lại cầm máu. 
- Nhiễm khuẩn: Thay kháng sinh theo kháng sinh đồ, truyền dịch bù điện giải. Không hiệu quả, cần phẫu thuật nạo viêm, đặt dẫn lưu, đóng da thưa tiếp tục theo dõi.