Tra cứu  ›  QTKT khám-chữa bệnh  ›  PHẪU THUẬT KẾT HỢP XƯƠNG GÃY TRÊN LỒI CẦU XƯƠNG CÁNH TAY CÓ TỔN THƯƠNG MẠCH MÁU VÀ THẦN KINH (10.908)

PHẪU THUẬT KẾT HỢP XƯƠNG GÃY TRÊN LỒI CẦU XƯƠNG CÁNH TAY CÓ TỔN THƯƠNG MẠCH MÁU VÀ THẦN KINH (10.908)

Quyết định số: 11/QĐ-BYT

Ngày ban hành: 04/01/2022 12:00

Đại cương

Gãy trên lồi cầu xương cánh tay (gọi tắt là gãy TLC) là gãy đầu dưới
xương cánh tay ngoài khớp tại vùng hành xương phía trên sụn phát triển. Đường gãy TLC điển hình luôn đi qua hố khuỷu, vị trí xương mỏng nhất và là điểm yếu của đầu dưới xương cánh tay.
Theo mã ICD10, gãy TLC có thể sử dụng mã S42.41 với loại gãy đơn giản hoặc
S42.42 với loại gãy vụn, phức tạp. Đây là loại gãy thường gặp nhất ở trẻ em, chiếm
khoảng 16% tổng số các gãy xương và khoảng 60% các chấn thương gãy xương vùng khuỷu ở trẻ em.
Lứa tuổi hay gặp nhất là trong độ tuổi 3-7. Tỉ lệ trẻ nam / nữ tương đương nhau.
Tay trái hay tay không thuận thường bị nhiều hơn. Khoảng trên 97% là gãy kiểu duỗi, chỉ 1-3% là gãy kiểu gấp. Hầu hết là gãy kín, rất hiếm khi gãy hở. Tổn thương thần kinh có thể lên đến 10-20%, tỉ lệ tổn thương mạch khoảng 1%.
Điều trị còn nhiều điểm chưa thống nhất, với 2 phương pháp là điều trị chỉnh hình và điều trị phẫu thuật. Trước kia thường điều trị bảo tồn, tuy nhiên tỉ lệ biến chứng còn cao, đặc biệt là can lệch dẫn đến vẹo khuỷu, do đó ngày nay chỉ định điều trị phẫu thuật có xu hướng tăng lên.

Chỉ định điều trị

- Nắn chỉnh kín thất bại 
- Di lệch thứ phát do gãy không vững sau bó bột
- Gãy có tổn thương mạch máu cần phẫu thuật
- Gãy có tổn thương thần kinh trong và sau quá trình bó bột
- Gãy xương hở
- Tổn thương gãy xương phối hợp trên cùng 1 tay

Chống chỉ định

- Toàn thân: bệnh lý toàn thân nặng, nhiễm trùng không cho phép phẫu thuật.

Chuẩn bị

1. Người thực hiện: Phẫu thuật viên là bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình được đào tạo chuyên sâu về phẫu thuật chi trên.
2. Người bệnh
- Người bệnh và gia đình được giải thích rõ trước mổ về tình trạng bệnh và tình trạng chung, về những khả năng phẫu thuật sẽ thực hiện, về những tai biến, biến chứng, di chứng có thể gặp do bệnh, do phẫu thuật, do gây mê, tê, giảm đau, do cơ địa của người bệnh.
- Được hướng dẫn quy trình phục hồi chức năng sau mổ.
- Nhịn ăn trước mổ 6 giờ.
- Hồ sơ bệnh án: Hoàn thiện theo quy định bệnh án. Ghi đầy đủ, chi tiết các lần thăm khám, hội chẩn, giải thích cho người bệnh và gia đình.
3. Phương tiện
- Bộ dụng cụ phẫu thuật cánh tay.
- Phương tiện KHX cánh tay: Kim Kirschner, chỉ thép, nẹp vít, vít xốp, vít xương cứng đường kính 3.5-4mm.
4. Dự kiến thời gian phẫu thuật: 60 phút

Các bước tiến hành

1. Tư thế: Người bệnh nằm ngửa, tay dạng 60°, khuỷu gấp 900 trên bàn để tay.
2. Vô cảm: Gây tê đám rối hoặc gây mê.
3. Kỹ thuật
- Đường vào: Rạch da đường ngoài, tách giữa lớp cơ cánh tay quay và cơ cánh tay bộc lộ đầu dưới xương cánh tay.
- Bộc lộ kiểm tra thương tổn xương, cơ, thần kinh (chủ yếu thần kinh giữa, thần kinh trụ), động mạch (co thắt, đụng dập, đứt mạch…)
- Làm sạch diện gãy xương, đặt lại diện gãy (chú ý diện khớp). KHX bằng K-wire, vis xốp hoặc chỉ. Kiểm tra độ vững của diện gãy, tầm vận động của khớp khuỷu.
- Khâu nối dây thần kinh nếu bị đứt (khâu bao, bao bó).
- Mời kíp mạch vào xử lý thương tổn động mạch.
- Đóng vết mổ: Khâu cân cơ, khâu da.
- Đặt bột CCBT tư thế cơ năng khoảng 4 tuần

Tai biến và xử trí

1. Theo dõi 
- Theo dõi sát người bệnh về tình trạng toàn thân: Mạch, huyết áp, nhiệt độ cũng như tình trạng tại chỗ như vết mổ, tình trạng đầu chi, phim X-quang chụp lại để đánh giá và xử trí tùy theo từng biến chứng.
2. Biến chứng
- Tụ máu, phù nề sau mổ
- Nhiễm trùng
- Tổn thương mạch máu, thần kinh
- Chậm liền, khớp giả
- Cứng khớp, vẹo khuỷu