Tra cứu  ›  QTKT khám-chữa bệnh  ›  PHẪU THUẬT ĐỨT GÂN CƠ NHỊ ĐẦU

PHẪU THUẬT ĐỨT GÂN CƠ NHỊ ĐẦU

Quyết định số: 11/QĐ-BYT

Ngày ban hành: 04/01/2022 12:00

Đại cương

- Chủ yếu là thương tổn đầu dài cơ nhị đầu, gặp trong các người bệnh có chấn thương vai trong các động tác xoay trong cánh tay, duỗi khuỷu đột ngột.
- Thường kèm theo các tổn thương khác của khớp vai.
- Chỉ định điều trị bảo tồn là chủ yếu.

Chỉ định điều trị

Những người bệnh có nhu cầu vận động cao (vận động viên,…), đau dai dẳng kéo dài đã điều trị nội không hiệu quả.

Chống chỉ định

- Đứt gân cơ nhị đầu có nhiễm trùng tại chỗ chưa ổn định.
- Đứt gân cơ nhị đầu trên người bệnh có bệnh phối hợp không thể tiến hành phẫu thuật.

Chuẩn bị

1. Người thực hiện: 01 kíp Phẫu thuật viên chuyên khoa chấn thương chỉnh hình (3 Bác sĩ).
2. Người bệnh 
- Chuẩn bị tâm lý: người bệnh cần được giải thích trước mổ về quá trình phẫu thuật, hậu phẫu và tập phục hồi chức năng sau mổ, biến chứng có thể xảy ra, ưu nhược điểm…..
- Chuẩn bị hồ sơ bệnh án đầy đủ thủ tục hành chính và các xét nghiệm cần thiết. 
- Chuẩn bị người bệnh trước mổ: nhịn ăn, vệ sinh vùng mổ, kháng sinh dự phòng.
3. Phương tiện, trang thiết bị
- Bộ dụng cụ mổ chấn thương chi trên. 
- Thực hiện tại các cơ sở có chuyên khoa chấn thương chỉnh hình.
4. Dự kiến thời gian tiến hành : 90-120 phút

Các bước tiến hành

1. Tư thế:  Người bệnh nằm ngửa trên bàn chỉnh hình. Tay dạng 90 độ so với trục cơ thể, tay đặt trên 1 bàn nhỏ. Sát khuẩn tới gốc chi phẫu thuật.
2. Vô cảm: Gây mê toàn thân hoặc gây tê đám rối cánh tay 
3. Kỹ thuật: 
- Rạch da 6-10cm mặt trước trong cánh tay (đường nối mỏm quạ đến điểm giữa khớp khuỷu) từ sát dưới cơ ngực lớn đi xuống.  
- Bóc tách tổ chức dưới da, cân - cơ, bộc lộ cơ nhị đầu và đầu gân đứt. 
- Cắt lọc vùng gân tổn thương. 
- Bộc lộ mặt trước xương cánh tay.
- Cố định đầu dài gân cơ nhị đầu cánh tay vào mặt trước xương cánh tay.  
- Bơm rửa làm sạch vết mổ. 
- Đặt 1 dẫn lưu áp lực âm. 
- Đóng vết mổ theo lớp giải phẫu. 
- Nẹp bột cánh cẳng bàn tay.

Tai biến và xử trí

1. Theo dõi
-  Sau mổ 24h theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp người bệnh. 
- Thay băng và theo dõi tình trạng vết mổ 2 ngày 1 lần. 
- Sử dụng các thuốc kháng sinh, giảm đau và dịch truyền sau mổ. 
- Hướng dẫn tập phục hồi chức năng từ ngày thứ 2 sau mổ.  
2. Xử trí tai biến                                             
- Chảy máu: số lượng ít, tiến hành băng ép cầm máu. Số lượng nhiều, máu đỏ tươi, chảy rỉ rả, có thể sát khuẩn, tách mép vết mổ, cầm máu dưới da tại giường. Nếu không hiệu quả, cần mổ lại cầm máu. 
- Nhiễm khuẩn: Thay kháng sinh theo kháng sinh đồ. Không hiệu quả, cần mổ lại, nạo viêm, đặt dẫn lưu, đóng da thưa tiếp tục theo dõi.