Tra cứu  ›  QTKT khám-chữa bệnh  ›  PHẪU THUẬT KẾT HỢP XƯƠNG GÃY HỞ ĐỘ III 2 XƯƠNG CẲNG CHÂN

PHẪU THUẬT KẾT HỢP XƯƠNG GÃY HỞ ĐỘ III 2 XƯƠNG CẲNG CHÂN

Quyết định số: 11/QĐ-BYT

Ngày ban hành: 04/01/2022 12:00

Đại cương

- Gãy xương hở là tình trạng gãy xương có sự phá vỡ lớp da và mô mềm dưới da, thông trực tiếp vào ổ gãy và ổ máu tụ quanh ổ gãy. 
- Phân loại gãy hở theo Gustilo & Anderson            
+ I: Tổn thương mô mềm ít, vết thương < 1cm.
+ II: Vết thương phần mềm> 1cm và <10cm, vấy bẩn ít.
+ IIIA: Vết thương phần mềm >10cm, sau cắt lọc còn đủ mô mềm che phủ thích hợp
+ IIIB: Vết thương phần mềm >10cm, bóc tách mô mềm rộng lớn, không đủ mô mềm để che phủ thích hợp, phải chuyển vạt để che phủ.
+ IIIC: Tổn thương mạch máu, thần kinh cần được phẫu thuật sửa chữa.
- Bài viết sẽ đề cập tới quy trình kĩ thuật điều trị gãy hở độ III 2 xương cẳng chân bằng khung cố định ngoài. Trong gãy hở độ III 2 xương cẳng chân, phương pháp điều trị tốt nhất thường là cố định ngoại vi thì 1 và kết hợp xương bên trong hoặc bột tăng cường thì 2 tùy theo điều kiện vết thương phần mềm và mức độ liền xương tương đối.

Chỉ định điều trị

Gãy hở độ III 2 xương cẳng chân.

Chống chỉ định

- Bệnh kèm theo quá nặng để thực hiện cuộc mổ
- Sốc mất máu quá nặng: ưu tiên cắt cụt chi

Chuẩn bị

1. Người thực hiện
- Phẫu thuật viên chuyên khoa hoặc phẫu thuật viên ngoại chung
- Số lượng phẫu thuật viên phụ mổ: 2
2. Người bệnh
- Đánh rửa vết mổ bằng oxy già, muối sinh lí hoặc các dung dịch sát khuẩn nhanh, cạo lông (nếu có) tại vị trí vùng mổ 
- Tư thế người bệnh: người bệnh nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng.
3. Phương tiện: Bộ phương tiện kết hợp xương, khung Fessa (dùng cho gãy thân xương) hoặc khung vòng (dùng cho các loại gãy sát đầu xương)
4. Dự kiến thời gian phẫu thuật: 1h-1h30

Các bước tiến hành

1. Tư thế: người bệnh nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng, garo gốc chi
2. Vô cảm: tê tủy sống hoặc gây mê tùy theo điều kiện và kinh nghiệm của BS gây mê
3. Kỹ thuật
- Làm sạch ổ gãy, loại bỏ các thành phần vấy bẩn, ngăn  ngừa hoặc làm giảm các biến chứng nhiễm trùng, tổn thương mô mềm thêm
+ Lấy bỏ các mảnh xương vấy bẩn, không còn mạch máu nuôi
+ Bảo vệ các mô mềm còn dính vào mảnh xương
+ Giữ lại các mảnh xương chính
+ Bằng mọi giá, phải giữ lại các mảnh xương của mặt khớp
+ Tránh: khoảng chết, vết thương căng
+ Cắt lọc kỹ càng các tổ chức cơ đụng dập, giữ lại cơ còn phản xạ, còn máu nuôi dưỡng
- Đặt lại xương về giải phẫu
- Sử dụng khung cố định ngoài phải đạt được các yêu cầu
+ Các đinh cách xa nhau 
+ Các thanh dọc nằm gần xương 
+ Đinh được dự ứng lực  
+ Số thanh dọc: hai tốt hơn mộ
+ Phải bảo đảm đinh xuyên qua được vỏ xương đối diện:
Đo chiều dài đinh bằng cảm giác chạm vỏ xương đối diện 
Nếu dùng loại đinh tự khoan, mũi đinh chỉ vừa thủng vỏ đối diện  
Đừng khoan đinh xuyên qua vỏ đối diện, mũi đinh chỉ vừa thủng vỏ đối diện  
- Khi phần mềm bị tổn thương nặng, nên thêm 1 đinh vào xương bàn 1 để giữ bàn chân ở 90°, nhằm ngăn ngừa bàn chân co rút gập lòng .
- Xử trí các tổn thương mạch máu, thần kinh phối hợp.
- Che phủ lại được các thành phần quan trọng như thần kinh, mạch máu, gân, xương còn sống
- Vá da khi điều kiện tổ chức hạt lên tốt.

Tai biến và xử trí

1. Theo dõi: Theo dõi sát toàn trạng, chỉ số sinh tồn, dẫn lưu, băng vết mổ, đánh giá mức độ đau của người bệnh sau mổ để phát hiện sớm các biến chứng.
2. Các biến chứng sau mổ có thể xảy ra
- Chảy máu sau mổ: Nếu xác định chảy máu tĩnh mạch: băng ép cầm máu. Nếu chảy máu động mạch: có thể phải mở vết mổ cầm máu (tại phòng mổ)
- Nhiễm trùng: Cắt lọc tổ chức và xương hoại tử, phối hợp kháng sinh đường tĩnh mạch liều cao.
- Chậm liền và không liền: Thường gặp trong cố định ngoại vi vì các khung cố định ngoại vi hay dùng ở Việt Nam như Fessa và khung vòng là những loại khung không tạo ra lực nén ổ gãy. Chúng ta sẽ kết hợp xương bên trong thì 2 khi vết thương phần mềm ổn định.