Tra cứu  ›  QTKT khám-chữa bệnh  ›  PHẪU THUẬT GHÉP XƯƠNG NHÂN TẠO

PHẪU THUẬT GHÉP XƯƠNG NHÂN TẠO

Quyết định số: 11/QĐ-BYT

Ngày ban hành: 04/01/2022 12:00

Đại cương

- Phẫu thuật ghép xương nhân tạo có hai loại chính là ghép xương đồng loại (Mảnh ghép xương tươi bảo quản lạnh sâu, mảnh ghép xương đông khô…) và ghép xương dị loại (mảnh ghép khung carbon…).
- Ưu điểm là mảnh xương ghép có thể tích và kích thước tùy mong muốn, kỹ thuật đơn giản. Nhược điểm nguy cơ nhiễm trùng cao, chi phí cao.

Chỉ định điều trị

- Khuyết hổng xương.
- Khớp giả khuyết xương.
- U xương lành tính sau khi đã lấy bỏ u. 

Chống chỉ định

- Khớp giả nhiễm trùng chưa ổn định.
- Người bệnh có bệnh phối hợp không thể tiến hành phẫu thuật.
- U xương ác tính.

Chuẩn bị

1. Người thực hiện: 01 kíp Phẫu thuật viên chuyên khoa chấn thương chỉnh hình (3 Bác sĩ). 
2. Người bệnh 
- Chuẩn bị tâm lý: người bệnh cần được giải thích trước mổ về quá trình phẫu thuật, hậu phẫu và tập phục hồi chức năng sau mổ, biến chứng có thể xảy ra, ưu nhược điểm…
- Chuẩn bị hồ sơ bệnh án đầy đủ thủ tục hành chính và các xét nghiệm cần thiết. 
- Chuẩn bị người bệnh trước mổ: nhịn ăn, thụt tháo, vệ sinh vùng mổ, kháng sinh dự phòng.
3. Phương tiện, trang thiết bị 
- Bộ dụng cụ mổ chấn thương chỉnh hình. 
- Thực hiện tại các cơ sở có chuyên khoa chấn thương chỉnh hình.
4. Dự kiến thời gian tiến hành : 60-90 phút

Các bước tiến hành

1. Tư thế: nằm ngửa hoặc nằm nghiêng tùy thuộc vào xương ghép vùng nào
2. Vô cảm: gây mê nội khí quản, hoặc gây tê đám rối, gây tê tủy sống
3. Kỹ thuật
- Phẫu thuật luôn bắt đầu từ nơi nhận: cắt lọc, làm sạch, bộc lộ vùng cần ghép xương. Lấy bỏ u nếu là u xương (gửi bệnh phẩm phân tích giải phẫu bệnh).
- Cần dự kiến 2 khả năng có thể xảy ra: Sự khuyết hổng có thể rộng rãi hơn dự kiến ban đầu. Cần có phương án che phủ tốt gân và xương trong trường hợp có khuyết hổng tổ chức phần mềm. 
- Chuẩn bị đoạn xương ghép.
- Ghép xương nơi nhận, cố định xương vững chắc. 
- Cầm máu, đặt dẫn lưu.
- Khâu cân cơ, phần mềm che phủ diện xương ghép và gân.
- Khâu da. 

Tai biến và xử trí

Theo dõi
- Theo dõi tình trạng toàn thân: mạch, huyết áp, nhiệt độ, nhịp thở, tri giác.
- Theo dõi tình trạng thiếu máu: da niêm mạc nhợt.
- Theo dõi chi thể: Màu sắc da, vận động, cảm giác đầu chi, mạch đầu chi. 
- Kháng sinh đường tiêm dùng 3-5 ngày sau mổ.
- Giảm đau sau mổ đường tiêm, đặt hậu môn hoặc uống.
- Gác chi cao.
- Hướng dẫn tập phục hồi chức năng sau mổ sớm.
Xử trí tai biến
- Chảy máu vết mổ: băng chun ép cầm máu, có thể phải mở vết mổ cầm máu nếu cần. 
- Nhiễm trùng vết mổ: Tách chỉ vết mổ, thay băng làm sạch vết mổ hàng ngày, dùng thuốc theo kháng sinh đồ.